(Tổ Quốc) - Đang trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, 6 bệnh nhân có diễn biến bất thường. Trong đó, có 2 bệnh nhân nặng đã được chuyển ra bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 2/8, Bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An đã tổ chức họp báo về sự cố chạy thận xảy ra vào ngày 30/7.
Tại cuộc họp báo, Bác sĩ Trần Tất Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, sau khi nhận được báo cáo của lãnh đạo khoa nội thân, Ban lãnh đạo bệnh viện đã trực tiếp xuống kiểm tra các bệnh nhân. Bệnh viện đã yêu cầu các bệnh nhân ở lại để điều trị nhưng các bệnh nhân nhẹ hơn có nguyện vọng về nhà nên chúng tôi đã để các bệnh nhân về nhà.
Tuy nhiên, còn 2 bệnh nhân có biển hiện nặng hơn có nhu cầu chuyển lên tuyến trên nên bệnh viện đã cho xe cứu thương cùng các nhân viên y tế đưa ra Hà Nội.
Bác sĩ Trần Tất Thắng, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chủ trì buổi họp
"Nguyên nhân hiện tại chưa rõ ràng, chúng tôi đang chờ kết quả xét nghiệm từ TƯ. Khi có kết quả xét nghiệm chúng tôi sẽ tìm hiểu nguyên nhân như thế nào? Từ đó để qui trách nhiệm cho bộ phận nào, cho cá nhân nào", bác sĩ Thắng nói.
Cũng tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh người trực tiếp điều trị cho hay, khi đang chạy thận 6 bệnh nhân có biểu hiện rét rung, sốt nhẹ 38 độ C. Ngay sau đó, các bác sĩ đã đo huyết áp, cho thuốc hạ sốt. Bệnh nhân nhẹ thì cho trở về nhà bình thường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Linh, người trực tiếp điều trị
Còn 3 bệnh nhân nặng hơn thì biểu hiện huyết áp thấp, sau khi cho truyền dịch và ngừng chạy thận thì huyết áp ổn định và cho nhập viện.
Theo bác sỹ Linh, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo thì có nhiều bệnh lý phối hợp, ngoài bệnh thận ra thì có các bệnh lý như: suy tim, hệ thống toàn thân.. kèm theo các triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi,.. Do đó, khi các sự cố này xảy ra thì có rất nhiều nguyên nhân.
Lấy mẫu nước RO để xét nghiệm
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, Sở đã có báo cáo sự cố chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), UBND tỉnh Nghệ An.
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An
Ngay khi nhận được thông tin, Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo Bệnh viện này ngừng ngay việc chạy thận nhân tạo, tổ chức cấp cứu bệnh nhân, hỗ trợ vận chuyển tiếp nhận bệnh nhân đến các cơ sở chạy thận nhân tạo trong tỉnh, đảm bảo chạy thận chu kỳ cho bệnh nhân. Thành lập tổ công tác xử lý sự cố y khoa làm việc tại bệnh viện.
Hệ thống máy chay thận tại BV HNĐK Nghệ An
Sau khi sự cố xảy ra, Bệnh viện HNĐK Nghệ An đã dừng chạy thận cho đến khi xác định được nguyên nhân và khắc phục sự cố. Lấy mẫu nước RO gửi viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Hà Nội. Hoàn tất các thủ tục hành chính để chuyển tất cả bệnh nhân chạy thân nhân tạo chu kỳ còn lại sang các cơ sở lọc máu trong tỉnh. Kiểm tra lại tất cả các quy trình chạy thận, rửa quả lọc, test acid tồn dư, tẩy máy, pha acid citric 30%, acid MDT.
Nguyên nhân do sốc nhiễm khuẩn
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, trong số 21 người chạy thận chiều 30/7 tại bệnh viện Hữu Nghị đa khoa Nghệ An, có 6 người có phản ứng bất thường như sốt, buồn nôn, rét run.
Trong đó, có 3 bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, 2 bệnh nhân nữ trong số đó rất nặng, nhiễm toan chuyển hoá, suy đa tạng, được các bác sĩ tại Nghệ An xử trí theo hướng sốc nhiễm khuẩn sau đó chuyển tiếp ra khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Nguyên nhân ban đầu từ kết quả cấy vi khuẩn cho thấy, cả 2 bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Cepacia gây ra.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai thông tin, biến chứng trong thận nhân tạo có nhiều nguyên nhân, liên quan nhiều yếu tố như nguồn nước, máy móc, lọc máu ra, đưa máu vào... nên rất khó để xác định chính xác nguyên nhân từ đâu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn.