(Tổ Quốc) - Cuốn sách là tiểu thuyết mới nhất của tác giả trẻ Lê Hữu Nam khắc họa câu chuyện tình yêu khởi đầu qua thư tín giữa nhà văn Đỗ An và Jane, cô gái người Mỹ gốc Việt, được gia đình người bác dẫn sang kia bờ đại dương vào đầu thập niên 90 khi cô 16 tuổi.
Trong "Vì ta còn chờ nhau", An, Jane, và chồng của Jane là Taylor Phạm... đâu đó hiện diện sự đan xen tình cảm tưởng chừng "cả ba đều tỏ đều tường", song cách dàn trải nội dung và thời điểm bố cục những mảnh ghép ký ức hò hẹn giữa An và Jane vô cùng khéo léo đã khiến người đọc bị cuốn hút vào không gian Paris lãng mạn của những cuộc gặp giữa An và Jane, hay đôi lần bất chợt café giữa Sài Gòn.
Và còn có sự xuất hiện thi thoảng của Yến, nữ bác sỹ tận tình chăm sóc cho An vì anh là một bệnh nhân viêm phổi thuộc dạng ca khó.
Câu chuyện của An và Jane được tác giả dẫn dắt người đọc từ khung cảnh chàng trai Việt Nam đến Paris để lần đầu gặp gỡ cô gái, mà sợi dây tình cảm giữa họ tưởng chừng đã có lúc đứt đoạn bởi một vết thương nhỏ ngày nào len lỏi vào mối quan hệ.
Nguồn gốc của tổn thương này không phải do An hay Jane gây ra, mà do số phận đã diễn ra như thế, bất ngờ khiến cả hai bất lực và rơi vào mâu thuẫn cùng lúc.
Bìa sách
"Nhưng giờ đây, như mọi việc đã hiển nhiên, tại Paris xa xôi trong một ngày mùa đông khắc nghiệt, anh lòng khấp khởi khi ngồi chờ nàng sau bấy nhiêu năm đứt đoạn liên lạc", tác giả đã viết cho nhân vật An như thế.
Dù khoảng cách vật lý được xóa bỏ, nhưng An vẫn chưa thoát khỏi cảm giác bỡ ngỡ, vì trước mặt anh lúc bấy giờ không còn là khoảng không hình dung, mà là gương mặt nhiều sắc thái cùng giọng nói rõ đến từng ngữ điệu của Jane, Jane đã hiện diện sống động chứ không còn là những đường nét tĩnh lặng, mơ hồ như trong những bức ảnh.
Còn với Yến, chàng bệnh nhân An gần như dồn nén lòng mình với hàng loạt cung bậc cảm xúc.
...An cũng chẳng có điều gì lấn cấn muốn hỏi Yến, chỉ là anh muốn nghe giọng cô, muốn được ngồi với cô như cần một hơi ấm trước khi anh bước qua ranh giới duy nhất của kiếp người, một ranh giới trước sau gì cũng bị phá vỡ... Thay vì đợi quy luật diễn ra, An là người chủ động bước đến nó".
Một cơn gió thoảng qua khiến Yến bất chợt muốn ôm anh, nhưng anh đã né tránh, dù anh muốn ôm cô hơn bao giờ hết.... nhưng các vì sao đêm nay cũng đã quay lưng với anh".
Ở phần kết của tác phẩm, An đã mãi rời xa Jane, Yến... và bè bạn, nhưng đâu đó, trên tấm bia mộ không di ảnh, không ngày biệt ly ấy, ai đó đã trích khắc lại 1 dòng trong bản thảo còn dang dở của An, đó là "cảm ơn anh vì đã luôn đợi chờ em".
Nơi An nằm xuống là vùng đất của muôn hoa khoe sắc, của những đồi thông, của thung lũng tình yêu, và Đà Lạt cũng chính là nơi Jane sinh ra, nơi mà cô luôn mong mỏi tìm đến, về với cội nguồn, với khát khao yêu thương….
Ngày Jane quay lại Việt Nam, miền đất Đà Lạt đong đầy yêu thương của Jane lẫn An, sau thời gian điều trị chứng bệnh tưởng chừng vĩnh viễn lấy đi ký ức và mạng sống của cô.... nắng khẽ xuyên qua vòm lá, đong đầy yêu thương.
"Lần theo những lối mòn trên đồi thông xanh lá, lòng nàng bồi hồi trước giây phút gặp lại anh, người luôn nhẫn nại chờ đợi ngày nàng trở về, để được ngồi lại đây đó nói cười cùng nhau."
Cuốn sách có thể là một phần câu chuyện cuộc đời của tác giả Lê Hữu Nam (sn 1986), sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, hiện sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
Cây bút trẻ Lê Hữu Nam từng tạo ấn tượng tốt với độc giả qua các tác phẩm như: Con đến như một phép màu (2014), Mật ngữ rừng xanh (2015), Xứ mộng hồn hoa (2016), Những gam màu hồi sinh (2016), Cuộc phiêu lưu kỳ thú của Ếch Xanh (2016), và Vì chưa bao giờ kết thúc (2016).
Sách do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM xuất bản, hiện có tại Cửa hàng sách Văn hóa Văn nghệ (88-90 Ký Con, Quận 1, TP.HCM), và Đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình, Quận 1).