• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tác giả những thước phim vô giá về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc

02/09/2007 07:06

Theo nhà báo Đinh Phong - Nguyên phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nguyên PGĐ Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh: Ông là một người rất đáng kính, một bậc tiền bối từng quay những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày sống ở chiến khu Việt Bắc.

Theo nhà báo Đinh Phong - Nguyên phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - nguyên PGĐ Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh: Ông là một người rất đáng kính, một bậc tiền bối từng quay những thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày sống ở chiến khu Việt Bắc.

Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Người quay phim là Nguyễn Thế Đoàn, người đứng vẽ là họa sĩ Diệp Minh ChâuBác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Người quay phim là Nguyễn Thế Đoàn, người đứng vẽ là họa sĩ Diệp Minh Châu

Nhà quay phim ấy là cụ Nguyễn Thế Đoàn, năm nay đã gần 100 tuổi…

Ghi lại hình ảnh Bác Hồ để về chiếu cho đồng bào miền Nam

Năm nay cụ Nguyễn Thế Đoàn bước sang tuổi 97, hiện đang sống trong căn nhà nhỏ trên gác ở góc đường Sương Nguyệt Ánh - Tôn Thất Tùng  (Quận 1-TPHCM).

Sức khỏe của cụ khá tốt nhưng gần đây chân hơi yếu nên đi đứng rất khó khăn. Chị Thu Lan, con gái cụ đỡ cụ đi trên xe vịn tay cho biết:

“Nhờ ăn chay trường nên sức khỏe ba tôi tốt, tinh thần còn sáng suốt, minh mẫn. Sáng nào cũng đọc hai tờ báo Nhân Dân và Sài Gòn giải phóng. Nhưng nhà báo nói chuyện chừng 30 phút thôi, để cụ nghỉ…”.

Cụ tên thật là Nguyễn Văn Nghiệp, sinh năm 1911 tại xã Tân Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ được giao nhiệm vụ phụ trách công an và là huyện ủy viên lâm thời Rạch Giá - Kiên Giang và An Biên - An Giang.

Năm 1947, Nguyễn Thế Đoàn (tên mới của cụ) được học lớp huấn luyện chính trị cùng nhiều cán bộ cốt cán như ông Ung Văn Khiêm, Võ Văn Kiệt, Phan Trọng Tuệ…

Học xong, cụ được tổ chức điều về Chắc Băng mở lớp dạy nhiếp ảnh cho bộ đội và các tỉnh  trong quân khu 9.

Cũng thời điểm này, tên tuổi Nguyễn Thế Đoàn, Mai Lộc, Khương Mễ, Lê Minh Hiền, Tô Cương, Nguyễn Hiền, Nguyễn Phụ Cẩn, Vũ Sơn được ghi nhận là những nhà quay phim đầu tiên của điện ảnh Nam bộ và điện ảnh cách mạng Việt Nam. 

Năm 1951, Trung ương Đảng tổ chức Đại hội Đảng lần II tại chiến khu Việt Bắc, Quân khu 9 quyết định cử nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn cùng họa sĩ Lê Minh Hiền ra Việt Bắc ghi lại hình ảnh Bác Hồ mang về miền Nam chiếu cho đồng bào chiến sĩ xem để thỏa lòng mong đợi.

Nguyễn Thế Đoàn cùng đi trong đoàn khoảng 20 người, trong đó có đồng chí Võ Văn Kiệt, Ung Văn Khiêm, Phan Trọng Tuệ, họa sĩ Diệp Minh Châu và một số cán bộ miền Nam.

Đoàn phải đi bộ ngược qua Campuchia, sang Thái Lan rồi từ đó chia thành hai nhóm đi tàu biển sang Hồng Kông và Hải Nam - Trung Quốc rồi vòng về chiến khu Việt Bắc tham dự đại hội.

Ban tổ chức đã giao Nguyễn Thế Đoàn một máy quay phim hiệu Bell Hoovell và 50 cuộn phim Kodak để ghi hình.

Những thước phim vô giá

Đại hội Đảng lần thứ II khai mạc ngày 11/2/1951 tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Phải đến ngày thứ ba của Đại hội nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn mới có máy quay nên chỉ quay được từ phiên bế mạc của Đại hội.

