(Tổ Quốc) - Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng như hiện nay, với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật và công nghệ, dường như việc vi phạm bản quyền dễ xảy ra hơn và những tranh chấp về bản quyền, tính chất của các vụ việc vi phạm cũng phức tạp hơn.
Việc vi phạm bản quyền trong sáng tác nói chung và trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học nói riêng cũng không ngoại lệ. Gần đây, vụ việc liên quan tới cuốn "A Unified System Fitness Design: Concepts of Holistic and Inclusive Fitness Framework" (USFD) của hai tác giả Nguyễn Trà Giang và Oliver Napila Gomez đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cuốn sách do Nhà xuất bản Routledge- 1 Nhà xuất bản uy tín, có tuổi đời 200 năm tuổi tại Anh quốc- xuất bản, được giới thiệu là cuốn sách về khoa học thể thao của tác giả Việt Nam đầu tiên xuất bản, ra mắt độc giả vào ngày 24/9/2024.
Hay như trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, thực tế cho thấy, tình trạng đạo văn hay các tranh chấp về bản quyền rất dễ xảy ra, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ thể quyền tác giả.
Để làm rõ hơn những quy định về các hành vi bị coi là vi phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan, chúng tôi đã trao đổi với Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TP.HCM.
Ông có thể cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, những hành vi nào bị coi là vi phạm bản quyền?
Để làm rõ được các hành vi vi phạm bản quyền chúng ta cần bắt đầu từ quyền tác giả, ở đây nói đến, là quyền đối với những sáng tạo như văn thơ, âm nhạc, hội hoạ, phim ảnh và điêu khắc cũng như các tác phẩm dựa trên công nghệ như chương trình máy tính và dữ liệu điện tử, hoặc có thể hiểu rằng, đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học - còn được gọi là tác phẩm.
Theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019 và 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Trong thực tế thì nhiều vụ vi phạm bản quyền xảy ra bởi các tác giả không ý thức được việc cần bảo vệ tác phẩm của mình khi sáng tác. Thậm chí, có thể 1 người khác dùng chính tác phẩm do tác giả sáng tác đăng ký bản quyền (chiếm đoạt) tác phẩm đó, trong những trường hợp như thế này, việc chứng minh mình là tác giả, người sáng tạo hoặc sở hữu tác phẩm đó là vô cùng khó khăn.
Như vậy, có thể thấy việc xâm phạm quyền tác giả rất dễ xảy ra. Xâm phạm quyền tác giả là việc một cá nhân, tổ chức không phải là tác giả hoặc được tác giả ủy quyền, chuyển nhượng quyền tác giả (gọi chung là chủ thể không có quyền) thực hiện các quyền tác giả, điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả hoặc chủ thể có quyền.
Luật đã xác định rõ các hành vi xâm phạm quyền tác giả, có thể nhắc đến các hành vi như: Xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm; Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm; Xâm phạm quyền công bố tác phẩm; Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh; Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng; Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm; Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng;
Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng; Xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý; Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện trên bản gốc, bản sao tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật;
Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả theo quy định của pháp luật; Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;
Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật; Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với tác phẩm quy định…
Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm; được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh. Việc xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả phải xem xét tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm và sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng mà không phải bản thân ý tưởng.
Từ thực tế những vụ việc xâm phạm quyền tác giả, theo ông thì các tác giả/người sáng tạo/chủ sở hữu quyền cần phải làm gì để bảo vệ quyền tác giả của mình?
Theo những quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2010, 2019, 2022) và Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì các tác giả có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trong đó có biện pháp tự bảo vệ như: Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định. Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Hoặc áp dụng các biện pháp dân sự như: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp hành chính, biện pháp hình sự, áp dụng khi các hành vi xâm phạm quyền tác giả và hành vi đó vi phạm quy định pháp luật. Với biện pháp này, tác giả/chủ sở hữu quyền cần yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, việc bảo vệ bản quyền đối với các tác phẩm do mình sáng tạo ra là vô cùng cần thiết, ông có thể cho biết các tác giả/chủ sở hữu quyền có thể đăng ký bản quyền tác giả như thế nào?
Đăng ký bản quyền tác giả cho các tác phẩm mình sáng tác là vô cùng cần thiết, nhất là với các tác phẩm sáng tạo (tranh, ca khúc, vở diễn…) hay các sản phẩm của trí tuệ cũng rất dễ bị sao chép (phần mềm máy tính, bài giảng, giáo trình).
Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung các năm 2010, 2019, 2022), tác giả đăng ký bản quyền tại Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) theo 2 hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả gồm những giấy tờ: Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu). Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả. Văn bản ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải ghi cụ thể thông tin liên hệ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; tên tác phẩm; phạm vi ủy quyền, thời hạn ủy quyền. Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền. Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả. Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả thuộc sở hữu chung… Lưu ý là Tài liệu phải được làm bằng tiếng Việt, trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Sau khi chuẩn bị xong hổ sơ, người đăng ký bản quyền có thể nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả theo các hình thức: Nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả tại Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội hoặc tại Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Số 170 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh; Văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng: Số 58 Phan Chu Trinh, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Hoặc nộp qua đường bưu điện đến Cục Bản quyền tác giả: Số 33 Ngõ 294/2 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội, TP. Hà Nội. Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến http://dichvucong.gov.vn/
Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho người nộp hồ sơ. Trường hợp hồ sơ thiếu, sai sót cần điều chỉnh Cục Bản quyền tác giả sẽ có thông báo tới tổ chức/cá nhân, trong thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo, các tổ chức/cá nhân phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Nếu trong thời hạn quy định mà tổ chức/cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ.