• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sự trở lại của phim teen hè 2008

06/06/2008 07:54

Sau một thời gian “né tránh”, các nhà làm phim Việt đang quay trở lại với mảng phim teen - hứa hẹn có một lượng khán giả trẻ cực lớn. Nhờ vậy, mà mùa hè 2008 này sẽ nhộn nhịp thể loại phim này, khởi đầu là những bộ phim truyền hình dài tập đang thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ.

Sau một thời gian “né tránh”, các nhà làm phim Việt đang quay trở lại với mảng phim teen - hứa hẹn có một lượng khán giả trẻ cực lớn. Nhờ vậy, mà mùa hè 2008 này sẽ nhộn nhịp thể loại phim này, khởi đầu là những bộ phim truyền hình dài tập đang thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ.

Các diễn viên trong phim Các diễn viên trong phim "Nữ sinh".

Sở dĩ dùng từ “né tránh” để chỉ chuyện các nhà làm phim ngại đầu tư làm phim teen, bởi so với các lọai phim khác thì làm phim cho tuổi teen là khó hơn cả, trong đó vấn đề kịch bản phim và diễn viên còn đau đầu hơn cả phim cho người lớn...

Thiếu kịch bản phim teen

Đã có những bộ phim được khán giả teen thực sự yêu thích như: Nước mắt học trò, Sơn thần thủy quái, 12 A & 4 H, Hoa cỏ may, Chiến dịch trái tim bên phải, Nhật ký Vàng Anh,Kính vạn hoa, Ngũ quái Sài Gòn, Gọi giấc mơ về... Nhưng cả chục năm, số phim này không thấm tháp so với nhu cầu xem phim của giới teen Việt. Trong khi hàng tháng trên truyền hình, hay rạp chiếu phim đều có một vài bộ phim thần tượng của Đài Loan và Hàn Quốc, hay phim về đề tài trường học của Mỹ... rất cuốn hút teen Việt.

Thời internet bùng nổ, trên nhiều diễn đàn bàn tán cực kỳ sôi nổi về phim teen ngọai, và những “cơn sốt” ăn theo từ thời trang, mốt đầu tóc, trang điểm... Nghĩ mà buồn cho phim teen Việt! Nguyên nhân khiến phim không hấp dẫn khán giả có nhiều, nhưng tập trung ở hai vấn đề cốt lõi là thiếu kịch bản phim hay, và thiếu diễn viên đóng phim teen đúng chất.

Theo dòng chảy chung của teen trên thế giới, những vấn đề mà teen Việt quan tâm hiện nay có thể kể như: mối quan hệ trong gia đình giữa cha mẹ- con cái, chuyện học hành, mối quan hệ bạn bè, tình yêu, giới tính... Song hầu hết phim teen thời gian qua đều mắc phải nhược điểm: thiếu hơi thở và sức sống của teen.

Thiếu kịch bản hay là do người viết kịch bản có khoảng cách tuổi tác quá xa, không thấu hiểu suy nghĩ, tâm lý... và thường áp đặt những gì của tuổi thơ mình vào cho teen. Bởi mỗi thời có sự khác nhau, chẳng hạn 6X, 7X có sự khác biệt lớn về gu thẩm mỹ và phong cách với 8X, 9X. Giới trẻ 8X từ 1984 đến nay rất năng động, sáng tạo, cởi mở và hướng ngoại.

Trên các diễn đàn mạng, blog... teen thoải mái bộc lộ những suy nghĩ, những gì diễn ra trong đời sống hàng ngày của mình. Với các bộ phim teen, từ khi mới bấm máy đến ra mắt... được họ quan tâm, bình luận, khen chê rất sôi nổi, thẳng thắn. Đấy là thực tế cần thiết để người viết kịch bản tìm hiểu về teen muốn gì, nghĩ gì. Nhà sản xuất Lý Huỳnh kể rằng, thập niên 1990 ông đã làm phim Nước mắt học trò từ những gợi ý của teen ngày ấy. Và quả nhiên, Nước mắt học trò với Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh... ở tuổi 19-20 tham gia diễn xuất đã trở thành bô phim ăn khách.