Sau đó cụ quay tiếp Đại hội Mặt trận Liên Việt và bắt đầu quay phim về cảnh sinh hoạt đời sống của Bác Hồ ở chiến khu. Các đồng chí lãnh đạo phân công: Nguyễn Thế Đoàn quay phim, Đinh Đăng Định chụp ảnh, Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ.

Cụ nhớ như in lần đầu tiên được đưa đến nhà Bác ở: “Nhà Bác nhỏ như cái chòi đuổi chim ở đồng bằng sông Cửu Long, khi chưa đến tui cứ tưởng nhà Bác ở lớn lắm.

Chừng đến rồi chúng tôi nhìn cái nhà mà nước mắt muốn trào ra. Trước đây, Bác nằm trên gác nhà sàn. Các anh bảo vệ kể lại: Đêm đến có cọp vào, nên Trung ương mới cho làm hàng rào bảo vệ bằng tre đan chéo cao khoảng 2 mét. 

Có lần Bác ngủ, một con rắn to khoanh tròn nằm bên. Bác thức giấc nhìn thấy không đuổi mà bỏ đi qua chỗ khác ngủ. Bác nói với anh em bảo vệ: “Rắn cũng như người, cũng thèm hơi ấm đó mà”. 

Buổi sáng Bác dậy sớm tập thể dục, Bác đi đường Thái cực quyền và dạy chúng tôi các thế võ.

Bác bảo anh Lê Minh Hiền làm mẫu đóng vai đối phương tấn công. Bác gạt anh Hiền ngã lăn quay mấy lần. Tôi đã quay được những thước phim vô giá này”.

Chuyện kể một lần, Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền, Đinh Đăng Định, Diệp Minh Châu  áy náy khi thấy Bác ăn mặc quần áo màu chàm giản dị quá, sợ khi mang về miền Nam chiếu lên đồng bào cảm thương, xúc động hoặc chê trách người quay phim không biết chọn cảnh…

Khó khăn lắm các anh mới rụt rè đề nghị Bác mặc bộ ka ki đại cán để quay hình cho đẹp. 

Ai ngờ Bác nói: “Bác như thế nào các chú cứ thế mà quay”. Lâu lâu anh em lại xin Bác mặc bộ đại cán, thấy anh em năn nỉ mãi, Bác cũng có đôi lần đồng ý.

Một lần anh em trong tổ làm phim xin phép Bác quay thêm một số cảnh về đời sống hàng ngày của Bác, Bác vui vẻ nói: “Thôi, đời sống của Bác lúc này không quan trọng bằng đời sống của nhân dân”.

Tổ làm phim của Nguyễn Thế Đoàn theo Bác rất nhiều ngày, quay được nhiều cảnh sinh hoạt, làm việc, công tác của Bác như: Bác đánh máy chữ, Bác vác cuốc ra vườn trồng rau;…

Nguyễn Thế Đoàn rơi nước mắt khi thu vào ống kính hình ảnh vị lãnh tụ dân tộc lội suối, tự tay giặt quần áo, rồi phơi trên cây que  để che nắng trên đường về. Bác giải thích với các đồng chí cán bộ đi cùng: “Như thế để quần áo chóng khô thôi, cháu ạ”.

Những thước phim vô giá về hình ảnh Bác băng rừng, cưỡi ngựa, kiểm tra kho vũ khí, thăm dân công, giảng bài,…đã được Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền ghi lại, sau đó mang sang Trung Quốc để tráng phim tổng cộng 50 cuộn.

Khi xem những thước phim này, Bác tỏ ý hài lòng và khen: “Cháu quay rất thật, Bác vừa ý lắm”. Ngày đoàn cán bộ miền Nam trở về Nam bộ, Bác ân cần dặn dò nhiều điều và tặng cho Nguyễn Thế Đoàn bức ảnh chân dung có chữ ký của Bác.

Lúc chia tay, Nguyễn Thế Đoàn xin phép được hôn Bác từ biệt để bày tỏ lòng kính yêu, kính trọng nhất với vị lãnh tụ. 

Bác xúc động bảo: “Nụ hôn này Bác không chỉ dành riêng cho cháu mà còn dành cho chiến sĩ đồng bào miền Nam đang anh dũng đấu tranh với kẻ thù”.

