(Toquoc)-Biết bao biến động thời cuộc đã có lúc đưa ca trù ẩn vào dĩ vãng
(Toquoc)-Biết bao biến động thời cuộc đã có lúc đưa ca trù ẩn vào dĩ vãng, song chỉ vài năm trở lại đây bộ môn nghệ thuật này bỗng hồi sinh, thu hút không những lớp trung niên đã từng biết thú quan viên sành sỏi xưa, mà còn khiến lớp trẻ tưởng như chỉ ham MTV và Game oline say sưa nhịp tay theo tiếng phách.
Ngay khi tiếng phách giòn vang trong không gian thâm nghiêm của căn nhà phố cổ 87 Mã Mây khởi đầu cho đêm ca trù của Liên hoan Du lịch Hà Nội, Một chàng trai trẻ đã rút điện thoại di động gọi về cho bạn để cùng nghe, và điệu Tỳ bà hành réo rắt không những lan toả, rung động thinh không mà còn vọng vào tâm hồn cô gái trẻ đang ở đâu đó bên ngoài khu phố cổ.
Xúm xít trên căn gác gỗ của ngôi nhà 2 tầng đã được trùng tu để giới cho du khách về kiến trúc Hà Nội xưa đêm đó là gần 100 thính giả, họ nín thở với từng nhịp phách, điệu đàn để thả hồn theo giọng ca dù còn non tuổi, nhưng đã rất trường hơi của cô đào tý hon thuộc Câu lạc bộ ca trù Thái Hà. Sự hồi sinh của Ca trù đang trở thành hiện tượng lôi cuốn những tâm hồn của lớp người Hà Nội lớn lên sau năm 1954. Biết bao biến động thời cuộc đã có lúc đưa Ca trù ẩn vào dĩ vãng, song chỉ một vài năm trở lại đây bỗng hồi sinh, thu hút không những lớp trung niên đã từng biết thú quan viên (người cầm chầu) sành sỏi xưa, mà còn khiến lớp trẻ tưởng như chỉ ham MTV và Game oline say sưa nhịp tay theo tiếng phách.
(Ảnh: Duy Bùi)
Hồng hồng tuyết tuyết
Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi…
Rất dễ bắt gặp một anh chàng nào đó đang tỏ ra sành điệu, vừa ngồi lặng lẽ trong tiệm cà phê sang trọng, vừa khẽ nhịp tay và ngân khe khẽ một khúc Ca trù, đưa bản thể thế kỷ 21 trở về thú thưởng thức của những lớp người đã từng sống ở thời xa xưa. Thật khó giải thích, song điều đó là sự thật hiển nhiên. Người ta nhận ra những khuôn mặt ngày càng trẻ, ngày càng hiện đại xuất hiện trong các nhóm ca trù đang nỗ lực với hồn xưa trở lại. Không cần tới Liên hoan Ca trù toàn quốc đã được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào đầu năm 2005, cũng không hẳn do tác động của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trình hồ sơ lên UNESCO xin công nhận Ca trù thành Kiệt tác Di sản Văn hoá truyền miệng và phi vật thể, Ca trù cũng đã lặng lẽ trở lại, lặng lẽ lên ngôi như một báu vật từng ẩn dưới lớp bụi dĩ vãng, bỗng một ngày huy hoàng toả sáng, che mờ các giá trị văn hoá lai tạp đã từng có lúc tràn ngập trong đời sống tinh thần của giới trẻ Việt Nam. Gần đây nhất, buổi thuyết trình về Ca trù tại Bảo tàng Dân tộc học của thạc sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện càng khiến giới yêu nhạc ngỡ ngàng trước bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá ẩn chứa trong những điệu ca cổ, và xã hội nhận ra giá trị của ca trù - một loại hình âm nhạc dân gian có đẳng cấp vào bậc nhất trong kho tàng văn hoá Việt Nam.
