• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao đồ ăn, thức uống tại sân bay có giá “cắt cổ”?

Kinh tế 19/10/2017 08:36

(Tổ Quốc) - Câu chuyện về bát mỳ tôm tại các sân bay được bán với giá cao ngất ngưởng từng được đưa ra tranh luận tại Thường vụ Quốc hội 3 năm trước.

Mặc dù năm 2014, Cảng vụ Hàng không miền Nam yêu cầu chậm nhất đến 16h ngày 17/7, các đơn vị kinh doanh mặt hàng phi hàng không phải giảm giá ngay 5 món thực phẩm thông dụng là nước uống, phở, cơm, bún, mì tôm… nhưng đến nay, giá của các món thực phẩm này cùng nhiều sản phẩm hàng hoá khác bán tại các cảng hàng không của Việt Nam vẫn có giá rất “trên trời”.

Hạt sen sấy Vinamit loại 250g có giá 9 đô la Mỹ  (Ảnh: Hà Giang)

Dù đã được yêu cầu giảm giá, nhưng tại sân bay Nội Bài, giá một bát phở bò hiện vẫn có giá 6 đô la Mỹ (tương đương 130 nghìn đồng), phở gà có giá 5 đô la Mỹ (tương đương 110 nghìn đồng), mì tôm “không người lái” có giá 25 nghìn đồng, bánh mì trứng 70 nghìn đồng, bánh mì kẹp xúc xích 70 -75 nghìn đồng…

Các mặt hàng khác như bánh kẹo, đồ lưu niệm… cũng có giá “cắt cổ”. Ví như, hạt sen sấy Vinamit loại 250g có giá 9 đô la Mỹ (tương đương 200 nghìn đồng, đắt gấp 2 lần giá thị trường), chuối sấy Vinamit loại 250g có giá 5 đô la Mỹ (tương đương 110 nghìn đồng, đắt gần gấp 3 lần giá thị trường), bánh Leibniz của Đức loại 100g có giá 50 nghìn đồng, đắt gấp đôi giá thị trường, một chiếc cặp tóc “càng cua” giản đơn cũng có giá 120 nghìn đồng…

Tương tự, tại sân bay Tân Sơn Nhất, giá một chai nước Aquafina loại 500ml có giá 18 nghìn đồng…

Chị Phương Anh là người thường xuyên di chuyển bằng máy bay do tính chất công việc. Mỗi lần như vậy chị thường ghé vào cửa hàng ăn nào đó tại sân bay để vừa ăn vừa tranh thủ làm việc bằng máy tính.

“Tuy nhiên, giá cả tại sân bay đắt đỏ quá. Giá một bát phở đã không ngon còn đắt gấp vài lần ở ngoài. Nếu uống thêm ly cà phê nữa thì phải mất hơn 200 nghìn đồng. Nhiều khi vì công việc phải đi lại nhiều thì tôi đành phải chịu chứ những người thu nhập bình thường ai dám ăn”, chị Phương Anh cho hay.

Việc các cửa hàng ăn uống tại các cảng hàng không Việt Nam niêm yết giá bán “cắt cổ”, trong khi chất lượng sản phẩm và dịch vụ lại không tương xứng không phải là vấn đề mới.

Trước đó, ngày 15/7/2014, Báo cáo một số vấn đề lớn trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không Dân dụng Việt Nam trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý từng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới giá dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay bị nâng rất cao, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong đó, nguyên nhân cơ bản là giá thuê mặt bằng cao, doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền.  

Ông Đinh La Thăng, khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông đã dẫn chứng, nếu theo Luật Giá thì không xử lý được tình trạng giá một bát mỳ tôm tại các sân bay bị đội lên ngất ngưởng khiến dư luận bức xúc vừa qua.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ, để tránh trường hợp như người dân phản ánh bát phở có giá hàng trăm nghìn đồng thì không nên giao hẳn cho doanh nghiệp, mà Bộ Giao thông phải xây dựng khung giá dịch vụ phi hàng không tại sân bay, trên cơ sở đó giao doanh nghiệp quy định giá chứ giao hẳn cho doanh nghiệp thì không nên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (khi đó là Phó Chủ tịch Quốc hội) tại phiên họp cũng nêu ý kiến rằng, khi giá cao thì quản lý nhà nước phải xem lại, như có phải do phí thuê mặt bằng tại cảng có phù hợp không, hay cao quá khiến doanh nghiệp phải đẩy giá bán mới chịu nổi.

Ngay sau đó , Cảng vụ Hàng không miền Nam yêu cầu chậm nhất đến 16h ngày 17/7, các đơn vị kinh doanh mặt hàng phi hàng không phải giảm giá ngay 5 món thực phẩm thông dụng là nước uống, phở, cơm, bún, mì tôm. 

Các cửa hàng tại sân bay Nội Bài vắng khách vì giá "cắt cổ".  (Ảnh: Hà Giang)

Với kết quả này, lần đầu tiên Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài áp giá trần dành cho một số mặt hàng hóa dịch vụ thông dụng tại 3 khu vực: công cộng, khu cách ly nội địa và cách ly quốc tế. Giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu công cộng không được quá 15.000 đồng. Trước đây, tại khu vực này, có những đơn vị niêm yết giá 18.000 đồng một chai. Cùng sản phẩm tương tự, giá tại khu cách ly nội địa không được quá 20.000 đồng. Ở khu cách ly quốc tế, chai nước trên không được bán đắt hơn 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác (giá cả chưa bao gồm phí phục vụ). 

Mỳ, phở, miến, bánh mỳ kẹp cũng vào diện áp dụng mức giá trần. Nếu các món ăn trên không bổ sung thêm thực phẩm, giá không được quá 20.000 đồng mỗi bát hoặc mỗi cái. Còn nếu bổ sung thêm thịt gà, xúc xích... giá không quá 50.000 đồng, trừ trường hợp bổ sung thêm thực phẩm cao cấp hoặc hàng nhập khẩu theo yêu cầu. Riêng tại khu cách ly quốc tế, giá trần cho một bát mỳ, phở... ăn liền không bổ sung thêm thực phẩm là 3 USD. 

Sau yêu cầu của Cảng Nội Bài về việc rà soát lại giá ngày 28/6, một số doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu. Ví dụ, Công ty Trang Hiền giảm giá bia Hà Nội và vài loại bánh kẹo thông dụng; Công ty Phương Thảo hạ giá với một số mặt hàng lưu niệm; Công ty CP Đầu tư TM Nội Bài điều chỉnh giá trái cây sấy khô, bánh kẹo; Công ty CP Dịch vụ Hàng không Thăng Long giảm giá nhiều mặt hàng từ nước ngọt đến mỳ phở...

Điều đáng nói là sau 3 năm, đến nay giá cả đồ ăn, thức uống, bánh kẹo… tại các cảng hàng không của Việt Nam vẫn rất “cắt cổ”. Có vẻ như “bài toán” giảm giá vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Được biết, nhiều cửa hàng ăn đã “lách luật” bằng cách đưa ra các loại hình hàng hóa gắn mác “đặc biệt” như “phở đặc biệt”, “mì đặc biệt”. Nghĩa là cửa hàng sẽ bổ sung thêm một vài loại thịt nào đó hoặc trứng gà… để lấy cớ “chém” khách hàng bằng mức giá cao ngất ngưởng./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