(Tổ Quốc) - Nguồn lực di sản văn hóa các dân tộc có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh du lịch của địa phương, đồng thời cũng là một một yếu tố quan trọng của quy hoạch phát triển du lịch.
Di sản văn hóa các dân tộc là nguồn lực quan trọng để phát triển các mô hình du lịch văn hóa ở nước ta. Tại nhiều địa phương trong cả nước nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống đã phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa các dân tộc. Việc kết hợp này vừa giúp tạo nguồn lực phát triển kinh tế cho địa phương vừa đảm bảo các di sản văn hóa các dân tộc không bị mai một.
Việt Nam có 54 dân tộc đã trở thành nguồn lực phong phú với những giá trị văn hóa đặc trưng, đa dạng và là điểm đến du lịch hấp dẫn của khách du lịch từ khắp các nước trên thế giới. Nguồn lực di sản văn hóa các dân tộc có vai trò quan trọng trong việc nâng cao hình ảnh du lịch của địa phương về ý nghĩa và đặc điểm văn hóa của địa phương đó, đồng thời cũng là một một yếu tố quan trọng của quy hoạch phát triển du lịch.
Di sản văn hóa các dân tộc được duy trì và bảo vệ trong một khu vực nhất định sẽ trở thành yếu tố quan trọng và hỗ trợ hình ảnh du lịch văn hóa của địa phương. Ngược lại, địa phương sẽ trở thành điểm đến du lịch nếu biết xây dựng và định hình hình ảnh du lịch của chính địa phương mình, khi địa phương có nguồn lực di sản văn hóa độc đáo sẽ có thể trở thành điểm đến trong quy hoạch phát triển du lịch.
Hiện nay, ở mỗi địa phương thì việc sử dụng các bài hát và điệu múa dân tộc đầy màu sắc, phong tục tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc mình cùng với các hoạt động khác để thực hiện du lịch, thu hút khách du lịch đã trở thành phổ biến. Ví dụ như Tây Nguyên là một trong số nhiều khu vực ở nước ta đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Ngoài phong cảnh đẹp như hệ thống các sông (Đắk Bla, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai), hệ thống các hồ lớn (Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai)), các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh...), các thác nước (Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh) thì nơi đây còn là nơi cư trú của 47 dân tộc nên rất đa dạng về bản sắc văn hóa tộc người. Du lịch Tây Nguyên cũng khai thác các nguồn lực đặc trưng di sản văn hóa dân tộc như: không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo (Nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ), các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới...), các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo trong phát triển du lịch tại địa phương mình.
Hay như tỉnh Quảng Ninh là một địa phương có nhiều đồng bào dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có một bản sắc riêng, tạo cho địa phương sự phong phú, đa dạng về văn hóa. Các di sản văn hóa của Quảng Ninh trải dài từ Đông Triều đến Móng Cái cho đến các đảo xa đất liền như Cô Tô, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng... Những hình thái diễn xướng như hát giao duyên của ngư dân trên Vịnh Hạ Long, hát soóng cọ của người Sán Chỉ, hát soọng cô của người Sán Dìu, lễ cấp sắc của người Dao, những tác phẩm văn học truyền miệng và còn rất nhiều những sắc thái văn hóa đa dạng khác còn tiềm ẩn chưa được khai thác đã tạo nên một nền văn hóa đa sắc tộc cho Quảng Ninh. Đây chính là điều kiện thuận lợi để địa phương xây dựng loại hình du lịch gắn với các hình thái văn hóa của đồng bào dân tộc ở địa phương. Từ đó, tạo sự thích thú cho khách du lịch vì được trải nghiệm các di sản văn hóa cùng đồng bào dân tộc tại địa phương.
Nhìn nhận về vấn đề này, Ths. Hoàng Thị Thu Hằng (Viện nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, việc phát huy, sử dụng di sản văn hóa các dân tộc cũng là một cách hiệu quả để hình thành một thương hiệu du lịch của mỗi địa phương.
Theo Ths. Hoàng Thị Thu Hằng, làm thế nào để phong phú thêm nội hàm của các sản phẩm du lịch, nâng cao sức hấp dẫn các loại hình du lịch văn hóa là bài toán đã và đang được đặt ra. Từ quan điểm của nhà quản lý nếu việc phát triển tài nguyên du lịch và việc định hình thương hiệu du lịch nếu chỉ giới hạn ở mức độ vật chất hóa thì không thể tạo thành hiệu ứng cho xây dựng thương hiệu du lịch. Chính vì vậy, việc phát huy, việc sử dụng nguồn lực di sản văn hóa các dân tộc là một cách hiệu quả để hình thành một thương hiệu du lịch.
Sản phẩm du lịch như một sản phẩm văn hóa, nếu được khai thác đầy đủ các giá trị lịch sử và văn hóa địa phương, văn hóa các dân tộc nếu được kết hợp với bối cảnh của địa phương sẽ hình thành năng lực cạnh tranh cốt lõi cho các sản phẩm du lịch. Các hoạt động trải nghiệm du lịch đối với khách du lịch như đặc trưng các loại hình nghệ thuật của di sản văn hóa, đặc trưng vùng miền, dân tộc là các yếu tố phù hợp để khai thác các sản phẩm nghỉ dưỡng, giải trí phục vụ phát triển du lịch.
Theo Ths. Hoàng Thị Thu Hằng, các địa phương cần chú trọng đầu tư phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch của riêng mình dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị văn hóa đa dạng và phong phú của các dân tộc. Đồng thời việc phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc giúp nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu di tích đúng quy cách sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển du lịch có chiều sâu và bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.