• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam

Giáo dục 29/06/2022 09:54

(Tổ Quốc) - Làm thế nào để tạo ra một lớp học online với 5.000 trẻ em học đồng thời mà tất cả đều có thể tương tác với giáo viên realtime và có câu trả lời cũng realtime ngay trong buổi học? Vì sao một chương trình miễn phí lại đem về Việt Nam thiết bị hiện đại nhất về lập trình robotics (VEX IQ) cho trẻ em thực hành? Đó chính là bí mật của STEAM for Vietnam.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 1.

Mở đầu khóa học, STEAM for Vietnam giúp nhiều bạn nhỏ thay đổi ước mơ. Vậy sau 2 năm vận hành, anh thấy chương trình đem đến thêm những thay đổi gì với các bạn nhỏ?

Số lượng trẻ em tham gia các khóa học của STEAM for Vietnam là một kết quả. Có những lớp học có tới 5.000 em cùng tham gia. Nhưng để có thể thấy trực quan hơn bạn có thể vào Youtube và Facebook để search những video về chương trình và những video mà phụ huynh hào hứng đăng tải, chia sẻ câu chuyện về con mình tham gia STEAM for Vietnam đã thay đổi ra sao.

STEAM for Vietnam còn có một mạng lưới phụ huynh với gần 10.000 người. Có phụ huynh up lên video cảnh các học sinh thức đến tận 1-2h sáng chưa ngủ vì chưa sửa xong lỗi của chương trình. Hoặc có học sinh thì ngồi miệt mài tìm lỗi đến lúc sửa được, ra mở tủ lạnh lấy chai sữa to đùng tu ừng ực vì… sướng.

Rồi có "ông con" trước nghiện game, bố mẹ làm đủ kiểu không "cai" được, sau khi tham gia STEAM for Vietnam thì không chơi game nữa, chỉ sướng làm game và bắt bố mẹ chơi thôi, khiến bố mẹ bị… shock.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 2.

Ngoài ra sau khi học xong các khoá học ở STEAM for Vietnam, nhiều học sinh đã có một nền móng vững chắc để học những thứ khó hơn và tham gia vào các thử thách khác và dành được rất nhiều kết quả khích lệ.

Trong hệ sinh thái công nghệ của STEAM for Việt Nam, còn có một mạng xã hội riêng gọi là STEAMese Profile – giống như LinkedIn cho trẻ em vậy. Mỗi một bạn sẽ có một hồ sơ cá nhân trên đó, với đầy đủ thông tin cá nhân, có thể cập nhật trên news feed và show các sản phẩm của cá nhân khi tham gia chương trình… để kết nối bạn bè trong STEAM for Vietnam. Và từ đây các kết nối xuyên lục địa để cùng hợp tác đã hình thành.

Ví dụ, trong một lớp học có hai bạn, một từ Hà Nội và một từ Houston (Mỹ), mới 9 tuổi đã cùng nhau lập thành một team để cùng làm dự án cuối khoá với nhau. Mặc dù nhỏ tuổi nhưng các bạn đã học được những thói quen rất chuyên nghiệp mà nhiều người lớn còn lóng ngóng như dùng Zoom để họp hành trao đổi về ý tưởng, cách thực hiện, luyện tập thuyết trình,… Vào lúc 9 tuổi thì mình vẫn còn đi dép nhầm. (cười lớn)

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 3.

STEAM for Vietnam đi tiên phong trong việc mở khóa học quy mô lớn về thiết kế và lập trình robotics với nền tảng VEX IQ ở Việt Nam. Vì sao một chương trình miễn phí hoàn toàn lại chọn loại thiết bị đắt tiền và chưa triển khai ở Việt Nam như vậy?

VEX IQ là bộ robot giáo dục, có thể tháo rời từng linh kiện, bánh răng, thanh nhựa ngắn…, khi lắp ghép, thiết kế, tụi trẻ con có thể làm mọi thứ theo mong muốn. Bộ VEX IQ đang được dạy phổ biến ở Mỹ.

Ở Việt Nam thường có tư duy rằng mình thua thiệt, rằng nước mình nghèo, mình đi sau… nên không làm được cái nọ, cái kia. STEAM for Vietnam đang rất nỗ lực để giảm bớt các rào cản đó để hoàn cảnh không phải là yếu tố chặn con đường phát triển của các em. Triết lý của STEAM for Vietnam là trẻ con Mỹ học cái gì thì trẻ con Việt Nam cũng sẽ được học như thế. Đấy là lý do STEAM for Vietnam chọn VEX IQ cho chương trình đào tạo robotics cho học sinh Việt Nam.