Kể đến việc này, dù đã 56 năm trôi qua, nhưng mắt cụ Đoàn cũng long lanh nước vì xúc động. Cụ ngồi lặng im khá lâu.

Kết thúc những ngày không thể nào quên bên cạnh Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc, Nguyễn Thế Đoàn và Lê Minh Hiền lội bộ ròng rã 18 tháng trời để mang phim về với đồng bào Nam bộ đang mong chờ nhìn thấy Bác từng ngày.

Lần đầu tiên đồng bào, chiến sĩ Nam bộ được thấy hình ảnh Bác Hồ kính yêu - Vị cha già dân tộc giản dị, gần gũi mà vô cùng thiêng liêng.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nguyễn Thế Đoàn tham gia Ủy ban liên hợp đình chiến và tập kết ra Bắc, làm việc tại Hà Nội.

Vốn làm nghề nhiếp ảnh, tại bến Sông Đốc - Cà Mau, cụ còn chụp được một số bức ảnh chia tay ngày tập kết. Đây là một trong những bức ảnh hiếm hoi của thời kỳ lịch sử này.

Sau này cụ được cử đi học về  phim ảnh ở Đông Đức, Tiệp Khắc. Đất nước thống nhất, cụ về sinh sống tại TP Hồ Chí Minh với hai cô con gái.

"Tôi đã có phần thưởng lớn nhất, quý nhất đời..."

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, điện ảnh Việt Nam cho ra đời cuộn phim “Hồ Chí Minh - Chân dung một con người” của đạo diễn - NSND Bùi Đình Hạc.

Bộ phim đã thật sự gây xúc động mạnh với các thế hệ người Việt Nam và bạn  bè quốc tế. Trong phim, hầu hết tư liệu về Bác ở chiến khu Việt Bắc là của nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn.

Lần theo dấu lịch sử điện ảnh Việt Nam, chúng tôi gặp những dòng như: “Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hoạt động điện ảnh được tổ chức đầu tiên tại các chiến khu Nam bộ.

Năm 1947, điện ảnh khu 8 bắt đầu hoạt động, tiếp đến là “tổ xi-nê quân khu 9”, điện ảnh khu 7 cũng được thành lập.

Các nhà  điện ảnh đầu tiên như Mai Lộc, Khương Mễ, Nguyễn Thế Đoàn…phải lặn lội lên Sài Gòn mua máy móc, phim nhựa, hóa chất tổ chức quay phim ngay tại các chiến trường và trong chiến khu.

Dùng guồng tự tạo in tráng phim trong buồng tối đặt trên các ghe xuồng lưu động, dưới hầm sâu hoặc trong những cái lu to”.

Những điều này đã được ông Đặng Ngọc Trác (tức Võ Quang Anh) - Nguyên Bí thư Khu ủy Quân khu 9 và Phó Tư lệnh BTL lực lượng khu miền Tây xác nhận.

Rất tiếc cho đến nay nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn vẫn chưa nhận được phần thưởng nào thật sự xứng đáng với những đóng góp của cụ, đặc biệt là việc quay những thước phim tư liệu vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở chiến khu Việt Bắc được rất nhiều người, trong đó có các NSƯT, NSND, lấy làm tư liệu.

Năm 1998, nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn  87 tuổi, mới được Hội điện ảnh Việt Nam kết nạp vào Hội.

Chuyện này khiến nhiều người ngỡ ngàng vì ông được coi là một trong những người khai sinh ra  điện ảnh Quân khu 9 và là một trong rất ít ỏi những bậc tiền bối của điện ảnh Nam bộ đang còn sống.

Chưa kể, ông lại là tác giả  những thước phim tài liệu vô giá về Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.

Phần thưởng duy nhất của cụ Nguyễn Thế Đoàn là tấm bằng khen của Bộ Tư lệnh quân khu 9. Nhắc đến công lao, cụ chỉ cười: “Tôi không biết. Ngày ấy tại Việt Bắc chỉ có tôi quay phim, ông Đinh Đăng Định chụp ảnh.

Ai đó được thưởng cũng là tốt. Phần tôi, tôi có phần thưởng lớn nhất, quý nhất đời: Đó là hai tháng sống bên Bác Hồ và được quay phim về Bác. Chính Bác dạy chúng tôi: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của mọi người…”.

(Theo TPO)

NỔI BẬT TRANG CHỦ