(Tổ Quốc) - Đa số các thành viên UBTVQH nhất trí cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, Thể thao (TDTT) và cho rằng, dự án Luật được xây dựng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TDTT năm 2006.
Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào chiều 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT. (Nguồn: VGP) |
Chiều ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.
Theo Tờ trình, Luật TDTT được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Có thể khẳng định Luật TDTT đã thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực sau 10 năm thi hành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay Luật TDTT đã bộc lộ một số bất cập như: một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến việc khó thi hành trong thực tế; một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; một số hoạt động TDTT phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự quản lý trong khi Luật hiện hành chưa có quy định…
Để dẫn chứng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dẫn Tờ trình cho biết, hiện nay có một số ít vận động viên thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao không may bị tai nạn mất khả năng lao động… nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn. Do đó, trong dự thảo Luật cần quy định các vận động viên có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn thì bản thân vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới..
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT sửa đổi, bổ sung 22 điều, giữ nguyên 57 điều, bổ sung 1 điều mới; trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá hoạt động TDTT; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT trong Luật TDTT hiện hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật...
Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.
Cụ thể, các thành viên UBTVQH cho rằng, dự án Luật được xây dựng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật TDTT năm 2006; bổ sung những vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến hoạt động TDTT; đồng thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy TDTT phát triển trong thời gian tới.
Góp ý về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho răng, cần hết sức quan tâm đến các chính sách phát triển hệ thống các huấn huyện viên; có các cơ chế, chính sách thỏa đáng trong chăm lo cho các vận động động viên, nhất là những vận động viên có nhiều thành tích.
Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự án Luật phải có các quy định cụ thể để khắc phục tình trạng bất bình đẳng giới trong TDTT./.
Hà Giang