Lúc đầu, do kinh phí có hạn nên bọn mình chỉ định mang một số bộ nhất định thôi. Nhưng may là khi gặp bên VinUni, mình chia sẻ về VEX IQ thì họ cho biết cũng có kế hoạch tương tự nên 2 bên hợp tác với nhau. VinUni tài trợ 100 bộ robot, STEAM for Vietnam có mấy chục bộ nữa nên đủ để triển khai được ở khắp các tỉnh thành, ra cả đảo Phú Quý. Giờ nhiều học sinh đã có thiết bị học thiết kế và lập trình robotics chẳng khác gì học sinh ở Mỹ cả, mà còn miễn phí.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 4.

Mình cũng bổ sung thêm một lý do chọn VEX IQ. Giờ có rất nhiều bộ robot gọi là STEM robot trông giống cái xe nhưng chỉ giải quyết vấn đề về lập trình robotics thôi. Trong khi đó, cái mà mình mong muốn là dạy trẻ con cả tư duy kỹ thuật của một kỹ sư.

Tại sao chọn bánh răng to chứ không phải nhỏ, tại sao chọn thanh dài chứ không phải thanh ngắn… vì phải hiểu về vật lý, phải hiểu về điều khiển, để từ đó mới thiết kế, lắp ghép, tạo thành tư duy của một kỹ sư thứ thiệt.

STEAM for Vietnam muốn tụi trẻ con làm được như vậy và phát triển tư duy kiểu thế từ khi còn bé để sau này cơ hội trở thành những kỹ sư giỏi sẽ cao hơn nhiều. Chứ thiết kế và lập trình robotics mà học chay và lý thuyết suông thì khó.

Giờ thì khóa học đầu tiên đã xong rồi, đến tháng 9 sẽ có một Tournament thi đấu toàn quốc với 32 đội VEX IQ được tuyển chọn.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 5.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 6.

Như anh vừa chia sẻ thì một lớp học của STEAM for Vietnam mà có tới hơn 5.000 trẻ em học đồng thời thì làm sao có thể có đảm bảo được sự tương tác giữa thầy và trò, cũng như giáo viên biết được học sinh có hiểu bài hay không?

Cái này cũng nhờ công nghệ thôi. Với một lớp học 5.000 người như vậy nếu vận hành kiểu thầy nói, trò nghe như một lớp học truyền thống thì không thể tạo ra tương tác giữa thầy và trò, mà chỉ có tương tác một chiều. Nếu chỉ như vậy thì lớp học sẽ vô cùng buồn tẻ và chắc sau 3 phút sẽ không còn một học sinh nào.

Vì thế, các kỹ sư của STEAM for Vietnam đã thiết kế hệ thống phần mềm để hỗ trợ cho điều đó. Thầy đưa ra câu hỏi thì sẽ hiển thị lên màn hình ngay lập tức và học trò có thể lựa chọn để tương tác, từ đó thầy cũng sẽ biết được realtime là bao nhiêu phần trăm hiểu bài, bao nhiêu phần trăm làm đúng… để có phản hồi, điều chỉnh phù hợp ngay lập tức.

Ngoài ra, STEAM for Vietnam còn thiết kế hệ thống trợ giảng cho mỗi buổi học. Một thầy giảng bài cho 5.000 học trò thì không có cách nào để trả lời hết các câu hỏi. Do vậy, 5.000 học trò sẽ được chia ra thành nhiều nhóm nhỏ, màn hình chính sẽ theo dõi bài giảng của thầy, màn hình nhỏ sẽ có 50 học trò do một trợ giảng phụ trách. Mỗi trợ giảng đó sẽ giải đáp ngay các thắc mắc và tương tác với học trò trong nhóm mình phụ trách realtime…

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 7.

Chưa hết, ngoài việc có thầy chính còn có người backup nữa, kiểu như thầy chính ở Bờ Đông thì thầy backup ở Bờ Tây hoặc ở Singapore để trong trường hợp đứt mạng, bão tuyết, động đất… thì luôn có người tiếp tục buổi học và không bị gián đoạn.

Đó là lý do một thầy dạy 5.000 trò mà vẫn có tương tác 2 chiều, realtime – chứ không phải là kiểu thầy giảng trò nghe. Thực ra, đằng sau lớp học đó là hệ thống công nghệ rất khủng và một ê kíp hỗ trợ rất nhiều thứ: từ MC, trợ giảng, vận hành, executive producer… giống như một buổi lên hình của một show truyền hình vậy.

