(Cinet)- Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc lần thứ 5 (2003-2013) là triển lãm định kỳ, đây là dịp để những nghệ sỹ sáng tác, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cùng nhìn lại một chặng đường 10 năm của điêu khắc Việt Nam.
(Cinet)- Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc lần thứ 5 (2003-2013) là triển lãm định kỳ, đây là dịp để những nghệ sỹ sáng tác, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cùng nhìn lại một chặng đường 10 năm của điêu khắc Việt Nam.
Triển lãm Điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm một lần là một sân chơi có quy mô lớn của ngành Điêu khắc, là dịp cho đội ngũ các nhà điêu khắc giới thiệu những sáng tác mới và tốt nhất của mình đến công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Đồng thời, qua đó đánh giá được hoạt động sáng tạo của điêu khắc trong mỗi giai đoạn lịch sử của đất nước; thúc đẩy nghệ thuật điêu khắc Việt Nam phát triển trong lòng dân tộc và hòa nhập với nền nghệ thuật hiện đại của khu vực và thế giới.
Triển lãm Điêu khắc toàn quốc lần thứ V, Ban tổ chức đã nhận được 675 tác phẩm của 325 tác giả trong cả nước gửi tới tham dự. Hội đồng nghệ thuật đã tuyển chọn được 286 tác phẩm của 230 tác giả vào trưng bày trong triển lãm, 21 tác phẩm được trao giải thưởng của tác giả thuộc 10 tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Ninh Bình, Gia Lai và Lâm Đồng cho thấy các tác giả điêu khắc đã vươn lên mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật điêu khắc.
Những tiến bộ vượt bậc
Theo đánh giá của ban tổ chức, các tác phẩm điêu khắc trong triển lãm lần này đánh dấu sự chuyển biến sâu sắc về quan niệm nghệ thuật, ngôn ngữ điêu khắc, hình thức biểu đạt và kỹ thuật thể hiện tác phẩm. Sự phong phú về tư duy sáng tác, ngôn ngữ tạo hình với nhiều phong cách như hiện thực, trừu tượng, biểu hiện… Sự đa dạng về chất liệu với nhiều tìm tòi thể nghiệm, kết hợp giữa điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt. Mặt bằng chung của nghệ thuật điêu khắc đã được nâng lên cao về mọi phương diện, đánh dấu sự phát triển cả về nghệ thuật và lực lượng sáng tác.
Tác phẩm Lớp vỏ (tác giả Trần Văn An) - giải Nhì. |
Tại triển lãm lần này cho thấy thế hệ nghệ sĩ trẻ trưởng thành đầu thế kỷ XXI, không những chiếm lĩnh không gian của triển lãm mà còn chiếm nhiều giải thưởng của triển lãm. Nổi bật là hai tác giả Trần Văn An (Nam Định) với tác phẩm sắt hàn “Lớp vỏ” và tác giả Kù Kao Khải (Ninh Bình) với tác phẩm gỗ “Chuyện quê”. Đây cũng là 2 tác phẩm đạt giải thưởng cao nhất (giải nhì, không có giải nhất) tại triển lãm lần này. Bên cạnh đó, nhiều tác giả được tặng giải thưởng mà tên tuổi lần đầu được biết tới như: Hà Mạnh Chiến, Huỳnh Thanh Phú, Phạm Thái Bình, Nguyễn Văn Chước, Trần Phạm Anh Dũng, Trần Việt Hà, Lương Đức Hùng, Trần Việt Hùng, Thái Nhật Minh, Hoàng Mai Thiệp, Đỗ Thế Thịnh, Trần Văn Thức, Nguyễn Vinh…
Đặc biệt, thế hệ các nhà điêu khắc trẻ đã gây bất ngờ cho người xem bởi những tác phẩm đầy sáng tạo nhưng vẫn kết hợp được tính truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc dân tộc và toàn cầu hóa. Nhiều tác phẩm đã phản ánh hơi thở thăng trầm của đời sống xã hội hiện đại, những ước nguyện trong tương lai và những khía cạnh, góc khuất của con người.
Nói về hai tác phẩm đạt giải nhì, nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo nhận xét, điều thú vị dễ thấy nhất là cả hai tác giả đều sống và lao động nghệ thuật xa các trung tâm nghệ thuật lớn. Mỗi người đều có cách tiếp cận hiện thực và cách xử lý nghệ thuật riêng. Cả hai đều đề cập chúng và giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay. “Chuyện quê” của Kù Kao Khải kể chuyện bắt cua thường tình ở nông thôn đã đi vào nghệ thuật khá có duyên, chất liệu gỗ bôi màu, xử lý khối đa chiều thô ráp mộc mạc đúng với con người chân quê, thấy được hơi hướng của nghệ thuật tượng chùa và nghệ thuật chạm khắc đình làng. Còn “Lớp vỏ” của Trần Văn An, một triết lý nhân sinh về đời sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một khối sắt vuông thành sắc cạnh, biết khai thác các mô típ trang trí làm phong phú khối, một hình thức tạo hình theo kiểu thức “khối hình học”.
Tác phẩm Chuyện quê (tác giả Kù Kao Khải) - giải Nhì. |
Bên cạnh đó, qua 10 năm phát triển, nghệ thuật điêu khắc Việt Nam cũng đánh đấu sự xuất hiện của nghệ thuật điêu khắc màu. Với sự xuất hiện nhiều tác phẩm điêu khắc sử dụng màu sắc mạnh (xanh, đen, đỏ), kết hợp nững hình khối kỷ hà chắt lọc tạo nên những cảm xúc mới lạ cho người xem.
