• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự cố Formosa còn liên đới đến tiêu thụ, xuất khẩu thuỷ sản.

Kinh tế 21/07/2016 13:08

(Tổ Quốc) - Bên hành lang Quốc hội, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã chia sẻ mối lo ngại về những ảnh hưởng lâu dài mà sự cố Formosa gây ra.

Bên lề kỳ họp Quốc hội khoá 14, Báo Điện tử Tổ Quốc đã phỏng vấn ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam – ĐBQH tỉnh Bến Tre về nguyện vọng của người dân làm thuỷ sản, đặc biệt là những ngư dân đánh bắt trên Biển Đông qua sự cố Formosa vừa qua.

+ Thưa ông, với tư cách là đại diện cho lĩnh vực thuỷ sản, ông có thể cho biết ông đã mang theo nguyện vọng gì của người dân miền biển vào nghị trường lần này?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Tôi đại diện tiếng nói của những người dân làm thuỷ sản, đặc biệt là những ngư dân đang đánh cá trên Biển Đông. Họ đang rất quan tâm đến cuộc sống an sinh về trước mắt và lâu dài. Họ mong muốn tiếp tục được sống bằng nghề  đánh bắt, muốn góp phần vào xây dựng kinh tế, cũng như vào khẳng định chủ quyền của chúng ta trên biển, bảo vệ an ninh quốc phòng chung. Và tôi muốn đem tiếng nói của họ đến Quốc hội.

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng: "Tôi sẽ mang theo nguyện vọng của ngư dân vào nghị trường" Ảnh: Quỳnh Anh

+ Ông đã có những kế hoạch, lộ trình gì để truyền tải tốt nhất những nguyện vọng của ngư dân đến Quốc hội?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Trong chương trình hành động của quá trình vận động bầu cử ĐBQH tôi cũng đã phát biểu và cũng đã được ghi nhận. Tôi cũng đã được nhân dân đánh giá, ủng hộ và tôi đã trúng cử. Đó là điều đầu tiên.

Và tất nhiên còn nhiều kế hoạch tiếp theo tôi sẽ phải làm. Cũng phải qua kỳ họp thứ nhất khi tôi đã nắm được các lịch trình của Quốc hội thì tôi sẽ xây dựng chương trình cho mình. Trong đó, có sửa đổi luật thuỷ sản Việt Nam, chính sách cho người nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là những người đang đánh bắt cá trên Biển Đông...Đó là những vấn đề chúng tôi quan tâm.

Ngoài ra, phải chăm lo cho đời sống của bà con ngư dân, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới ven biển, hải đảo...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho thuỷ sản nói chung, chính sách cho những người tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo...có thể bị hy sinh, tai nạn trong quá trình đánh bắt trên biển...

+ Vấn đề ô nhiễm môi trường, xả thải của Formosa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến người làm nghề cá. Ông có thể đại diện ngư dân nói lên suy nghĩ của mình?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Vấn đề này tôi cũng đã lên tiếng. Yêu cầu xác định nguyên nhân, thủ phạm thì cũng đã xác định rồi. Yêu cầu bồi thường thì cũng đã có thể hiện một phần. Tuy nhiên, về lâu dài thì còn nhiều việc phải làm.

Trước mắt cần xác định thủ phạm có chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam hay không? Bao gồm những ai?

Đặc biệt chúng tôi quan tâm là quá trình khôi phục lại những nguồn lợi của biển để bà con có được cơ sở vật chất là nguồn tài nguyên quý giá, bảo đảm được nghề khai thác hải sản lâu dài.

Đó cũng là tín hiệu báo động để chúng ta quan tâm đến môi trường, nguồn lợi của biển nói chung về lâu dài.

Đây cũng là một nội dung trong luật thuỷ sản mà chúng tôi phải quan tâm.

+ Xin ông cho biết quan điểm của ngư dân về những đền bù của Formosa như đã công bố?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Đó là bước đầu thắng lợi của quá trình đầu tranh. Chúng ta đã xác định được nguyên nhân, thủ phạm và họ cũng đã chấp nhận đền bù. Tôi cho đó là bước đầu đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, đã xác định được họ vi phạm pháp luật Việt Nam rồi thì cần phải tiếp tục xác định họ chịu trách nhiệm như thế nào? Ai là người gây ra? Ai là người gián tiếp gây ra, kể cả phía Formosa và các nhà quản lý.

Tôi cũng cho rằng, đền bù của Formosa như đã công bố cũng chưa thỏa đáng. Bởi vì, họ đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống an sinh của hàng trăm nghìn người dân. Đó chỉ là con số đại khái chứ thực ra, một người đi đánh cá là phải nuôi 5,6 người trong gia đình.

Ngoài ra, sự việc Formosa còn dẫn đến nhiều thiệt hại khác cho xã hội và để lại nhiều hậu quả liên đới đến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm thuỷ sản.

Đó là những cái chúng ta có thể thấy trước mắt. Còn về lâu dài hậu quả thế nào chúng ta vẫn chưa biết được...

Theo tôi nắm bắt, trao đổi với một số hội nghề cá tại các tỉnh, trao đổi với những người làm thuỷ sản tại các địa phương thì họ cũng hài lòng và chấp nhận với đền bù bước đầu để có lộ trình. Song về lâu dài, họ mong muốn cần phải làm rõ ràng hơn.

+ Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