(Tổ Quốc) - Những câu chuyện cổ tích dường như chỉ có ở đâu đó trong những trang sách hay trên màn ảnh. Thế nhưng câu chuyện từ những người từng một thời lầm lỡ nay hoàn lương được mọi người xem như đó là những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Câu chuyện của cặp vợ chồng anh Lương Xuân Đoàn và chị Nguyễn Thị Thùy Dung là một minh chứng cho việc không phải đã là người xấu thì mãi sẽ xấu, không thể nào là người tốt.
Câu chuyện của chị Dung phải kể từ cách đây mười lăm năm, khi đó chị Dung từng có thâm niên là gái bán hoa tại thị trấn buôn bán sầm uất vùng biên, sát cửa khẩu Lao Bảo. Sau đợt truy quét các đối tượng tệ nạn xã hội, chị được đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm. Sau 2 năm, chị hoàn lương được trở về hòa nhập cộng đồng. Thấy không thể mãi theo con đường ‘bán trôn nuôi miệng’, chị Dung dùng chính nghề học được trong Trung tâm, vay một ít vốn của người thân và mở một cửa hàng nhỏ bán đồ thủ công mỹ nghệ, dần dần công việc ổn định và phát triển, chị mở thêm xưởng sản xuất đồ trực tiếp, tạo công ăn việc làm thêm cho người dân trong vùng.
Mối quan hệ giữa chị và anh bắt đầu từ khi chị vẫn còn lang thang ngoài đường, trong một lần anh đói thuốc mà không có tiền hút, trời thì mưa, không đủ tỉnh táo để tìm chỗ trú được chị kéo vào lán trú tạm cơn mưa rào vùng núi, chị gặp anh trong hoàn cảnh đó. Hai con người, hai số phận, rồi trời run rủi họ tới gần nhau hơn.
Dường như cuộc sống lạ kỳ vì những điều rất đơn giản, hai con người đó, chính vì họ đã từng là những đối tượng bị xã hội kỳ thị, định kiến nên cả hai thông cảm cho nhau hơn, họ thường xuyên động viên nhau vượt qua khó khăn và cùng có tâm nguyện sẽ xây dựng cuộc sống bắt đầu từ nơi mình trượt ngã.
Ảnh minh họa: Dantri |
Chính cơ duyên gặp gỡ giữa hai người đã thay đổi cả cuộc đời của họ. Khi cả hai thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, những câu chuyện giúp họ gần nhau hơn, và tự lúc nào họ tìm thấy tình yêu dành cho mình.
Rồi cũng từ sau khi chị vào trung tâm, anh Đoàn cũng cố gắng nỗ lực đấu tranh với bản thân. Và cuối cùng, nghe theo lời khuyên của chị và gia đình, anh quyết tâm đi cai nghiện, dù biết là sẽ vô cùng khó khăn nhưng chính tương lai sán lạn của hai người đã khiến anh thêm động lực. Sau 3 năm cai nghiện, mặc dù vẫn chưa hết hẳn cảm giác của ma túy gây ra nhưng anh đã gần như đoạn tuyệt hẳn với những tép heroine, những viên ma túy tổng hợp và những người bạn xấu.
Sau khi chị Dung được trở về hòa nhập cộng đồng, anh Đoàn cũng phải mất thêm 2 năm nữa mới có thể cai nghiện hoàn toàn. Ngày anh ra trại, cả hai đón nhau trong nụ cười và anh chị trở thành người một nhà cũng từ hôm đó.
Chia sẻ về những chị em từng cùng làm ăn giống mình trong quãng đường lầm lạc, chị Dung ngậm ngùi, nhiều chị em của chị cũng vì hoàn cảnh xô đẩy mà tìm đến con đường bần cùng này trong xã hội. “Khổ lắm em ạ, nhiều đứa nó muốn hoàn lương, cũng đã quyết tâm đi khỏi khu vực này rồi, nhưng mấy tháng sau lại thấy nó đứng đường. Chị hỏi nguyên nhân thì nó bảo về quê, nhưng bị gia đình hắt hủi vì xấu hổ với họ hàng, làng xóm nên lại lên đây..”
Có thể nói, như chị Dung từng khẳng định với chúng tôi, không phải cô gái mại dâm nào cũng muốn làm cái công việc bị xã hội khinh rẻ, họ muốn hoàn lương nhưng nhiều khi chính xã hội, gia đình lại đưa đẩy họ về con đường cũ, chính vì vậy chúng ta cần giang rộng những vòng tay cùng nhiều sự giúp đỡ ngày họ trở về, để tìm lại ánh sáng cuộc đời mình, cùng đứng dậy để hoàn lương và trở thành những người có ích trong xã hội.
Toan Ánh