• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tác giả “Tre Việt Nam” đã “Về làng“

Văn hoá 13/02/2017 08:00

(Tổ Quốc) - Nhà thơ Nguyễn Duy, tác giả bài thơ Tre Việt Nam, bài thơ được đăng trong SGK Tiếng Việt lớp 4, đã có mặt tại quê hương của ông: làng Quảng Xá, Đông Vệ, Thanh Hoá để cùng người dân nơi đây khánh thành bia đá khắc bài thơ nổi tiếng của mình.

Nhà thơ Nguyễn Duy trong lễ khánh thành tấm bia khắc bài thơ "Tre Việt Nam" do ông sáng tác

 

Tấm bia đá khắc bài thơ Tre Việt Nam được đặt trong khuôn viên của trụ sở UBND phường Đông Vệ có khắc đầy đủ nội dung bài thơ Tre Việt Nam do chính nhà thơ thủ bút và chữ ký của ông. Đây là việc làm thể hiện sự tri ân của tác giả đối với quê hương xứ Thanh và ngược lại, là sự ghi nhận của người dân quê hương dành cho nhà thơ Nguyễn Duy nhân dịp ông tròn 70 tuổi.

Cũng trong ngày, tại Đình làng Quảng Xá đã tổ chức Đêm thơ Nguyễn Duy “Về làng” gặp gỡ, giao lưu và nghe nhà thơ Nguyễn Duy đọc thơ, những bài thơ thắm đượm tình yêu quê hương, làng xóm của một nhà thơ, dù đi xa, nhưng tâm hồn vẫn luôn đau đáu nghĩ về quê hương yêu dấu; và nghe các tác phẩm thơ của nhà thơ Nguyễn Duy được biểu diễn dưới dạng hát xẩm, ca trù.

Tới dự sự kiện này có rất nhiều người yêu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy cùng dân làng Quảng Xá, Đông Vệ và các bạn của nhà thơ Nguyễn Duy cùng về chung vui trong dịp này như nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, nhà phê bình văn học Văn Giá, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Văn Đắc...

Trong những ngày đầu xuân mới, việc làm ý nghĩa của Thanh Hóa như làm cho bức tranh xuân của đất nước thêm phần tươi thắm, và góp phần khẳng định một vị trí không thể thiếu của thi ca trong dòng chảy văn hoá Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Duy:



Tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948 tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa. Năm 1965, từng làm tiểu đội trưởng tiểu đội dân quân trực chiến tại khu vực cầu Hàm Rồng, một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam. Năm 1966 ông nhập ngũ, trở thành lính đường dây của bộ đội thông tin, tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường Đường 9- Khe Sanh, Đường 9- Nam Lào, chiến trường miền Nam, biên giới phía Bắc (năm 1979). Sau đó ông về làm việc tại tuần báo Văn nghệ- Hội Nhà văn Việt Nam và là Trưởng Đại diện phía Nam của báo này.



Nguyễn Duy làm thơ rất sớm. Năm 1973, ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ với chùm thơ: Hơi ấm ổ rơmBầu trời vuôngTre Việt Nam trong tập Cát trắng. Ngoài thơ, ông cũng viết tiểu thuyết, bút ký. Ông có nhiều sáng tạo về thơ khi in thơ trên các chất liệu tranh, tre, nứa, lá... Từ năm 2001, ông in nhiều thơ trên giấy dó. Năm 2005, nhà thơ cho ra mắt tập Thơ Thiền in trên giấy dó (gồm 30 bài thơ thiền thời Lý, Trần do ông chọn lọc) khổ 81x111 cm có nguyên bản tiếng Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Việt, dịch nghĩa và dịch thơ tiếng Anh với ảnh nền và ảnh minh họa của ông.



Thơ Nguyễn Duy mang đậm sự trầm tĩnh và giàu chiêm nghiệm nên dễ đi vào lòng người đọc và trong cái đà ấy có lúc khiến người ta phải giật mình suy nghĩ, nhiều bài thơ của ông được bạn đọc yêu thích: Tre Việt Nam, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Đò Lèn, Sông Thao... Ông được đánh giá cao trong thể thơ lục bát, một thể thơ có cảm giác dễ viết nhưng viết được hay thì lại rất khó. Thơ lục bát của Nguyễn Duy được viết theo phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ. Nguyễn Duy được giới phê bình đánh giá là người đã góp phần làm mới thể thơ truyền thống này. Bài thơ Tre Việt Nam của ông đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.



Nhà thơ Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007

V.Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