• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Sức sống của một thành phố di sản

Thời sự 01/03/2014 20:40

(Toquoc)-Ít ai ngờ rằng cách đây hơn 20 năm, khu phố cổ Hội An chỉ là một vùng đất hoang sơ, đìu hiu và nghèo nàn…

(Toquoc)-Nhìn vào thành tích đáng ngưỡng mộ của thành phố du lịch Hội An hôm nay ít ai ngờ rằng cách đây hơn 20 năm, khu phố cổ này chỉ là một vùng đất hoang sơ, đìu hiu và nghèo nàn…

Hội An mới đây đã được một tạp chí du lịch của Ấn Độ bình chọn là một trong 9 thành phố lãng mạn nhất thế giới. Với danh hiệu này, Hội An đã 3 lần được truyền thông thế giới vinh danh chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2014. Trước đó, Hội An lọt vào Top Những thành phố rẻ nhất cho du lịch bụi ở châu Á (trang Price of Travel) và là một trong Những Điểm đến không nên bỏ qua tại Việt Nam dành cho khách du lịch theo bình chọn của mạng thông tin du lịch quốc tế Touropia.

Thế nhưng, có thể nhận thấy rằng, việc Hội An liên tiếp lọt vào các danh sách bình chọn về điểm đến du lịch giờ đây đã không còn là điều bất ngờ đối với dư luận nữa. Dường như chuyện thành phố di sản này được ghi nhận là điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong nước và quốc tế đã trở thành điều hiển nhiên, không cần phải bàn cãi!





Thành phố di sản Hội An đã và đang là “gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch (Ảnh: Ngọc Thành)

Tuy nhiên, những danh hiệu đó sẽ không nói lên nhiều điều nếu như không đi kèm những con số ấn tượng của du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung. Trong năm 2013, tổng lượt khách tham quan đến Quảng Nam ước đạt 3,4 triệu; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 4.230 tỷ đồng. Năm 2013 cũng là năm đầu tiên Hội An đón 1,6 triệu lượt khách, tăng 16,8% so với bình quân 3 năm trước và đến đầu năm 2014, thành phố này đã chào mừng vị khách thứ 6 triệu mua vé tham quan phố cổ kể từ năm 1995 đến nay. Vào mỗi dịp đầu năm mới, có thời điểm Hội An đón trên 10.000 lượt khách đến tham quan/1 ngày.

Nhìn vào thành tích đáng ngưỡng mộ của thành phố du lịch Hội An hôm nay ít ai ngờ rằng cách đây hơn 20 năm, khu phố cổ này chỉ là một vùng đất hoang sơ, đìu hiu và nghèo nàn với gần 1.000 ngôi nhà cổ và hơn 200 di tích đình, chùa, miếu mạo có tuổi thọ hàng trăm năm ở trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Thế nhưng ngay thời điểm đó, lại có một người nước ngoài khi đến Hội An lần đầu tiên, đã đưa ra nhận xét khiến cho không người dân phố Hội nào tin nổi, rằng “người Hội An đang ngồi trên đống vàng’“tài nguyên này là vô giá”. Đó là kiến trúc sư người Ba Lan – Kazimierz Kwiatkowsky (tên gọi thân mật là Kazik), người đã đưa ra tiên đoán rằng “rồi đây, mỗi người dân Hội An hàng năm sẽ đón tiếp 3 đến 4 khách nước ngoài và sẽ giàu lên từ chính ngôi nhà của họ”.

Và những lời tiên đoán của ông hôm nay đã thành sự thật. Thành phố di sản Hội An đã và đang là “gà đẻ trứng vàng” của ngành du lịch và đĩnh đạc xuất hiện trên bản đồ du lịch quốc tế như một điểm đến du khách không nên bỏ qua.

Lý do của sự thành công của ngành du lịch Hội An thì có lẽ không phải bàn thêm nữa. Đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, những ý kiến của các chuyên gia bàn về bài học thành công của du lịch Hội An. Tại một cuộc tọa đàm năm ngoái về vấn đề vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường đã khẳng định, "Hội An là điển hình của việc giải quyết tốt vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di sản; là điều hòa lợi ích của cộng đồng với các bên tham gia trong hoạt động du lịch và xây dựng được môi trường du lịch văn minh, lịch sự, thân thiện với du khách...". Những yếu tố đó đã giúp Hội An trở thành điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch, biến nó thành một điểm đến du lịch mang tầm cỡ quốc tế.





