Sửa đổi Nghị định số 21/2015/NĐ-CP: Động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo tác phẩm có giá trị
(Tổ Quốc) - Chiều 14/6, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập về việc triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP, ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL cho biết, ngày 14/2/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khẩu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ra đời đã góp phần xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị "về việc tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".
Những năm tiếp theo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ nói riêng, góp phần xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa.
Theo Cục trưởng Trần Hoàng, quá trình tổng kết thi hành pháp luật về tiền bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác cũng như lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định, cơ quan soạn thảo nhận thấy một số vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành cần phải được nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về thể loại, loại hình, quy mô tác phẩm, thành phần sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác; phân chia hợp lý các mức và khung tiền bản quyền để phù hợp với khả năng ngân sách của từng bộ, ngành, địa phương; đảm bảo phù hợp công sức đóng góp của các thành phần sáng tạo.
Do vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Nghị định nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP với Nghị định quy định về tiền bản quyền; đảm bảo tính minh bạch, khả thi, tạo thuận lợi cho việc thực hiện, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên quan điểm: Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể hóa các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định số 17/2023/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan; Kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã ban hành trước đây, sửa đổi những quy định không phù hợp và bổ sung những quy định mới.
Đồng thời đảm bảo tính minh bạch và khả thi, quy định chi tiết, cụ thể, tạo thuận lợi cho việc thực hiện; Bảo đảm quyền công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và công nghệ và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.
Về quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, theo Cục trưởng Trần Hoàng, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 53/QĐ-TTg, trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ VHTTDL đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục và bảo đảm lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nghị định sửa đổi, bổ sung điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP gồm 3 điều. Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP. Điều 2; Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số từ, cụm từ, điểm, khoản, điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP và Điều 3: Điều khoản thi hành.
Theo Cục trưởng Trần Hoàng, nội dung Dự thảo Nghị định về cơ bản kế thừa các quy định có tính ổn định, đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn thi hành Nghị định số 21/2015/NĐ- CP trong thời gian qua. Những sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Nghị định là cần thiết nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tỉnh khả thi của văn bản, động viên khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo tác phẩm có giá trị, do đó, cần tăng thêm nguồn tài chính để thi hành.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị liên quan đã đóng góp các ý kiến cụ thể đối với các nội dung quy định trong dự thảo nghị định. Các ý kiến thảo luận tập trung vào vấn đề phạm vi điều chỉnh, biểu mức, phương thức thanh toán, đơn vị tính...
Cho ý kiến tại cuộc họp, Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác là vấn đề khó. Bởi các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn thuộc lĩnh vực sáng tạo, mang tính đặc thù, khó đo đếm.
Hoan nghênh Cục Bản quyền tác giả đã chuẩn bị tài liệu công phu, đúng hướng, song Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, để xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 21/2015/NĐ-CP cần tiến hành quy trình họp nhiều lần, có ý kiến từ các kênh và các địa phương.
Để Nghị định sau khi được ban hành có tính khoa học, đi vào thực tiễn, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị các thành viên của Ban soạn thảo, Tổ biên tập có sự nghiên cứu kỹ trong quá trình xây dựng Nghị định. Nội dung sửa đổi, bổ sung phải đi sâu, đi sát với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi.
Quan tâm đến vấn đề mức chi trả nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, Thứ trưởng khẳng định, mức chi trả cần được nghiên cứu, có cách thức tính toán phù hợp để vừa khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ, người sáng tạo nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng tốt phục vụ công chúng nhưng vẫn cân đối với ngân sách Nhà nước.