(Tổ Quốc) - Năm vừa qua có nhiều sự kiện chắc chắn đã chia không gian địa chính trị toàn cầu thành hai phe.
Một bên là những người vẫn ủng hộ sử dụng đồng đô la Mỹ làm công cụ tài chính phổ quát và một bên là những người đang quay lưng lại với đồng bạc xanh.
Căng thẳng toàn cầu từ các lệnh trừng phạt kinh tế và chiến tranh thương mại đã khiến nhiều nước có cái nhìn mới về các hệ thống thanh toán thay thế các hệ thống đang sử dụng đồng đô la Mỹ.
Trung Quốc
Cuộc xung đột thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng các lệnh trừng phạt đối với các đối tác thương mại lớn của Bắc Kinh đã buộc Trung Quốc phải thực hiện các bước đi để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la.
Các biện pháp trừng phạt đã khiến nhiều nước phải tránh dùng đồng USD. (Ảnh: Reuters)
Theo RT, dù chính phủ Trung Quốc không đưa ra bất kỳ thông báo lớn nào về vấn đề này nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã có một số động thái giảm số trái phiếu chính phủ Mỹ mà nước này nắm giữ.
Hơn nữa, RT cũng cho hay, Trung Quốc đang cố gắng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ khi nó đã được đưa vào rổ IMF cùng với đồng đô la Mỹ, đồng yên Nhật, đồng euro và bảng Anh. Bắc Kinh gần đây đã thực hiện một số bước để tăng sức mạnh cho đồng nội tệ, bao gồm tích lũy dự trữ vàng, khởi động chương trình dầu thô tương lai định giá bằng nhân dân tệ và sử dụng tiền tệ trong thương mại với các đối tác quốc tế.
Ấn Độ
Là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ là nước bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hầu hết các cuộc xung đột địa chính trị toàn cầu và bị ảnh hưởng đáng kể khi các đối tác thương mại của nước này bị trừng phạt.
Đầu năm nay, Delhi đã chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp khi mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga do các hình phạt kinh tế của Mỹ đối với Moscow. Nước này cũng phải chuyển sang đồng rupee trong việc mua dầu thô của Iran sau khi Washington khôi phục lệnh trừng phạt đối với Tehran. Vào tháng 12, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ để thúc đẩy thương mại và đầu tư mà không có sự tham gia của đồng tiền thứ ba.
Thổ Nhĩ Kỳ
Đầu năm nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố chính sách mới về giao dịch phi đô la với các đối tác quốc tế. Sau đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng Ankara đang chuẩn bị tiến hành thương mại bằng việc sử dụng các đồng tiền nội tệ với Trung Quốc, Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thảo luận về khả năng thay thế đồng đô la Mỹ bằng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch thương mại với Iran.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng bỏ đồng đô la Mỹ sang một bên trong nỗ lực thúc đẩy đồng lira nội tệ. Đồng lira đã mất gần một nửa giá trị so với đồng bạc xanh trong năm qua. Sự sụt giảm tiền tệ đã trở nên trầm trọng hơn do lạm phát tăng vọt và tăng giá hàng hóa và dịch vụ.
Iran
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái ái đặt trừng phạt đã gây khó khăn cho nền kinh tế Iran. Tehran đã buộc phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho đồng đô la Mỹ để thanh toán cho xuất khẩu dầu của mình. Iran đã giành được thỏa thuận kí kết về dầu mỏ với Ấn Độ bằng đồng rupee của Ấn Độ. Họ cũng đàm phán một thỏa thuận trao đổi với nước láng giềng Iraq.
Nga
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Mỹ đang "phạm sai lầm chiến lược khổng lồ" bằng cách "làm suy yếu niềm tin vào đồng USD". Ông Putin chưa bao giờ kêu gọi hạn chế giao dịch bằng đô la hoặc cấm sử dụng tiền Mỹ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết hồi đầu năm nay rằng nước này phải giảm việc nắm giữ trái phiếu Mỹ để chuyển sang các tài sản an toàn hơn, như đồng rúp, đồng euro và kim loại quý. Nga cũng đã phát triển một hệ thống thanh toán quốc gia thay thế cho SWIFT, Visa và Mastercard sau khi Mỹ đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt mới cứng rắn hơn vào hệ thống tài chính của Nga.
Cho đến nay, Moscow đã tìm cách loại bỏ một phần đồng bạc xanh trong xuất khẩu, ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với một số quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Iran. Nga gần đây đã đề xuất sử dụng đồng euro thay vì đồng đô la Mỹ trong thương mại với Liên minh châu Âu.