Năm ngoái, bộ phim Nhật ký Vàng Anh, Gọi giấc mơ về phần nào chạm được đến những điều mà teen quan tâm như: tình yêu, giới tính, lựa chọn nghề nghiệp, mối quan hệ bạn bè, gia đình... nên có đông khán giả đón xem. Nói chung, dân teen thường thích những bộ phim dạng tình cảm, tâm lý, hoặc những bộ phim phiêu lưu, mạo hiểm mang tính khám phá... Bởi vậy, những bộ phim mang phong cách trẻ trung, tươi sáng được nhìn qua lăng kính của lớp trẻ, xoay quanh những xung đột nhẹ nhàng để giới trẻ tự nói về mình, về cá tính, sự sáng tạo và không lệ thuộc... mới đúng chất teen...

Gần đây, kịch bản dành cho phim teen được chăm chút hơn. Hãng phim TFS thì chọn cách chuyển thể kịch bản phim teen từ các tác phẩm được yêu thích của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... VFC thì mua format phim nước ngoài như Nhật ký Vàng Anh. Một số hãng phim khác như FPT tổ chức ê kíp viết kịch bản tuổi 8X của Nguyễn Hoàng Điệp cho phim Chít và Pi... Nhờ vậy, kịch bản phim cũng trở nên gần gũi, thiết thực với khán giả teen hơn... 

Nghịch lý của diễn viên teen

Chọn được một kịch bản phim teen ưng ý đã khó, bắt tay vào sản xuất thì công đoạn chọn diễn viên còn đau đầu hơn. Bởi lẽ, ở Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo diễn viên tuổi teen. Khi chuẩn bị làm phim Nhật ký Vàng Anh, VFC phải tổ chức nhiều đợt tuyển chọn và đào tạo diễn viên 8X và 9X cho phim. Phim Chít và Pi cũng rất khó khăn để lựa chọn diễn viên phù hợp với cá tính nhân vật.

Từ 800 em, đoàn làm phim Chít và Pi mới tuyển được 30 diễn viên. Cả VFC và FPT không dạy quá nhiều và khuôn sáo về cách diễn, cách xây dựng cảm xúc hay biểu lộ tính cách để giữ được sự tự nhiên của đúng lứa tuổi. Họ cũng chủ trương không can thiệp sâu, mà chỉ giúp các diễn viên bộc lộ năng khiếu về diễn xuất...

Sau hơn một năm gián đọan, trở lại làm Kính vạn hoa 3, nữ diễn viên chính Anh Đào vai Hạnh đã đi du học. Đạo diễn Phú Hải tổ chức một cuộc tuyển chọn gắt gao, đến cận ngày bấm máy mới chọn được Kim Anh (sinh viên ĐH Hồng Bàng) để thay vai cho Anh Đào.

Phim Nữ sinh cũng gian nan không kém mới “túm” được những gương mặt diễn viên mới như: Minh Hương, Ngọc Ánh, Thu Thảo... cho các nhân vật chính tên Xuyến, Thục, Cúc Hương... còn nguyên chất học trò từ dáng vóc, gương mặt và nụ cười... Trước đó, các phim 12A và 4 H, hay Hoa cỏ may, Chiến dịch trái tim bên phải... cũng chọn diễn viên theo cách tương tự. Có diễn viên sau khi tham gia một bộ phim teen sẽ đi tiếp để trở thành diễn viên chuyên nghiệp, song có người rẽ sang ngã khác và xem chuyện đóng phim là “kỷ niệm đẹp”.

Có một nghịch lý! Do phim teen sản xuất quá ít, nên không ít diễn viên tuổi teen bị “đo ni đóng giày” với những vai người lớn. Khi “bén duyên” điện ảnh, Minh Hằng mới 17-18 tuổi, nhưng bị “đóng khung” vào những vai già trước tuổi. Liều “xin” vai Phụng hậu đậu trong phim Gọi giấc mơ về, cô mới được trả về đúng lứa tuổi teen của mình.

