(Tổ Quốc) - Chiều 17/5, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề về “Tình hình triển khai Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành”.
Ông Nguyễn Tân Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản trả lời báo chí. Ảnh: Phùng Nguyên |
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 21/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Luật gồm 10 chương, 134 điều quy định về việc quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. trong đó có 5 Chương quy định về các vấn đề chung, 5 Chương quy định chế độ quản lý, sử dụng đối với từng loại tài sản công.
Tại buổi họp báo, đại diện Bộ tài chính đã giới thiệu 11 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và 03 Thông tư hướng dẫn.
Trả lời câu hỏi về việc dư luận vừa qua xôn xao chuyện doanh nghiệp biếu, tặng tài sản có giá trị lớn cho các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là ô tô. Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản Nguyễn Tân Thịnh đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, trong đó lưu ý không tiếp nhận tài sản của doanh nghiệp có giá trị lớn, đặc biệt là ô tô.
Với những câu hỏi của phóng viên về quy định bán đấu giá tài sản công, ông Nguyễn Tân Thịnh cho hay: “Trước đây đối với tài sản công ở cơ quan sự nghiệp nếu giá trị đánh giá lại từ 50 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện đấu giá. Trong đó với nhà đất và xe ô tô thì không phân biệt là bao nhiêu cũng phải bán đấu giá. Trước đây theo quy định, trong trường hợp thanh lý tài sản, những tài sản như nhà, ô tô… mà có giá trị còn lại bằng 0 sau khi được đánh giá lại có giá trị dưới 50 triệu đồng thì được phép chỉ định. Nhưng hiện nay, theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP thì tài sản đánh giá lại có giá trị dưới 10 triệu đồng mới được phép bán chỉ định”.