(Tổ Quốc) - Sáng 23/7, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo Khoa học "Tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào lĩnh vực Thư viện".
TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ Trưởng Vụ Thư viện báo cáo đề dẫn Hội thảo
Đồng chủ trì Hội thảo có: TS. Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ Trưởng Vụ Thư viện; TS. Từ Mạnh Lương - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường; PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Từ Mạnh Lương cho biết: Thư viện là môi trường đã ứng dụng các công nghệ số từ rất sớm. Từ năm 2004, khái niệm "thư viện không tường" đã được các nhà nghiên cứu sử dụng đối với các thư viện ứng dụng công nghệ thông tin để cung ứng các sản phẩm và dịch vụ thư viện ảo mà không phụ thuộc vào các thư viện vật lý. Bên cạnh chức năng thu thập, lưu trữ và phổ biến thông tin đơn thuần, đến nay, thư viện trở thành nơi cung cấp các nguồn tin, nơi dữ liệu, kiến thức được tạo ra và chia sẻ. Hoạt động thư viện đã và đang mang đến cho người đọc những cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mơ…
Có thể nói, thư viện 4.0 là nơi mà ranh giới giữa "thư viện vật lý" và "không gian số" bị xóa nhòa khi người sử dụng tiếp cận vốn tài liệu, nguồn lực thông tin không bị giới hạn về không gian và thời gian. Người đọc khai thức được nguồn tài liệu với máy tính/trang tiết bị thông minh có kết nối Internet từ mọi nơi, mọi lúc mà không cần đi đến thư viện tra cứu, TS Từ Mạnh Lương khẳng định.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường cũng nhấn mạnh: Bên cạnh những cơ hội nêu trên thì Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các thư viện có sự chuyển dịch và thay đổi để làm tròn sứ mạnh truyền tải tri thức nhân loại đến cho mọi người; đặt ra thách thức trong vấn đề bản quyền khai thác dữ liệu, an toàn thông tin và bảo mật, độ tin cậy và độ trong sạch của dữ liệu… cũng như chất lượng nhân lực làm việc trong lĩnh vực thư viện.
Có 22 báo cáo tham luận được gửi về Hội thảo.
Báo cáo tại Hội thảo, TS. Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: Từ những định hướng chung của Đảng và Nhà nước, cũng như của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn Ngành Thư viện đã có sự nỗ lực, nhờ đó mạng lưới thư viện đã phát triển rộng khắp cả nước để người dân ở tại nơi sinh sống, làm việc công tác đều có thể tiếp cận sử dụng một cách dễ dàng. Đặc biệt là sự hình thành các thư viện điện tử, thư viện số, một số nơi đã triển khai được dịch vụ 24/7 giúp bạn đọc có thể truy cập mọi nơi, mọi lúc một cách dễ dàng.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng cho biết: Qua báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây số người sử dụng thư viện công cộng gia tăng: Năm 2014 tổng số lượt người sử dụng thư viện là hơn 24 triệu, tổng số lượt sách báo phục vụ thư viện là gần 52 triệu lượt; đến năm 2018 tổng số lượt người sử dụng thư viện tăng hơn 36 triệu và tổng số lượt sách báo phục vụ thư viện tăng hơn 58 triệu lượt. Điều đó thể hiện sự nỗ lực của các thư viện trong việc cải thiện các dịch vụ, đặc biệt là cung cấp dịch vụ trực tuyến để giúp người đọc có thể tra cứu một cách dễ dàng.
Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng nhận định: CMCN 4.0 đã, đang và sẽ tạo cho ngành thư viện một số cơ hội mới. Vị thế và vai trò của thư viện sẽ có sự gia tăng với sự ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông. Thời gian qua, ngành thư viện đã thực hiện được một số dự án số hóa tuy nhiên vốn thư viện điện tử còn kém chưa đạt 10%. Vì thế nhiệm vụ trọng tâm của các thư viện thời kỳ chuyển đổi số thư viện ở Việt Nam là số hóa các nguồn tư liệu của thư viện và dùng các công nghệ số thích hợp để thay đổi các dịch vụ thư viện, tăng hiệu quả để thư viện trực tiếp tác động và phục vụ tốt hơn cho quá trình phát triển đất nước….
Toàn cảnh Hội thảo khoa học.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của ngành thư viện; Xu hướng ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào ngành thư viện; Vấn đề bản quyền, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu trong giao dịch, trao đổi dữ liệu số giữa các hệ thống thông tin – thư viện; Thực trạng và giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của ngành thư viện trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4…