Du khách quốc tế hào hứng tham qua phố cổ Hội An trong mùa mưa lũ (Ảnh: Ngọc Thành)

Thẳng thắn mà nói, trên thế giới có rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hơn Hội An, có nhiều thành phố di sản được bảo tồn và giữ gìn tốt hơn Hội An. Ngay tại Việt Nam cũng có nhiều điểm đến thú vị khác để cho du khách khám phá như Mỹ Sơn, Huế, Côn Đảo... Vậy vì sao thương cảng cổ của Việt Nam vẫn liên tiếp được cộng đồng quốc tế ghi nhận với những danh hiệu ấn tượng như “Thành phố châu Á có Cảnh quan đẹp nhất”; “Điểm du lịch được yêu thích nhất”; “Thành phố du lịch bụi rẻ nhất châu Á” và mới đây là “Thành phố lãng mạn nhất thế giới”. Còn du khách quốc tế thì vẫn liên tiếp đổ về khu phố cổ này, thậm chí bất chấp mùa mưa bão, lụt lội phải du ngoạn trên…thuyền?

Có lẽ bởi ngoài tiềm năng di sản quý giá, Hội An đã tạo được niềm tin nơi du khách và khiến họ muốn quay lại. Đó là niềm tin về một thành phố xanh- sạch- đẹp, thanh bình với "3 Không" được thực hiện nhất quán: “Không rác, không chèo kéo, không trộm cướp”. Là niềm tin về một điểm đến có những vị chủ nhà vô cùng hiếu khách và thân thiện đến mức mỗi nhà đều có nhà vệ sinh miễn phí dành cho du khách. Và trên hết, đó là niềm tin về một điểm đến nơi di sản thực sự đóng vai trò trung tâm và con người biết giữ gìn và trân trọng di sản đó. Niềm tin đó được củng cố qua cách làm du lịch đồng bộ, nhất quán từ chính quyền địa phương cho đến người dân.

Lãnh đạo Hội An từng khẳng định rằng, sức hấp dẫn của phố cổ có được là nhờ vào “bộ ba” quan điểm phát triển du lịch mà chính quyền địa phương đã xây dựng. Đó là phát triển du lịch dựa trên cơ sở bảo tồn di sản và tài nguyên văn hóa môi trường của địa phương; Du lịch di sản cần hướng tới sự thu hút từ cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm và lợi ích từ du lịch cho cộng đồng; Phát triển Hội An thành một điểm đến chất lượng cao, bền vững.





Hướng đến thành phố sinh thái- văn hóa và du lịch, Hội An đã đưa ra chủ trương toàn bộ cán bộ, Đảng viên, lãnh đạo địa phương sẽ đi làm bằng xe đạp từ ngày 25/3 tới (Ảnh: Internet)

Trong bối cảnh trên thế giới và cả tại Việt Nam, nhiều di sản văn hóa bị đe dọa bởi chính cách làm du lịch thiếu trách nhiệm của con người thì Hội An với cách làm du lịch hướng tới sự bền vững, vì môi trường và cộng đồng thực sự là tấm gương đáng quý.

Trong khi đây đó, nhiều địa phương sở hữu những di sản thiên nhiên và văn hóa của thế giới vào bậc nhất vẫn đang loay hoay, lúng túng với bài toán giữ gìn di sản và phát triển du lịch hay chỉ khai thác du lịch theo kiểu “bán rẻ di sản” để tận thu, làm méo mó di sản thì hôm nay Hội An vẫn nỗ lực từng bước để hướng đến mục tiêu làm du lịch bền vững. Nghe đâu, để nêu cao tinh thần giữ gìn và bảo vệ môi trường, hướng đến thành phố sinh thái- văn hóa và du lịch, Hội An đã đưa ra chủ trương toàn bộ cán bộ, Đảng viên, lãnh đạo địa phương sẽ đi làm bằng xe đạp từ ngày 25/3 tới và khuyến khích, vận động người dân đi lại trong thành phố bằng xe đạp bắt đầu từ ngày 1/4…

Rõ ràng, di sản đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển du lịch. Và cũng không thể có một giải pháp hay một cách làm du lịch nào có thể áp dụng chung đối với tất cả các di sản. Tuy nhiên, suy cho cùng, điều quan trọng nhất để cho một di sản có thể phát huy được giá trị của nó trong phát triển du lịch chính là cách ứng xử của con người đối với di sản như thế nào? Nói như bà Katherin Muller – Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam: “Nếu như chúng ta thay đổi quá nhiều di sản, nó sẽ không còn là chính nó nữa và mất đi sự quan tâm của du khách đối với di sản. Điều quan trọng nhất vẫn là phải nỗ lực để đạt được sự cân bằng trong việc giữ gìn, phát huy di sản và phát triển du lịch”./.

Lâm Minh

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