(Tổ Quốc) - Việc tuyển dụng lao động người Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trên đất Việt Nam cũng cần được thiết lập các cơ chế, chính sách một cách phù hợp, đơn giản và thuận tiện
Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng lao động Việt Nam phải báo cáo hàng năm
Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ Nghị định quy định việc tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Nghị định này ra đời sẽ thay thế cho Nghị định số 75/2014/NĐ-CP ban hành ngày 28/7/2014.
Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Nghị định số 75/2014 đang có hiệu lực thi hành về cơ bản đã tạo ra khung pháp lý đồng bộ, kịp thời điều chỉnh quan hệ người lao động Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam sớm đi vào nề nếp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về lao động quản lý được chặt chẽ hơn và đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý người lao động Việt Nam nói chung và người lao động làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam nói riêng.
Chính vì vậy, trong Dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo tiếp tục kế thừa và phát triển các quy định về tuyển chọn, sử dụng và quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam đồng thời cơ quan chức năng cũng tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về tuyển dụng, quản lý lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là của các quốc gia trong khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng như Trung Quốc, Hàn Quốc…; các thông lệ quốc tế, các Điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo dự thảo, khi có nhu cầu sử dụng người lao động Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài phải gửi văn bản đề nghị tuyển người lao động Việt Nam đến tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam. Trong văn bản phải nêu rõ yêu cầu về vị trí việc làm, số lượng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, ngoại ngữ, thời hạn cần tuyển; quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và của tổ chức, cá nhân nước ngoài trong quá trình làm việc và khi thôi việc đối với từng vị trí việc làm cần tuyển.
Cần chung sức cải thiện môi trường kinh doanh
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội - đối với việc tuyển dụng lao động người Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trên đất Việt Nam cũng cần được thiết lập các cơ chế, chính sách một cách phù hợp, đơn giản và thuận tiện. Bởi doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài làm việc trên đất Việt Nam đã phải có các phương án về tuyển dụng, về lao động và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, cần phải lưu ý tránh những thủ tục gây "rườm rà" cho doanh nghiệp.
Ông Bùi Sỹ Lợi gợi ý, "ở góc độ quản lý, có thể nắm tình hình thông qua báo cáo, hậu kiểm".
Còn theo TS. Nguyễn Văn Toàn, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), những tổng kết mới đây cho thấy, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) khá thành công với môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn. Do vậy, dự thảo Nghị định cần "chung sức" trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất quán với tinh thần của Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật Lao động.
Ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đối việc phải tuyển dụng qua các trung tâm dịch vụ việc làm, VAFIE nhận thấy cần tạo sự bình đẳng giữa các trung tâm, đơn vị làm dịch vụ giới thiệu việc làm. Vì hiện có nhiều tổ chức săn đầu người hay cung cấp dịch vụ tuyển người, giới thiệu việc làm đang cùng tồn tại. Việc phân biệt sẽ gây là gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước những ý kiến này, Cục Việc làm cho biết, với những nội dung khiến dư luận, cũng như các chuyên gia có ý kiến là rườm rà, tạo cơ chế xin - cho, Ban soạn thảo đã tiếp thu và sửa đổi. Hiện dự thảo nghị định đang được khẩn trương hoàn thiện để trình xin ý kiến lần cuối các thành viên Chính phủ vào đầu tháng 11-2020.