• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự chuyển mình của nghệ thuật sân khấu

Văn hoá 25/02/2025 08:55

(Tổ Quốc) - Diện mạo sân khấu đã có nhiều thay đổi trong sự phát triển của nhiều phương tiện và nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau ở thời kỳ công nghệ 4.0, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay.

Khát khao sáng tạo và cống hiến của nghệ sĩ

Năm 2024 đã diễn ra năm nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của sân khấu Việt Nam như Liên hoan các tác phẩm sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên nhi đồng, Liên hoan kịch nói toàn quốc, Liên hoan cải lương toàn quốc, Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng và Liên hoan sân khấu kịch thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất… Theo Nhà viết kịch, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, các đơn vị nghệ thuật đều thể hiện sự khát khao sáng tạo và mong muốn được cống hiến của đội ngũ nghệ sỹ, với quyết tâm cao nhất để vượt qua chồng chất những thách thức khó khăn hiện hữu, với khát vọng đưa nghệ thuật sân khấu đến gần với người xem. Hay nói đúng hơn là tìm cách thay đổi diện mạo sân khấu trong sự phát triển của nhiều phương tiện và nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau ở thời kỳ công nghệ 4.0, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hôm nay.

Sự chuyển mình của nghệ thuật sân khấu  - Ảnh 1.

Sân khấu kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề, các câu chuyện về lịch sử, danh nhân, dân gian… nhằm chuyển tải tới người xem những thông điệp hướng tới các giá trị chân thiện mỹ

Có thể nói, phần lớn lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã thay đổi nhận thức, chú trọng đầu tư về mọi mặt trong quy trình lựa chọn, dàn dựng tác phẩm, đặt chất lượng nghệ thuật lên trên tất cả, xác định rõ đối tượng hưởng thụ là khán giả, là yếu tố quyết định sự thành bại, sống còn, sự tồn tại và phát triển của đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ.

Chính sự thay đổi về nhận thức của lãnh đạo và Hội đồng nghệ thuật đã làm cho sân khấu mất dần đi những vở diễn tập trung khai thác những chuyện tình tay ba, chuyện ma mị kinh dị, những câu chuyện cười rẻ tiền, những cảnh nóng, cướp, giết rùng rợn trên sân khấu. Những cốt truyện dạng giải trí đơn thuần đã dần lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho kịch chính luận, tâm lý xã hội, kịch luận đề, các câu chuyện về lịch sử, danh nhân, dân gian… nhằm chuyển tải tới người xem những thông điệp hướng tới các giá trị chân thiện mỹ.

Trong năm qua xuất hiện một số tác phẩm về đề tài lịch sử, danh nhân, chiến tranh cách mạng, đương đại đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Những tác phẩm này đã làm thanh lọc, tẩy rửa tâm hồn của người xem, tạo nên cảm xúc và sự rung động mạnh mẽ trong trái tim khán giả. Từ cốt truyện, hình tượng nhân vật, phương pháp tổ chức mâu thuẫn xung đột, các thủ pháp nghệ thuật và sức sáng tạo của nghệ sỹ đã buộc người xem phải chiêm nghiệm, suy ngẫm, ưu tư, trăn trở để tin yêu cuộc đời hơn, tự soi mình để sống tốt hơn, có ích hơn cho gia đình, xã hội bằng động lực và trách nhiệm công dân, đóng góp, xây đắp những đều đẹp đẽ dẫu là nhỏ nhoi cho cuộc sống này, góp phần loại bỏ những thói hư tật xấu, những vấn đề nóng bỏng đang làm nhức nhối trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một số tác phẩm vừa nói ở trên đã được các thành phần sáng tạo khơi thông thành dòng chảy xuyên suốt bằng những hỷ, nộ, ái, ố được nảy mầm từ lòng nhân ái, đức hy sinh và các giá trị nhân văn cao cả, lấy những điều tốt đẹp để làm vũ khí đẩy lùi cái ác, cái xấu đang thường trực trong mỗi con người và đời sống hiện tại.

