(Tổ Quốc) -Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đang cai nghiện tuy đã đạt những kết quả nhất định nhưng số người nghiện ma túy tại các địa phương có chiều hướng gia tăng khiến cho công tác này trở nên khó khăn.
Số người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng, số người tái nghiện cao
Bộ Công an đang lấy ý kiến cho dự thảo Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2017 – 2021.
Theo đó, thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại viên ở các cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh ở các trường giáo dưỡng hiện nay vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc như đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục, quản giáo còn thiếu về số lượng, một bộ phận…
Các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành nội quy của cơ sở được thực hiện hàng tuần. Ảnh minh họa: Báo Dân trí |
Đối với nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội, Bộ LĐTBXH với vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục nhóm đối tượng trên đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương ban hành nhiều văn bản để thống nhất thực hiện, đồng thời, hướng dẫn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Về nội dung, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội tập trung vào những quy định của pháp luật, chính sách trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, nếp sống văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, nâng cao nhận thức về tác hại và hậu quả của việc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với người chưa thành niên…
Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến các nội dung của pháp luật như Luật Phòng, chống ma tuý, Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các quy định liên quan đến những chế tài đối với người vi phạm và chính sách của Nhà nước giúp người nhiễm HIV, người sau cai nghiện, người bán dâm tạo dựng lại cuộc sống; công tác tuyên truyền còn nhấn mạnh những nội dung tác hại của dịch HIV/AIDS, tệ nạn ma tuý, mại dâm; các giải pháp phòng ngừa; những tấm gương vượt khó, cai nghiện thành công, tự tạo việc làm ổn định cuộc sống, những tấm gương của cá nhân, tập thể tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội để động viên, khuyến khích và nhân rộng.
Về hình thức, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thông qua các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ tại các cơ sở; tập huấn cho cán bộ cơ sở vận hành mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho các tỉnh, thành phố; tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu.
Các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đưa nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành nội quy của cơ sở được thực hiện hàng tuần. Việc phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các địa phương thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tư vấn, tham vấn, trị liệu rối nhiễu tâm trí, khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất cho đối tượng; tư vấn giúp đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội cũng mang lại hiệu quả thiết thực.
Các hoạt động tuyên truyền được triển khai đến các quận, huyện, thị xã, TP, xã, phường, thị trấn, thôn bản, khu phố…
Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng là người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ đã được đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội vẫn còn những hạn chế nhất định.
Nguyên nhân là do số người nghiện ma túy tại các địa phương có chiều hướng gia tăng, số người tái nghiện cao, việc quản lý, xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện, đưa người nghiện có nơi cư trú không ổn định vào Cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện tự nguyện có nhiều khó khăn.
Trong khi đó, sự kỳ thị của xã hội đối với người nghiện ma túy còn cao, nên công tác tuyên truyền, hỗ trợ đối với những đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn.
Ngân sách thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do địa phương bố trí, có địa phương dành một phần nhỏ ngân sách để thực hiện công tác này nên việc tuyên truyền còn chưa mang lại hiệu quả cao. Kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm chưa được bố trí riêng mà còn lồng ghép trong các chương trình, dự án và các hoạt động khác, việc phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch tuy có sự quan tâm, nhưng từng lúc từng nơi các cơ quan liên ngành vẫn còn lúng túng, chưa linh động…
Khuyến khích dạy nghề, giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng
Theo dự thảo đề án mà Bộ Công an đưa ra, đề án sẽ được triển khai thực hiện tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở trợ giúp xã hội, các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước từ năm 2017 đến năm 2021.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu đảm bảo 100% trại giam, trại tạm giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở cai nghiện, cơ sở trợ giúp xã hội lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình học pháp luật, giáo dục công dân, chương trình học văn hóa, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho các đối tượng của Đề án.
100% cơ quan, tổ chức, đoàn thể, địa phương, cộng đồng dân cư được giao quản lý, giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm cả người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng thường xuyên, tích cực, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này, giúp các đối tượng tự tin, thuận lợi trong hòa nhập cộng đồng, tránh tái phạm và vi phạm pháp luật.
Đáng lưu ý, đề án cũng khuyến khích các tổ chức tư vấn pháp luật, cơ sở trợ giúp xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý, các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên ngành luật thực hiện tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật miễn phí cho các đối tượng của Đề án theo quy định của pháp luật.
Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề, tuyển dụng lao động đối với các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án, góp phần hạn chế tình trạng tái phạm tội và vi phạm pháp luật khác…
Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc phạm vi của Đề án (bổ sung quy định về đối tượng đặc thù của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; quy định về tái hòa nhập cộng đồng; quy định về chế độ, chính sách, tiêu chí bổ nhiệm các chức danh cho cán bộ công tác tại trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; quy định khung pháp lý về việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc,…).
Bộ Công an cũng là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2017 - 2021./.
Thái Linh