(Tổ Quốc) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngân hàng nhà nước - Ảnh VnEconomy
Nghị định số 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Trong đó, về điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, Nghị định đã giảm điều kiện về thời gian hoạt động có lãi "trong 5 năm" xuống còn "trong 3 năm" liên tục trước thời điểm nộp hồ sơ. Cụ thể, Nghị định nêu rõ, để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau: Có lãi trong 3 năm liên tục liền trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán và không có ý kiến ngoại trừ trọng yếu theo quy định của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính chấp thuận và công bố theo quy định về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng...
Về điều kiện đối với hoạt động ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và điều kiện đối với hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, Nghị định cũng sửa điều kiện có lãi trong "5 năm" thành "3 năm" và bỏ các điều kiện mang tính chung chung, không cụ thể về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự và tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Sửa điều kiện cấp GCN đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng
Nghị định số 16/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng đối với công ty thông tin tín dụng quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010. Theo đó, công ty tín dụng phải có tối thiểu 15 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) cam kết cung cấp thông tin tín dụng và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Về điều kiện chung để công ty tài chính thực hiện hoạt động ngân hàng (Điều 5 Nghị định 39/2014/NĐ-CP), Nghị định bãi bỏ điều kiện "hoạt động ngân hàng của công ty tài chính phải được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp" và "đối với các hoạt động ngân hàng có liên quan đến hoạt động ngoại hối, công ty tài chính tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối".
Về điều kiện công ty tài chính được phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức, Nghị định cũng bỏ các điều kiện không cần thiết như "thời gian hoạt động tối thiểu, kết quả hoạt động, kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước quy định" và "Phương án phát hành giấy tờ có giá dài hạn phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên thông qua theo quy định của pháp luật".
Sửa điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Bên cạnh đó, Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 07/5/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
Cụ thể, điều kiện để các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày1/7/2016) được sửa đổi, bổ sung như sau: Có Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều lệ của tổ chức phê duyệt, trong đó tối thiểu phải có các nội dung: (i) Quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép, gồm: Tên, phạm vi cung ứng, đối tượng khách hàng, điều kiện sử dụng, sơ đồ và diễn giải các bước thực hiện nghiệp vụ, quy trình dòng tiền từ lúc khởi tạo giao dịch đến lúc quyết toán nghĩa vụ giữa các bên liên quan; (ii) Cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán, gồm: Cơ chế mở và duy trì số dư tài khoản đảm bảo thanh toán, mục đích sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán; (iii) Quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2019.