(Tổ Quốc) - Kết quả kiểm phiếu vừa công bố, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam với tỷ lệ 98,18% đại biểu tán thành
Với 485/489 phiếu đồng ý (đạt tỷ lệ 98,18%), ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ.
“Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cả nước, tôi, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nghĩa vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ tuyên thệ |
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đất nước ta đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức. Việt Nam cần phát huy nội lực và tranh thủ nguồn lực vì lợi ích quốc gia dân tộc để phát triển nhanh và bền vững xây dựng đất nước giàu mạnh có vị trí trên trường quốc tế. Hiên nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số, nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133”.
“Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Nhận định Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 phải đối mặt với nhiều khó khăn như nợ công cao, áp lực lớn, xử lý nợ xấu chưa thực chất, dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất nặng nề, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chính phủ phải nỗ lực tinh giản bộ máy hành chính nhà nước các cấp, đi đầu trong tiết kiệm công quỹ, sử dụng tài sản công, xe công đi công tác nước ngoài.
“Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, sử dụng minh bạch, hiệu quả vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội”, vị Thủ tướng vừa tái đắc cử khẳng định.
Đề cập đến sự kiện Formosa đang được dư luận xã hội rất quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “đây là bài học sâu sắc về chính sách tiếp nhận và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài”.
Người đứng đầu Chính phủ cam kết “không để tái diễn, đồng thời phải rà soát lại những dự án lớn, kiểm soát chặt chẽ các cam kết về môi trường, về chuyển giao công nghệ”.
“Cũng do chính sách tiếp nhận đầu tư nước ngoài chưa tốt và tình trạng các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có nhiều bất cập nên khu vực đầu tư nước ngoài phát triển mạnh trong khi khu vực trong nước còn yếu. Thời gian tới, chúng ta phải cải thiện tình trạng này; tăng cường hợp tác liên kết hai khu vực trong một nền kinh tế quốc dân thống nhất. Phải tạo môi trường đầu tưkinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa làm sao cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và cả quốc tế”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
|
Trước đó, đầu giờ chiều nay 26/7 Quốc hội nghe Uỷ viên UBTV Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ.
Chủ tịch nước báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử.
Tỷ lệ đại biểu thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ |
Kết quả, có 476 ĐBQH tham gia biểu quyết (96.36%) thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, số ĐBQH tán thành là 476 (96.36%).
Ngay sau đó, Quốc hội tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Tóm tắt tiểu sử của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954 tại Quảng Nam. Ông là cử nhân Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII; Đại biểu Quốc hội khóa XI, XIII. Từ năm 1993 – 1996, ông Phúc đảm nhận trọng trách Giám đốc Sở Du lịch, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, Tỉnh ủy viên khóa 15, 16 tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Học quản lý kinh tế tại Đại học Quốc gia Singapore. Từ năm 1997 – 2001, ông Phúc là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa 17, 18; Phó Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam. Từ năm 2001 – 2004, ông Phúc là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội khóa XI. Từ 8/2007 đến nay, ông Phúc là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, ông Phúc được Quốc hội phê chuẩn làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Ngày 7/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII, được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 26/7, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. |
(Tiếp tục cập nhật)
Quỳnh Anh - Nam Nguyễn