(Tổ Quốc) - Để đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đang nỗ lực triển khai chiến lược vaccine với nhiều "mũi nhọn": Thúc đẩy ngoại giao vaccine để tiếp cận các nguồn vaccine COVID-19 trên thế giới; đẩy mạnh sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước; tích cực triển khai tiêm chủng. Tất cả nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tháng 4/2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng.
Sản xuất vaccine nhanh nhất, sớm nhất có thể
Hiện nay, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, khiến vaccine phòng bệnh này trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Vaccine phòng COVID-19 chính là giải pháp căn cơ, lâu dài giúp con người thoát khỏi đại dịch.
Để chiến thắng đại dịch, Chính phủ Việt Nam xác định việc tiếp cận và tiêm chủng vaccine là giải pháp rất quan trọng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ đã sớm dự báo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch, trong đó có triển khai chiến lược vaccine, với 3 nội dung: Tiếp cận nguồn vaccine từ bên ngoài; Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine; Sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm triển khai tiêm chủng an toàn và hiệu quả cho người dân.
Dù "ngoại giao vaccine" đã mang lại những kết quả tích cực, nhưng số lượng chưa đủ để Việt Nam thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Theo tính toán của Bộ Y tế, nước ta cần tới 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số. Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, nguồn cung vaccine đang thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, khiến việc tiếp cận các nguồn vaccine từ bên ngoài trở nên khó khăn hơn. Do đó, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước là giải pháp mang tính căn cơ lâu dài.
Quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng, Chính phủ là quyết tâm sản xuất bằng được vaccine, thuốc điều trị trong nước để chủ động phòng chống dịch hiệu quả, tiết kiệm ngân sách và chứng minh được trí tuệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam. Dựa trên kết quả nghiên cứu, sản xuất các loại thuốc và vaccine trong nhiều năm qua, Chính phủ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực, phát huy năng lực sáng tạo, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân, của ngành y tế, sự nỗ lực của các nhà khoa học, chuyên gia để sản xuất vaccine phòng COVID-19 với phương châm làm bài bản, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung trên cơ sở khoa học và thực tiễn chống dịch.
Triển khai "chiến lược vaccine", ngay từ đầu năm 2021, Thường trực Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vaccine phòng dịch COVID-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vaccine của Việt Nam để phòng, chống dịch COVID-19.
Trên tinh thần khuyến khích các đơn vị trong nước nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Cùng với tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm có được nguồn vaccine sản xuất trong nước, Chính phủ yêu cầu cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính đang cản trở chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để có được sản phẩm trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các nhà khoa học, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển vaccine "made in Vietnam" nỗ lực không kể ngày đêm. Công nghiệp sản xuất vaccine của Việt Nam đang trải qua những tháng ngày lịch sử khi quy trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine được rút ngắn.
Theo các chuyên gia, việc Việt Nam nghiên cứu được ngay các sản phẩm vaccine phòng dịch COVID-19 trong thời gian ngắn không có gì bất ngờ, bởi Việt Nam đã có rất nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và sản xuất vaccine. Việt Nam đã tự sản xuất được rất nhiều vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, như: Sởi, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan, H5N1... Đây chính là nền tảng để Việt Nam sản xuất vaccine phòng đại dịch COVID-19 một cách nhanh chóng, hiệu quả. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 9 loại vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng; đồng thời nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng và phát triển một số vaccine trong nước như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V. Bên cạnh đó, một số loại thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu… đang được một số đơn vị trong nước nghiên cứu. Bộ Y tế hướng dẫn các đơn vị trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 từ các quốc gia khác như Cuba, Ấn Độ… và có thư gửi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giới thiệu các đơn vị của Việt Nam tham gia chương trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ mRNA.
Đẩy nhanh "phủ sóng" tiêm chủng
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ để ứng phó với không chỉ biến thể Delta, mà cả những biến thể mới như Omicron. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang vừa đẩy mạnh tiêm mũi vaccine cơ bản cho các nhóm tuổi nhỏ, vừa tiêm mũi tăng cường cho người trưởng thành nhằm củng cố "lá chắn" bảo vệ.
Nhìn lại quãng thời gian triển khai đợt cao điểm tiêm vaccine COVID-19 trên toàn quốc, có thể khẳng định, chương trình tiêm chủng của Việt Nam đã thực sự hiệu quả, tạo một hàng rào bảo vệ ngăn chặn làn sóng ca bệnh dồn dập gây áp lực quá tải lên hệ thống y tế ở nhiều địa phương, cũng như giảm mạnh số ca tử vong vì đại dịch.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3355/QĐ-BYT về Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 với mục tiêu đến tháng 4/2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vaccine.
Tính đến ngày 12/12, thống kê của Bộ Y tế cho biết, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 132.266.442 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 74.832.161 liều, tiêm mũi 2 là 57.434.281 liều. Ở nhóm 12-17 tuổi, hiện đã tiêm được mũi 1 cho 5 triệu cháu, hơn 10% đã tiêm đủ 2 mũi.
Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, việc tiêm phủ vaccine rộng rãi đã làm giảm mạnh số ca chuyển nặng, nhưng tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại, nâng tổng số mắc mới hằng ngày gần bằng giai đoạn cao điểm dịch, kéo số ca tử vong tăng theo. Chính vì vậy kế hoạch tiêm mũi tăng cường cần phải được tiến hành nhanh hơn. Ngày 10/12, TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước bắt đầu triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3 nhằm tăng cường miễn dịch phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, để thực hiện chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả, chúng ta phải tổ chức việc điều phối tiêm thật tốt. Trong đó, Bộ Y tế là nòng cốt phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương có liên quan đặc biệt là lực lượng công an, quân đội, chính quyền địa phương để tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình. Đặc biệt. chúng ta cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển, phân phối, triển khai tiêm chủng đảm bảo nhanh, kịp thời, an toàn và hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã ghi tên vào bản đồ thế giới trong phòng chống dịch COVID-19. Việc phòng chống dịch và tìm kiếm các phương án phòng chống dịch, trong đó có tiêm chủng đã trở thành mục tiêu của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Bên cạnh những thành công trong kiểm soát dịch xâm nhập và lây lan, Việt Nam tự hào là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đạt tiến độ rất nhanh về phủ sóng tiêm vaccine phòng COVID-19. Với sự nỗ lực của ngành y tế và sự nỗ lực vào cuộc tích cực của các địa phương, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào kế hoạch tiêm vaccine phòng dịch COVID -19 và miễn dịch cộng đồng của Việt Nam.
Dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bởi vậy chúng ta không được phép chủ quan sau tiêm, mà vẫn cần thực hiện nghiêm túc các chỉ dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Mỗi cá nhân hãy thực hiện tốt thông điệp "mình vì mọi người và mọi người vì mình", tiếp tục thắp sáng và lan tỏa truyền thống "thương người như thể thương thân" để chiến dịch tiêm chủng vaccine và chiến thắng dịch bệnh sớm đi tới đích.
Trước diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thúc đẩy, tháo gỡ mọi vướng mắc để sản xuất bằng được vaccine phòng COVID-19 trong nước đáp ứng các yêu cầu về khoa học, an toàn và hiệu quả. Hơn bao giờ hết, cần phải phát huy trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam trong nghiên cứu, sản xuất, chủ động nguồn vaccine, nhất là khi virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục biến chủng, nhiều loại dịch bệnh khác có thể xuất hiện trong tương lai. Cùng với đó, phải thần tốc hơn nữa trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chậm nhất là cuối tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời đẩy mạnh việc tiêm mũi 3.