Nhìn bên ngoài thì trông một buổi học của STEAM for Vietnam có vẻ chơi chơi một thầy với các học trò vậy thôi chứ ở phía đằng sau "tốn nhiều cơm" lắm! (cười lớn)

Ngoài ra, học phải đi đôi với hành nên học xong thì phải viết chương trình và nộp bài để giáo viên chấm điểm. Thế nhưng, một lớp học có tới 5.000 học sinh thì ai chấm cho xuể? Thế là các kỹ sư phải thiết kế ra hệ thống chấm bài tự động – hệ thống tự phân tích bài của tụi trẻ con và chấm được bài. Phải làm như vậy mới có thể phục vụ được một số lượng học sinh rất lớn đến với STEAM for Vietnam.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 8.

Sau 2 năm phát triển mạnh mẽ với việc dạy trẻ em Việt Nam học lập trình, STEAM for Vietnam sẽ có kế hoạch phát triển tiếp theo ra sao?

Thực tế là chương trình đã mở rộng ra những lĩnh vực bên ngoài công nghệ rồi. Cụ thể, STEAM bao gồm 5 lĩnh vực: S - Science; T - Technology; E - Engineering; A - Art; M - Mathematics. Trước giờ, STEAM for Vietnam chỉ tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghệ (Technology) nhưng bây giờ đã có thêm nghệ thuật (Art).

STEAM for Vietnam luôn tìm kiếm các đối tác phù hợp có cùng tầm nhìn và cam kết để có thể dạy STEAM cho trẻ em Việt Nam. Hiện nay, chương trình đã hợp tác với nghệ sĩ Thanh Bùi và hè này sẽ ra mắt lớp học đầu tiên về Digital Art, và dần dần sẽ có thêm các môn khác nữa khi có các đối tác phù hợp.

Khi phát triển nhanh và mạnh như vậy, làm thế nào để STEAM for Vietnam có thể kêu gọi thêm thật nhiều người giỏi ở đẳng cấp thế giới tham gia phát triển nền tảng công nghiệp cũng như dạy miễn phí cho trẻ em Việt Nam trong những năm tới?

Khi đóng góp công sức xây dựng và phát triển STEAM for Vietnam, ngoài cảm giác hạnh phúc khi làm được những điều có ích, giúp đỡ thế hệ sau này, các tình nguyện viên còn có cơ hội thử thách bản thân khi được làm những việc rất khó và được hỗ trợ, hướng dẫn bởi những người rất giỏi.

Ví dụ như các bạn kỹ sư trẻ, khi vào đây, nhiều bạn phát hiện ra là STEAM for Vietnam đã giúp họ rút ngắn hơn con đường sự nghiệp của mình. Nhiều người sẽ phải mất 5-7 năm, thậm chí 10 năm mới được quản lý một team khoảng 10 người thì có bạn vào đây một thời gian đã quản lý team tới 30 người mà đều là những người giỏi.

Startup giáo dục kỳ lạ: Bí mật của lớp học 5.000 trẻ em và cú sốc của phụ huynh có con tham gia STEAM for Vietnam - Ảnh 9.

Ngoài ra, khi vào trong team, các thành viên cũng hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau những kỹ năng rất quan trọng và thiết thực như luyện cách phỏng vấn vào làm việc ở các công ty như Google, Facebook… Có những bạn được những thành viên trong team hướng dẫn cách xây dựng những hệ thống mà trước đây chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được.

Được tập luyện và có cơ hội phát triển năng lực cá nhân trong một môi trường thách thức như vậy là một hấp dẫn lớn. STEAM for Vietnam giống như một cái "flywheel" (bánh đà) vậy, khi nó đã quay rồi chỉ có quay tít thôi.

Những người nào hợp thì quay tiếp, không chịu được sẽ bật ra. Đó là lý do vì sao người giỏi cứ vào STEAM for Vietnam liên tục, liên tục. Thực tế thì đội ngũ lãnh đạo của STEAM for Vietnam đã bắt đầu có thế hệ thứ 2, đang đứng lên tiếp quản dần dần.

Hiện tại, bọn mình đang xây dựng một hệ thống quản lý về mặt công việc để làm sao một người có 30 phút rảnh mỗi tuần thôi, muốn đóng góp cho chương trình thì  cũng có thể được tận dụng tối đa và quy được ra cái gì đó hữu ích với người khác.

Ngoài ra, khi chương trình có nhiều công việc ở Việt Nam thì cần fulltime team. Hiện tại, STEAM for Vietnam đã có 2 bạn làm việc toàn thời gian. Một bạn làm việc cho Shopee – đầu tiên tham gia làm tình nguyện thôi, nhưng sau thấy công việc hay quá nên bỏ luôn việc để làm toàn thời gian cho STEAM for Vietnam.

Quỳnh Anh – Hoàng Ly
Tuấn Mark, NVCC
Hải An

Quỳnh Anh – Hoàng Ly

NỔI BẬT TRANG CHỦ