(Cinet)- Bộ sách nổi tiếng của bậc thầy tiểu thuyết Balzac – “Tấn trò đời” đã được giới thiệu tới độc giả Việt Nam vào ngày 11/7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
(Cinet)- Bộ sách nổi tiếng của bậc thầy tiểu thuyết Balzac – “Tấn trò đời” đã được giới thiệu tới độc giả Việt Nam vào ngày 11/7 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Tập 1 "Tấn trò đời". |
Nói về tác giả Honoré de Balzac, ông là một trong những nhà văn lớn của Pháp ở thế kỷ XIX. Ở tác giả luôn bộc lộ sự hiểu biết về xã hội và về con người rất sâu sắc. Vận dụng sáng tạo sự quan sát tỉ mỉ cùng với khả năng phân tích, lý luận chặt chẽ, Honoré de Balzac đã tạo ra nhiều tác phẩm có chiều sâu và có dấu ấn rất riêng. Ông đã để lại cho chúng ta một trong những tiểu thuyết đồ sộ nhất trong nền văn học Pháp.
“Tấn trò đời” tập hợp toàn bộ tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn của văn hào Honoré de Balzac (1799-1850). “Tấn trò đời” gồm khoảng 90 tác phẩm, được Balzac gộp lại vào năm 1842. Bộ sách gồm 3 phần: nghiên cứu về thói quen, nghiên cứu triết học và nghiên cứu bản. Đây là một tác phẩm kinh điển của bản thân Balzac nói riêng cũng như của thi đàn văn học Pháp nói chung.
Mỗi tác phẩm trong bộ sách là một đơn vị hoàn chỉnh, độc lập, có thể đọc riêng rẽ, đồng thời là bộ phận của một tổng thể toàn vẹn và duy nhất.
Với phát kiến “nhân vật tái hiện”, Balzac miêu tả nhân vật trong nhiều mối quan hệ phức tạp, trong tính đa dạng và sự vận động. Cuộc sống của nhân vật không kết thúc cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục, với nhiều thắng lợi hay thất bại, bởi cuộc sống xã hội vẫn tiếp diễn. Theo dõi nhân vật qua nhiều tác phẩm, độc giả sẽ không bị giới hạn trong cảm thụ thẩm mỹ, sẽ cảm nhận được ba chiều không gian và cả chiều sâu thời gian của “Tấn trò đời”.
Các khách mời chia sẻ về bộ sách "Tấn trò đời". |
Chia sẻ về Balzac cũng như bộ sách “Tấn trò đời”, trong Tọa đàm ra mắt bộ sách, Giảng viên Trần Hinh cho biết: “Tấn trò đời là một bộ sách đồ sộ nhất từ trước đến nay của Việt Nam về một tác giả người nước ngoài. Bộ sách khổng lồ này được thực hiện bởi đông đảo nhà nghiên cứu, nhà dịch thuật”.
Dịch giả, chuyên gia văn học Pháp Lê Hồng Sâm. |
Theo dịch giả, chuyên gia văn học Pháp Lê Hồng Sâm: “Ở thế kỷ XVIII, trước thế kỷ của Balzac, bên cạnh các thể loại như thơ trữ tình hay anh hùng ca,...thì vị trí của tiểu thuyết vẫn còn rất nhỏ bé, thấp kém. Đến thế kỷ XIX thì thể loại này đã có một sự biến hình, giống như cách mà một chú vịt con xấu xí trở thành một con thiên nga xinh đẹp hay từ một nàng lọ lem trở thành một nàng công chúa. Và người ta nói rằng, công đầu tạo ra sự biến hình đó thuộc về Balzac. Nhắc đến ông là người ta nhớ ngay đến tiểu thuyết cổ điển và cũng chính Balzac là người đã làm cho thể loại văn học này đạt được đến mức hoàn thiện nhất.
Với một tác gia phong phú như vậy và với tất cả những sự đổi mới ở thế kỷ XIX mà Balzac đã mang lại cho văn chương thì ông chính là một tác giả nên và cần được giới thiệu rộng rãi đến độc giả”.
Nói thêm về Balzac, với tư cách là một độc giả, tiến sĩ chuyên ngành Lý luận ngôn ngữ học Dương Xuân Quang chia sẻ: “Khác với những nhà văn khác, Balzac chọn cho mình những thứ rất nhỏ bé và tưởng chừng như vặt vãnh, nhưng khi xâu chuỗi tất cả những thứ nhỏ bé ấy chúng ta lại có thể thấy được những biểu tượng. Chúng ta có thể nhìn thấy cả một xã hội đủ mọi màu sắc, đủ mọi cung bậc. Có lẽ vì thế, bây giờ, trong thời điểm hiện tại, khi đọc “Tấn trò đời”, chúng ta vẫn sẽ thấy được đâu đó câu chuyện của chính mình, của xã hội mình đang sống”.
Sự trở lại sau 20 năm của bộ sách “Tấn trò đời” đã khỏa lấp một khoảng trống trong văn học. Có thể xem đây là một bộ sách giới thiệu về các tác phẩm văn học nước ngoài một cách hệ thống nhất từ trước đến nay. Và hơn hết, chúng ta có thể tự tin rằng, nếu can đảm đọc hết 16 tập của “Tấn trò đời” thì chúng ta đã biết một cách bài bản về một tác gia lớn của văn học Pháp, người đó chính là Honoré de Balzac.