• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tái hiện Lễ hội A Da truyền thống của đồng bào Tà Ôi

Văn hoá 12/02/2019 21:51

(Tổ Quốc) - Sáng 12/2/2019, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Tà Ôi đến từ tỉnh Thừa Thiên Huế đã tái hiện Lễ hội A Da truyền thống của dân tộc mình.

Tái hiện Lễ hội A Da truyền thống của đồng bào Tà Ôi - Ảnh 1.

Mâm cúng lễ A Da.

A Da thường được tổ chức sau khi thu hoạch xong lúa nương (tháng 12 dương lịch). Lễ thường được tổ chức trong vòng 1 ngày. Trước khi diễn ra lễ hội, đồng bào phải chuẩn bị trước một tháng. Già làng sẽ quy định số lượng lễ vật cúng cho từng hộ gia đình. Mâm cúng thường có các lễ vật: Cơm lam nướng ống, chuột rừng nướng ống, cá suối nướng ống, gà, trứng gà, lợn, bánh giã nếp, A Quát, rượu cần, rượu đoác…

Đầu tiên đồng bào tổ chức Nghi lễ I choan (để sửa sang nhà cũ, xua đuổi những điều xấu). Đây là một nghi lễ rất quan trọng không thể thiếu được trong các lễ hội lớn nhỏ của người Tà Ôi. Nghi lễ này như một dòng nước linh nghiệm để rửa sạch mọi tội lỗi nhơ bẩn do con cháu gây nên, cho bản làng được trong sạch, cho các vị giàng vui lòng xuống dự hội.

Tái hiện Lễ hội A Da truyền thống của đồng bào Tà Ôi - Ảnh 2.

A Da thường được tổ chức sau khi thu hoạch xong lúa nương.

Tiếp đến là Nghi lễ A Da Luột: Báo trước cho Giàng khi vào mùa thu hoạch, được tổ chức khi chưa gặt lúa trên nương. Lễ vật cúng: 1 con gà và thịt nướng ống.

Nghi lễ chuẩn bị lễ vật: Đây là nghi lễ báo cho các vị giàng biết là con cháu trong làng sẽ lên rừng, xuống suối tìm kiếm các lễ vật cho lễ hội A Da, mong các vị giàng phù hộ cho con cháu sức khỏe, gặp điều may mắn trong suốt thời gian 1 tháng chuẩn bị.

Nghi thức cúng A Da: Người dân trong làng lấy đủ các loại giống như ngô, lúa, chuối sắn… để xin tổ tiên và các vị thần núi, thần rừng, thần đất, thần trời, thần sông, thần suối, xin cho những cây giống trên sang năm được mùa màng tốt tươi và bội thu hơn năm cũ.

Cuối cùng là Nghi lễ cúng cho những người đã khuất: Phù hộ cho con cháu trong làng có sức khỏe, người dân ấm no, mùa màng tốt tươi, cuộc sống giàu sang, sung túc và hạnh phúc…

Già làng sẽ là người đại diện cho các dòng họ trong bản tiến hành nghi lễ cúng Giàng và sau đó là phần hội, bà con ăn uống chúc tụng nhau, họ nhảy múa ca hát mừng mùa màng bội thu. Những tiếng khèn, tiếng trống chiêng hòa cùng những điệu nhảy vui tươi, những tiếng vỗ tay reo hò và những nụ cười rạng rỡ trên môi của đồng bào Tà Ôi trên đỉnh Trường Sơn.

Tái hiện Lễ hội A Da truyền thống của đồng bào Tà Ôi - Ảnh 3.

Sau phần lễ là phần hội diễn ra với những điệu nhảy vui tươi.

Việc tái hiện Lễ cúng cơm mới nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị và nét đẹp văn hóa truyền thống, khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc Tà Ôi. Đồng thời, góp phần thu hút, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc Tà Ôi đến du khách tham quan tại "Ngôi nhà chung", Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