Người mẫu "xì tin" Quỳnh Anh năm 17 tuổi được giao vai chính đầu tiên là Lan có số phận chịu nhiều khổ đau trong phim Sóng gió cuộc đời... Quỳnh Anh từng 2 lần để “vuột” cơ hội đóng phim teen là Gọi giấc mơ về, Kính vạn hoa 3... vì vướng phim khác. Bây giờ, Quỳnh Anh chỉ ao ước được tham gia một bộ phim teen nào đó, vì “không khó khăn để vào vai teen, mà dễ được khán giả chấp nhận”...

Tương tự, Tăng Thanh Hà sau các phim Dốc tình, Hương phù sa, Hàn Mạc Tử... cũng trở về với tuổi 18-20 trong phim Bỗng dưng muốn khóc... Có một điều không thể phủ nhận là thành công của phim Hoa cỏ may, Gọi giấc mơ về hay Nhật ký Vàng Anh... đã trở thành “bệ phóng” để các diễn viên từng tham gia trong phim trở nên nổi tiếng, đắt show đóng phim, làm MC... Các diễn viên trẻ đều thừa nhận “khán giả tuổi teen rất quan trọng”. Hiện nay có một số công ty như Việt Mode, Việt Cast, Lasta, LYNK... đã tính đến chuyện đào tạo diễn viên cung cấp cho phim teen.

Cảnh quay trong phim "Chít và Pi".

Nhộn nhịp phim teen hè 2008

Trước làn sóng phim thần tượng của Hàn, Đài Loan, Mỹ “tràn” vào và được khán giả trẻ yêu thích. Các nhà sản xuất đã nhận thấy nhu cầu xem phim teen là rất lớn. Từ những tháng cuối năm ngoái, có một loạt dự án làm phim truyện nhựa dành cho teen như Hồn ma, Miss Audition... nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy, vì những lý do khách quan khác nhau. Rất mừng là sau “hiện tượng” phim Gọi giấc mơ về, các nhà sản xuất phim truyền hình đã có đầu tư tích cực cho phim teen. Hè năm nay sẽ có một loạt phim teen “rủ” nhau lên sóng truyền hình.

Tháng 5 trên VTC1 là bộ phim 24 tập Chít và Pi được đầu tư khá kỹ. Chít và Pi kể về hai cô bé có nickname là Chít (Lê Bảo Hân) và Pi (Lê Bảo Trân) cùng học chung một lớp và rất thân nhau. Chít thì cá tính và nghịch ngợm, Pi thì dịu dàng. Một ngày hai cô bé phát hiện ra Chít thì còn bố, Pi thì còn mẹ. Hai cô bé tìm cách mai mối để bố mẹ đến với nhau... Mai mối thành công, hai cô bạn thành chị em một nhà, nhưng từ đó cuộc sống của họ có nhiều thay đổi...

Chít và Pi được khán giả teen khá quan tâm, bàn luận xôi nổi từ khi chưa bấm máy. Được viết kịch bản và thực hiện bởi một nhóm làm phim tuổi 8X, dẫn đầu là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Chít và Pi được quảng cáo là rất dí dỏm, hài hước, tươi trẻ để bớt đi sự căng thẳng về áp lực học hành, không có thời gian giải trí, thư giãn của tuổi teen. Dàn diễn viên mới toanh cũng góp phần làm nên sức hấp dẫn của Chít và Pi, đặc biệt là các khuôn hình đẹp như mơ, dẫn dắt câu chuyện đầy trắc ẩn và lòng nhân ái thêm thú vị.

