• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Súng thần công bằng đồng phát hiện tại bờ biển Đà Nẵng có xuất xứ từ đâu?

Văn hoá 29/07/2019 10:11

(Tổ Quốc) - Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết súng thần công bằng đồng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có xuất xứ từ Hà Lan.

Sáng 29/7, Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, vừa qua, Bảo tàng nhận được thông tin từ đơn vị thi công công trình kè biển Liên Chiểu đoạn Xuân Thiều - Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) về việc phát hiện khẩu súng thần công trong quá trình thi công vào ngày 22/5/2019 (Báo điện tử Tổ Quốc đã thông tin).

Sau đó, Bảo tàng Đà Nẵng đã làm việc để tiếp nhận và đưa súng thần công về bảo quản, xử lý phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy giá trị.

Bảo tàng Đà Nẵng đã mời Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến đến từ Khoa Lịch sử (Đại học Khoa học Huế) là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về Huế. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và cho ra kết quả nghiên cứu về khẩu súng thần công này.

sung

Súng thần công bằng đồng được phát hiện tại bờ biển Đà Nẵng vừa qua.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, về tổng thể, súng có chiều dài toàn bộ 174,1 cm, gồm hai phần là thân súng dài 160,3 cm và chuôi súng (gọi chung là khối hậu) dài 13,8 cm. Tổng trọng lượng súng khoảng 200 kg.

Toàn thân súng có 3 bộ phận: khoang buồng nạp thuốc súng, bầu súng và nòng súng. Bên trong thân súng là khoảng âm của lòng súng hình trụ tròn đều, được bố trí theo trục chính tâm, dài từ miệng súng đến đáy bầu súng, có đường kính 60 mm…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho biết súng thần công bằng đồng vừa được phát hiện tại Đà Nẵng này có xuất xứ từ Hà Lan, tuy không ghi tên xưởng đúc và năm đúc, nhưng đồng dạng trên các khía cạnh kiểu dáng, cấu tạo kỹ thuật và hoa văn trang trí với những khẩu thần công bằng đồng của Hà Lan xuất xưởng và du nhập vào Việt Nam.

Theo ông Tiến, súng thần công bằng đồng của Hà Lan có mặt ở Việt Nam một phần theo con đường trục vớt của chúa Nguyễn từ những tàu Hà Lan bị đắm hay mắc cạn ở Đàng Trong, và phần lớn theo con đường biếu tặng hay mua bán của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, tất cả các con đường du nhập ở hai miền đều diễn ra vào những thập niên giữa thế kỷ XVII. Từ cuối thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, thư tịch và hồ sơ các bên liên quan không còn ghi nhận sự có mặt của súng thần công Hà Lan tại Việt Nam nữa.

"Vì thế, giống như những khẩu thần công bằng đồng xuất xứ từ Hà Lan còn lưu giữ ở Việt Nam hiện nay, khẩu thần công bằng đồng tìm thấy ở Đà Nẵng đã có tuổi đời trên dưới 350 năm", nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến cho hay.

Đ.Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