Có những vở diễn về đề tài lịch sử, danh nhân, chiến tranh cách mạng đã tác động mạnh mẽ tới lý trí, tình cảm của người xem. Qua tác phẩm, khán giả hôm nay, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng của một dân tộc anh hùng, về lịch sử bi tráng của cha ông trong quá trình chống giặc ngoại xâm, về khát vọng hòa bình, về cội nguồn văn hóa và các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam trong quá khứ… Để từ đó khơi dậy và hun đúc thêm tinh thần yêu nước, phấn đấu vì một đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Nói cách khác, một số tác phẩm đã hoàn thiện khá tốt các chức năng cơ bản của nghệ thuật sân khấu. Đó là tính dự báo, chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ. Chỉ tiếc rằng… số lượng những tác phẩm này chưa nhiều, nếu không muốn dùng từ còn quá ít, vô cùng ít so với hàng trăm vở diễn đã được các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp dàn dựng và biểu diễn trong năm qua.

Sân khấu xã hội hóa bứt tốc mạnh mẽ

Cũng theo TS Nguyễn Đăng Chương, năm 2024 là năm thứ ba ghi nhận sự xóa bỏ khoảng cách về chất lượng nghệ thuật giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và ngoài công lập. Chất lượng tác phẩm của các đơn vị sân khấu xã hội hóa đã có sự bứt tốc mạnh mẽ, thay đổi toàn diện về lượng và chất. Những thay đổi ấy đang tạo nên áp lực lớn đối với nhiều đơn vị nghệ thuật công lập đang được đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập tinh nhanh hơn trong phân tích đánh giá thị hiếu khán giả, nhu cầu thị trường để tìm ra hướng đi mới trong lựa chọn kịch bản nhằm hài hòa giữa nhu cầu nhận thức và nhu cầu giải trí của khán giả. Vấn đề này đã được minh chứng trong kết quả của các cuộc liên hoan. Sự chuyển mình của các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã tạo ra sản phẩm đạt chất lượng về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật và đạt về giá trị kinh tế để có nguồn lực dành cho tái đầu tư sáng tạo. Phải chăng, đây cũng là quy luật tất yếu để phát triển nghệ thuật sân khấu trong cơ chế thị trường mà nhiều đơn vị nghệ thuật công lập cần nghiên cứu, học tập.

Sự chuyển mình của nghệ thuật sân khấu  - Ảnh 2.

Sân khấu xã hội hóa có sự thay đổi toàn diện về lượng và chất

Chỉ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có tới 30 vở diễn thuộc các sân khấu xã hội hóa thường trực phục vụ khán giả. Đây là con số biết nói, con số tạo nên sự trăn trở cho những người làm nghệ thuật… Làm thế nào để nghệ thuật sân khấu thoát ra khỏi sự trì trệ trong sự phát triển mạnh mẽ của xã hội.

Năm 2024 có lẽ cũng là thời điểm khẳng định sự vững vàng về nghề nghiệp của một số đạo diễn và nghệ sỹ biểu diễn. Đây là tín hiệu mừng, là nguồn lực có thể dần bù đắp phần nào sự khủng hoảng lực lượng sáng tạo đã trở thành căn bệnh chưa có thuốc giải của nghệ thuật sân khấu nhiều năm qua. Một loạt đạo diễn, tuổi đời còn trẻ và không còn trẻ, có nhiều năm làm diễn viên, được đào tạo nghệ thuật đạo diễn, được tích lũy kinh nghiệm từ bạn, từ thầy, từ những tháng ngày thấm đẫm mồ hôi, nước mắt trên sàn diễn và cuộc đời đã khẳng định khả năng sáng tạo với vai trò đạo diễn bằng sự thành công của một số tác phẩm đã trình làng trong mấy năm qua.

