• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường nước mặt

Pháp luật 02/11/2018 08:11

(Tổ Quốc) - Xã Xã Tân Triều ở phía Tây Bắc huyện Thanh Trì, Tp.Hà Nội. Cùng với sự phát triển chung của đất nước, nền kinh tế xã Tân Triều tăng trưởng khá nhanh. Nhưng bên cạnh những nguồn lợi về kinh tế dịch vụ, người dân phải đối mặt với vấn đề môi trường – ô nhiễm nguồn nước mặt do sức ép từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

ThS.Lê Thị Thoa

Khoa Môi trường, Đại học TN&MT Hà Nội

Thống kê năm 2017 cho thấy, dân số xã Tân Triều có 36.675 người với 10.085 hộ. Sự phát triển dân số tại địa bàn xã hiện nay làm gia tăng lượng nước thải, gây áp lực đến môi trường nước mặt.

Sức ép từ sự gia tăng dân số

Theo kết quả điều tra 30 hộ dân tại xã Tân Triều, trung bình một người dân tại xã Tân Triều sử dụng khoảng 0,14 m3 nước/ngày đêm. Như vậy, với tổng dân số 36.675 người, lượng nước sinh hoạt sử dụng của cả xã tới 5.134,5 m3/ngày đêm. Tổng lượng nước thải sinh hoạt thải ra tới 5.134,5 m3 nước/ngày đêm. Toàn bộ lượng nước sinh hoạt thải ra đều không được xử lý mà chỉ xả qua hệ thống bồn cầu và các đường ống nước chạy theo khu dân cư, sau đó đổ vào các cống ngầm quanh làng và hòa thẳng vào mương nổi dẫn ra sông Nhuệ.

Cùng với nguồn nước thải không được xử lý, tình trạng rác sinh hoạt thải vào nguồn nước mặt đang gia tăng sức ép lên môi trường. Rác thải gồm nhiều loại như các loại rác thải sinh hoạt từ nhà dân, phân động vật, các loại lông gà, vịt, bao bì chứa nguyên liệu, hạt nhựa không được dọn sạch,... Việc thu gom rác thải trên địa bàn xã do Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Thanh Trì chịu trách nhiệm, nhưng chỉ hoạt động từ 9 giờ tới 10giờ30 mỗi ngày. Nhiều loại rác thải không được thu gom, thải ra hai bên đường và các nguồn nước trong khu vực.

Sức ép từ phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường nước mặt  - Ảnh 1.

Sức ép từ hoạt động sản xuất

Làng nghề Triều Khúc thuộc xã Tân Triều - làng nghề truyền thống lâu đời. Hiện nghề truyền thống của cả 2 thôn đều suy giảm, trong khi đó, nghề thu gom phế liệu, đồng nát phát triển mạnh. Số hộ tham gia sản xuất tại làng nghề bao gồm các ngành thu gom, tái chế lông vũ và thu gom, tái chế phế liệu. Trong số 225 hộ làm nghề, số hộ tham gia thu gom phế liệu chiếm 56%, chế biến nhựa chiếm 39,7%. Số hộ chế biến nhựa thấp hơn do các công đoạn tái chế đòi hỏi mức độ phức tạp và dây chuyền nhiều hơn. Nghề thu gom và tái chế lông vũ tại làng nghề giảm, còn 4,3%, chỉ tập trung chủ yếu tại xung quanh nghĩa trang Giò Gà, xóm Cầu. Nghề này đã tồn tại gần trăm năm nay, nhưng trước tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các dịch bệnh như cúm gia cầm, nghề này đã mai một đi rất nhiều. Hiện tại chỉ còn 10 hộ theo nghề. Ngoài ra, các hộ gia đình trên địa bàn xã chuyển sang hình thức làm kinh tế mới như: xây nhà trọ cho sinh viên thuê, mở tiệm giặt là, các hình thức buôn bán tự do,...

Hoạt động sản xuất tại đây mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, góp phần cải thiện đời sống cho người dân tại địa phương và lao động từ nơi khác. Tuy nhiên sự phát triển này gây ra những áp lực lớn mang tính tiêu cực đến môi trường sống và đặc biệt là nguồn nước mặt. Kết quả điều tra về nguồn thải gây tác động lớn nhất đến môi trường nước mặt cho thấy, đa số người dân đều cho rằng, từ các hoạt động sản xuất, chiếm tỷ lệ tới 92%; còn lại ý kiến cho rằng, ô nhiễm từ nước thải sinh hoạt chiếm 46% và do rác thải chiếm 26%.

Kết quả phân tích hàm lượng các thông số ô nhiễm trong nước thải hầu hết không phù hợp với quy chuẩn cho phép khi so với QCTĐHN 02:2014/BTNMT và QCVN 14:2008/BTNMT. Các thông số TSS, COD, BOD5, Coliform đều vượt quá quy chuẩn cho phép. Nước thải với nồng độ chất ô nhiễm cao gây áp lực lớn đến môi trường nước mặt. Hàm lượng thông số Coliform trong mẫu nước thải rất cao, > 5000 CPU/100ml. Nguyên nhân chính do các hộ gia đình không xử lý nước thải. Ngoài ra, các hộ tái chế nhựa và các hộ tái chế lông vũ di chuyển nhà xưởng ra Đường Mới. Vì ở đây có nhiều diện tích trống, nhiều hộ tăng gia bằng cách chăn nuôi lợn và gia cầm, cho nên tất cả các nguồn thải đều chảy thẳng ra cống thải chung, dẫn tới hàm lượng Coliform cao vượt mức cho phép nhiều lần.

Hoàng Mỹ

NỔI BẬT TRANG CHỦ