NS Nhân dân Quách Thị Hồ (Ảnh Vnn)
Đã có lúc những nhà quản lý văn hoá cố công tuyên truyền cho sự chấn hưng văn hoá dân tộc. Cũng đã có lúc người yêu âm nhạc cổ truyền tiếc nuối cho sự ra đi của các nghệ nhân Ca trù lừng lẫy như bà Quách Thị Hồ, bà Phán Chí…Theo cách nhìn nhận của UNESCO, đó là những “báu vật nhân gian” mà khi họ trở về cõi vô cùng, thế gian lại lặng lẽ mất đi một lớp vàng son tinh thần vô giá. Không lâu gì, chỉ cách đây khoảng 5 năm, lớp trẻ Việt Nam hầu như chẳng hiểu nổi một câu thơ, câu hát nói của Ca trù, nói gì tới thưởng thức hay thậm chí học điệu Thét nhạc, Hát truyện… vốn được coi là rất khó của nghệ thuật Ca trù. Mọi câu chuyện đều có căn nguyên, Ca trù cũng vậy, ra đời vào thế kỷ 15, đạt tới đỉnh cao nghệ thuật huy hoàng vào thế kỷ 19, và tới cuối thế kỷ 19 bỗng bị miệng tiếng của xã hội, Ca trù đã từ thành thị lui về ẩn trong sâu thẳm tâm hồn những gia đình, dòng họ và mất dần vị trí trong đời sống xã hội Việt Nam gần trọn thế kỷ 20. Tiếng đàn đáy, tiếng phách dường như vắng lặng trên bầu trời đất Việt, chỉ còn đâu đó một vài làn điệu lẻ loi phát trên radio theo lịch định kỳ, một vài điệu hát nấp kín sau cánh cửa của các gia đình đã từng có cụ tổ, ông tổ xưa dành trọn đời cho nghiệp cầm ca.
Song phải chăng cũng như huyền thoại về “Phượng hoàng hồi sinh từ ngọn lửa”, Ca trù đã được lập hồ sơ để đệ trình lên UNESCO công nhận danh hiệu sau sự thành công của Nhã nhạc cung đình Huế. Những nghệ nhân đã từng trọn đời sống với điệu hát vàng son, nay đang gắng sức truyền lại kỹ thuật cho lớp học trò trẻ tuổi. Những giáo phường xưa nay không còn nữa, thay vào đó là các nhóm Ca trù gia đình. Ca trù hiện hữu trên khắp các tỉnh thành miền Bắc, miến Trung, từ Hà Tĩnh, Thanh Hoá ra tới Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tây… Lừng lẫy đất Hà Nội là nhóm Ca trù Thái Hà có truyền thống cầm phách lâu đời, xưa kia vang danh với tên tuổi bà Phán Chí đã từng hát cho vua Khải Định ngự thính, còn ngày nay nổi danh với các danh ca, danh cầm đàn ngọt hát hay, đặc biệt với cặp đào nương 12 tuổi Kiều Oanh và Thu Thảo và giọng hát lay động hồn người. Cũng nổi danh không kém là nhóm Ca trù của bà Phó Thị Kim Đức. Nhờ sự rèn luyện khắt khe, giờ đây cô đào Bạch Dương cũng trở thành giọng ca nắm vững mọi luyến láy của ca trù. Thậm chí, cô bé 7 tuổi trong gia đình cũng đã có tiếng phách vững chẳng kém các bậc sinh thành, tuy chưa thể có tiếng phách trạng nguyên như bà Kim Đức, song cũng bỏ xa không ít kẻ mới tập tọng học lối chơi sang, nhưng kén người là thú quan viên.
Nhóm ca trù Thái Hà (Ảnh: Nhân dân)
Rồi còn nhiều nữa những tên tuổi, những khuôn mặt trẻ đang tụ hội quanh cuộc chơi đầy khe khắt những cũng rất tao nhã này. Là một loại hình âm nhạc cổ truyền thính phòng đã đạt tới đỉnh cao trong nền tảng âm nhạc dân tộc, Ca trù rất kén người chơi, và để tham gia vào cuộc, đòi hỏi những người vừa am hiểu, vừa say mê, vừa kiên nhẫn và tất nhiên cũng phải có năng lực tài chính. Chẳng mấy hy vọng học được thành một tay gõ phách thần sầu chỉ qua vài lần đi ngồi chầu, bởi đã gắn với Ca trù đòi hỏi các đào nương phải học từ tấm bé, song lớp trẻ ngày nay vẫn chứa chan tình yêu với cây đàn đáy, trống chầu và bộ phách tre. Còn nếu không có điều kiện thì có thể kéo nhau đi nghe bất kể ở đâu.
Thật lạ lùng với hình ảnh những chàng trai trẻ măng điểm trống, những cô gái gõ phách trên chiếu Ca trù mà trước đó còn say mê lướt web và dạo phố. Có vẻ như hồn cũ của “Tả vọng đài xưa hồ liễu rủ”* đang trở lại, soi bóng vào mặt nước ngàn năm lung linh của Hồ Gươm chốn kinh thành. Ca trù đã quyến rũ thế hệ trẻ trên khắp chốn của đất nước như vậy đấy.
(*) bài hát nói Dấu đẹp Hồ Gươm.