Chít và Pi đã dám dùng kỹ thuật quay Flying cam ở bãi giữa sông Hồng để lấy được những góc máy quay thật đẹp mắt và lạ. Phim chưa chiếu, nhưng trên các diễn đàn đã nghe thấy các teen tỏ vẻ hài lòng với các cảnh quay Chít và Pi đứng trên cầu Long Biên, hay vạt hoa cúc vàng... Sau bộ phim truyện nhựa Áo lụa Hà Đông thì Chít và Pi là phim thứ 2 dùng kỹ thuật quay này, nhưng là phim đầu tiên quay Flying cam “made in Việt Nam

Tháng 6, TFS phát sóng trên HTV bộ phim Nữ sinh dài 10 tập, kịch bản được chuyển thể từ các tác phẩm: Buổi chiều Windows, Bồ câu không đưa thư, Nữ sinh của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những câu chuyện nghịch ngợm của các nhân vật như Xuyến, Thục, Cúc Hương ... một thời làm say mê độc giả học trò được xuất hiện trên màn ảnh. Nội dung phim xoay quanh các mối quan hệ tình bạn, tình yêu trong sáng của tuổi học trò - lứa tuổi “ô mai” nhiều mộng mơ với những buồn vui lẫn lộn, song đầy nhiệt huyết trên bước đường vào đời... Phim có dàn diễn viên mới toanh, cùng gương mặt ca sĩ quen thuộc của tuổi teen là Quang Vinh tham gia.

Sau hơn 2 năm gián đoạn, bộ phim Kính vạn hoa 3 sẽ ra mắt khán giả vào tháng 7. Kính vạn hoa lần này được thực hiện trên nội dung tám tập phim: Chiếc ba lô màu xanh, Trúng số độc đắc, Kho báu dưới hồ, Thằng thỏ đế... Nội dung vẫn lànhững câu chuyện vui nhộn xung quanh bộ ba Tiểu Long - Quý “ ròm”- Hạnh “ giáo sư”. Kính vạn hoa 3 là bộ phim được teen quan tâm nhất, mới khởi quay đã ồn ào truyền tai nhau diễn biến chuyện phim, chuyện diễn viên cũ và mới... Kính vạn hoa 3 là phim truyền hình đầu tiên mà TFS tổ chức quay 3 máy và thu tiếng trực tiếp, hứa hẹn sẽ giúp bộ phim trở nên thú vị hơn nhiều.

Một số bộ phim khác như: Đồng hồ cát của Lasta cũng nằm trong kế hoạch phát sóng hè của HTV. Mang tính chất thần thoại và huyền bí, Đồng hồ cát là thế giới giữa tiên và người. Một nàng tiên vô tình đánh rơi chiếc đồng hồ có phép thuật xuống trần gian. Một cậu học sinh lớp 5 nhặt được mà không biết rằng, khi quay ngược chiều đồng hờ thì thời gian cũng quay ngược lại, khiến thế giới bị xáo trộn. Các diễn viên tham gia trong phim: Phương Trinh, Minh Nhí, Như Phúc, Lương Thế Thành...

Bộ phim Bỗng dưng muốn khóc của BHD (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) cũng sẵn sàng lên sóng vào tháng 7 trên HTV. Phim là câu chuyện về mối quan hệ của một chàng trai trẻ nhà giàu bỗng nhiên không nhà và một cô gái bán sách dạo mù chữ, kéo theo biết bao tình huống hài hước, lãng mạn, và tréo ngoe... cùng diễn xuất của đôi diễn viên Tăng Thanh Hà – Lương Mạnh Hải, được hứa hẹn rất lạ, và hấp dẫn với teen không chỉ mùa hè này, mà rất có thể sẽ trở thành “hiện tượng” sốt phim cho năm 2008. Một bộ phim khác mang tên Võ đường Trúc Lâm (30 tập, đạo diễn Quang Vinh), được bật mí sẽ phát sóng trên VTV1.

Ngoài những bộ phim đã làm xong, chuẩn bị lên sóng... còn có một loạt phim teen khác đang quay, hoặc sắp quay. Có thể kể đến: Tuổi yêu (30 tập, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) đang quay; Mỹ nữ xì trum (Chu Thị); hay Mắt nhung, Tuổi 17, rồi Hồn ma, Miss Audition ( phim nhựa)... chuẩn bị bấm máy... Như vậy, dòng phim teen Việt đang hứa hẹn có những khởi sắc, đáp ứng được nhu cầu xem phim của khán giả trẻ. Xin hãy ủng hộ, và khuyến khích các nhà làm phim teen!

Theo TGDA

NỔI BẬT TRANG CHỦ