Sân khấu còn nợ…

Sân khấu năm 2024 và nhiều năm qua vô cùng thiếu vắng tác phẩm đề cập về đề tài đương đại, về những vấn đề nóng bỏng đang tác động nhiều mặt, làm thay đổi đời sống xã hội và con người trong thời kỳ hội nhập. Nhưng nghệ thuật sân khấu rất ít đề cập hoặc né tránh thực tiễn đang diễn ra sôi động, tác động mọi mặt đến xã hội, con người và làm mới hơn các hệ giá trị.

Sự chuyển mình của nghệ thuật sân khấu  - Ảnh 3.

Nền sân khấu của chúng ta đang bị khủng hoảng trầm trọng đội ngũ tác giả

"Phải chăng đội ngũ sáng tạo chưa lý giải được mâu thuẫn xung đột của thời đại và con người hôm nay nên khoanh tay bó gối trước hiện thực đời sống đang ngồn ngộn chất liệu và cuồn cuộn trôi đi từng ngày. Đây có lẽ là nguyên nhân cơ bản để nghệ thuật sân khấu chưa kéo được khán giả tới rạp hát. Bởi vì người xem đang cần nghệ thuật sân khấu đưa ra những thông điệp định hướng và mang đến dự báo từ thực tiễn đời sống; phản ánh chân thực những phát sinh trong xã hội, trong con người để lý giải và góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Sân khấu phải diễn tả sinh động mọi hỷ nộ ái ố; dùng thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc đắng cay của con người trong đời sống hiện đại, nhân rộng lên những điều đẹp đẽ nhân văn, gạt bỏ bớt những gì đang trở thành trở thành chướng ngại vật, cản đường cho sự phát triển. Nghệ thuật sân khấu của chúng ta còn mắc nợ lớn, vô cùng lớn với thời đại, với đất nước, với nhân dân…"- TS Nguyễn Đăng Chương bày tỏ.

Theo thống kê, trong 109 vở diễn tham dự năm cuộc Liên hoan nghệ thuật năm 2024 thì chỉ có khoảng hơn 10% số vở diễn đề cập về đời sống xã hội và con người đương đại.

Theo TS Nguyễn Đăng Chương, thực tế cho thấy, không có kịch bản hay thì không thể có vở diễn hay. Nếu không có kịch bản thì đạo diễn và các thành phần sáng tạo không thể bịa ra được một tác phẩm sân khấu. Nếu không có kịch bản hay thì đạo diễn và các thành phần sáng tạo cũng không thể bịa ra một tác phẩm hay.

Cũng giống như những năm trước, năm 2024 có rất ít vở diễn hay vì sân khấu đang vô cùng khan hiếm kịch bản hay. Chính vì vậy nên các đơn vị nghệ thuật phải chấp nhận dàn dựng lại kịch bản đã cũ, thậm chí còn sử dụng những kịch bản đã trình làng cách đây nhiều thập kỷ để mang đi tham dự Liên hoan và phục vụ nhân dân- TS Nguyễn Đăng Chương chỉ ra thực trạng.

Theo ông, điều này bộc lộ rõ nền sân khấu của chúng ta đang bị khủng hoảng trầm trọng đội ngũ tác giả.

Để giải quyết vấn đề này, cần cơ chế đặc thù để Nhà nước tài trợ thực hiện đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ tác giả sân khấu.

"Nếu chúng ta không khẩn trương giải quyết bài toán nan giải này, ít năm nữa muốn thực hiện cũng sẽ rất khó, bởi những người thầy về lý luận kịch, những nhà biên kịch có khả năng truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng trong nghệ thuật biên kịch đã và đang dắt tay nhau về miền mây trắng. Để trở thành nhà biên kịch sân khấu thực sự thì năng khiếu bẩm sinh, sự đam mê, kinh nghiêm làm nghề, trải nghiệm cuộc sống, bản lĩnh nghề nghiệp mới chỉ là những yếu tố cần. Kỹ năng, phương pháp, thủ pháp của nghệ thuật biên kịch mới là yếu tố đủ"- TS Nguyễn Đăng Chương chia sẻ./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