(Tổ Quốc) - Đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua, nhằm giúp cho hoạt động quản lý và hoạt động chuyên môn kịp thời đáp ứng các yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội kháo XV, trước khi xem xét thông qua dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn để luật sớm đi vào cuộc sống
Góp ý về những vấn đề chung của dự thảo luật, đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật, nên giữ được sự ổn định cho hoạt động bảo vệ phát huy các giá trị di sản của văn hóa. Dự thảo luật cũng quy định những vấn đề mới về bộ máy quản lý di tích, di sản, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa, hợp tác công tư… đồng thời, thể chế hóa những nội dung cơ bản trong các công ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian vừa qua, các quy định hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa vẫn còn thiếu, chưa cụ thể ở một số lĩnh vực như: điều kiện thành lập bảo tàng, định mức chi trong hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực di sản văn hóa, định mức kiểm kê di sản, định mức xây dựng hồ sơ di tích, hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể, định mức thuê chuyên gia, nghệ nhân tham gia nghiên cứu và biểu diễn…
Bên cạnh đó, kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn, tu bổ, phục hồi, truyền dạy cũng còn hạn chế; còn khó khăn trong xử lý giữa bảo tồn và nhu cầu phát triển du lịch; chưa có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể…
Những hạn chế trên đã làm cho các địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quản lý và hoạt động chuyên môn. Do đó, đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra quan tâm bổ sung trong dự thảo luật; đồng thời sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các quy định hướng dẫn ngay sau khi luật được thông qua, nhằm giúp cho hoạt động quản lý và hoạt động chuyên môn kịp thời đáp ứng các yêu cầu xây dựng văn hóa trở thành nền tảng để phát triển kinh tế, phát triển con người và xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu cho biết, tại khoản 1 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh, đề xuất ban soạn thảo điều chỉnh cụm từ "các loại hình sở hữu" thành "các hình thức sở hữu" cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các văn bản có liên quan.
Tại khoản 5 Điều 4 về sở hữu di sản văn hóa, đại biểu đề xuất bỏ cụm từ "hình sự" trước cụm từ "và quy định khác của pháp luật có liên quan" bởi việc xác định đăng ký và giải quyết tranh chấp mà thực hiện theo Bộ luật Hình sự là chưa phù hợp. Nếu giữ cụm từ "hình sự", đại biểu đề xuất bổ sung thêm cụm từ "xử lý vi phạm" sau cụm từ "giải quyết tranh chấp"...
Làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nguồn lực tài chính
Nêu ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là bước tiến quan trọng trong nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của nước ta.
Góp ý cụ thể vào một số nội dung của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã đưa ra các khái niệm cụ thể về di sản văn hóa phi vật thể và vật thể. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bao quát, đề nghị làm rõ khái niệm "di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền"; nguy cơ mai một cần được quy định cụ thể hơn, chẳng hạn như số lượng nghệ nhân giảm mạnh, không gian văn hóa liên quan bị xâm phạm hoặc biến mất… để tạo cơ sở vững chắc cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.
Về quyền và trách nhiệm của cộng đồng đối với di sản văn hóa, dự thảo Luật đã quy định rõ vấn đề này tại Điều 5. Tuy nhiên cần bổ sung các biện pháp hỗ trợ cộng đồng; đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, nơi có nhiều di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Cộng đồng cần được hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất và được tham gia vào các chương trình đào tạo nâng cao năng lực bảo vệ di sản.
Về trách nhiệm của nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa, dự thảo Luật đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm chủ đạo của nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 7. Tuy nhiên, đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước về quản lý nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ di sản. Theo đó, cần có quy định rõ ràng về việc phân bổ ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội từ các tổ chức phi chính phủ, tư nhân và cộng đồng để tăng cường nguồn lực cho công tác này.
Đồng thời, về cơ chế bảo vệ di sản văn hóa quốc tế, dự Luật cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc phối hợp với cộng đồng, chủ thể để lập hồ sơ khoa học; ngoài ra cần có cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế để bảo vệ và phát huy các di sản đã được ghi danh./.