“Phần lớn tác phẩm tại triển lãm có ngôn ngữ nghệ thuật đã vượt qua giới hạn hiện thực để tiến tới ngôn ngữ hiện đại: Tính biểu cảm, trừu tượng. Đây là sự tiến bộ của lối tư duy trong 10 năm gần đây… - Nhà điêu khắc Phan Gia Hương nhận xét - Điêu khắc Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, nhiều tác phẩm đã mạng đậm hơi thở của thời đại và điêu khắc đã khẳng định tính độc lập của mình nhiều hơn”.
So với triển lãm điêu khắc cách đây 10 năm, mặt bằng chung của nghệ thuật điêu khắc đã được nâng cao lên về mọi phương diện. Ngôn ngữ điêu khắc cập nhật đời sống xã hội đương đại, đa dạng và giàu tính nhân văn. Có thể nhận thấy tổng quan trong triển lãm lần này, số lượng các tác phẩm có ngôn ngữ hiện đại chiếm ưu thế hơn tác phẩm có ngôn ngữ hiện thực. Bên cạnh các tác phẩm điêu khắc với yếu tố sắp đặt, một số tác phẩm vượt qua giới hạn hiện thực tiến đến cực thực, đây là điểm khác biệt so với các triển lãm điêu khắc toàn quốc trước đây.
Triển lãm đã khẳng định một thế hệ nhà điêu khắc trẻ Việt Nam đang trưởng thành và đầy hứa hẹn với những tư duy sáng tạo mới, năng động, say nghề, tự tin, tự tìm mình, tự vượt chính mình đã thực sự góp phần tạo nên một triển lãm điêu khắc toàn quốc nghiêm túc, chững chạc, hoành tráng, hấp dẫn và thanh xuân.
Nhiều tác phẩm tại Triển lãm khẳng định sự trưởng thành của một thế hệ các nhà điêu khắc trẻ. |
Sự tương tác giữa tác phẩm và công chúng còn hạn chế
Mặc dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ V thực sự vẫn chưa thu hút được sự quan tâm đúng mực của công chúng. Có lẽ đó là lí do Việt Nam hiện vẫn chưa có được một thị trường nội địa đúng nghĩa dành cho điêu khắc.
Như chúng ta đã biết, từ lâu, trên thế giới, nghệ thuật điêu khắc luôn đi liền với không gian sống, không gian đô thị, có sự gắn kết giữa chính trị - kinh tế - văn hóa- nghệ thuật, trở thành chuẩn mực để đánh giá đô thị văn minh hiện đại. Xét như vậy, ở nước ta hiện nay, trong xu thế hội nhập, đô thị hóa nông thôn hết sức nhanh chóng, nhưng sự hưởng thụ nghệ thuật, đặc biệt là hưởng thụ các tác phẩm điêu khắc của công chúng lại rất thiếu hụt. Nhu cầu hưởng thụ thẩm mỹ trong không gian đô thị văn minh hiện đại vẫn còn là xa lạ với người dân. Không gian sống, không gian cho các tác phẩm điêu khắc dường như còn quá xa lạ với công chúng. Nhiều công trình tượng đài, vườn tượng từ các trại điêu khắc, tác phẩm điêu khắc từ các cuộc triển lãm dường như bị lãng quên, chưa phát huy được hết vai trò giáo dục cảm thụ thẩm mỹ cho công chúng.
Mặc dù khá gần gũi với đời sống, nhưng điêu khắc Việt Nam vẫn thiếu tương tác với công chúng. |
Điêu khắc của chúng ta không có thị trường vì nhu cầu thưởng thức mỹ thuật của dân ta còn thấp. Nguyên nhân là do đời sống kinh tế thấp thì đúng với người dân nghèo. Nhưng còn tầng lớp trung lưu, trí thức và những người giàu thì sao? Họ có thể bỏ tiền ra để mua vé xem phim, xem một chương trình ca nhạc nhưng thưởng thức nghệ thuật điêu khắc thì không, sở hữu tác phẩm điêu khắc là điều gì đó xa lạ. Thú vui của người Việt trong việc hưởng thụ không gian sống còn đơn điệu. Với vấn đề mỹ thuật cho không gian sống riêng, đây là quyền tự do của mỗi người.
Đa số người dân thờ ơ với nghệ thuật, do nghệ thuật chưa được xếp vào hàng những nhu cầu của cuộc sống. Thực tế, không phải không có một số ít ỏi những người có nhu cầu mua tác phẩm điêu khắc. Tuy xuất phát điểm của ý định mua này cũng chưa phải là từ nhu cầu thưởng thức, có thể chỉ là xem có cái gì “hay hay mà rẻ” thì mua, hoặc “xem có gì bày được ở phòng khách được” thì mua, thậm chí có tiền thì mua tượng bày chơi nhưng loại vật liệu phải hợp với mệnh của chủ nhà thì mới mua. Sự thưởng thức nghệ thuật chưa phải là nhu cầu chính.
Khoảng cách giữa công chúng số đông và mỹ thuật nói chung, điêu khắc nói riêng là còn rất lớn và để có thể dần thu hẹp khoảng cách đó, nếu chỉ riêng có nỗ lực của cá nhân nghệ sĩ thì chắc chắn sẽ không bao giờ thành. Nhưng trước tiên, những ứng xử với điêu khắc dành cho đại công chúng cần phải được điều chỉnh đúng hướng. Điều đó chắc chắn sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn trong cách thức công chúng nhìn nhận và ứng xử với nghệ thuật này.
Nguyên Hà