• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Tại sao đơn giá khoán xe công cao hơn giá taxi?”

Kinh tế 08/03/2017 21:13

(Tổ Quốc) - Đây là câu hỏi của phóng viên đưa ra tại buổi họp báo chuyên đề chiều ngày 8/3 của Bộ Tài chính về chính sách xe công tại tờ trình dự thảo Quyết định bổ sung, thay thế một số quy định tại Quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo tờ trình, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hai phương án về nguyên tắc xác định mức khoán kinh phí: Một là, thực hiện khoán kinh phí với mức 6.500.000 đồng/tháng; Mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%.

Ông Trần Đức Thắng: "Giá khoán xe công 16.000 đồng/km là theo tiêu chuẩn xe". Ảnh: Hà Giang

Hai là, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác.

Theo phương án hai, đơn giá khoán thực hiện theo hai lựa chọn: Một là, đơn giá khoán là 16.000 đồng/km; được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Hai là, đơn giá khoán được xác định trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương.

Trước thắc mắc của phóng viên về “đơn giá khoán xe công 16.000 đồng/km, cao hơn giá taxi”, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: “Giá khoán xe công 16.000 đồng/km cao hơn taxi là đúng. Hiện nay, giá taxi thấp chỉ 7.000 – 8.000 đồng/km, cao thì 12.000 đồng/km. Ở đây tính 16.000đồng/km là theo tiêu chuẩn xe. Xe giá trị 1,1 tỷ đồng, 920 triệu đồng, 720 triệu đồng thì dự tính đưa ra phương án là 16.000 đồng/km. 16.000 đồng/km nhìn vào thì tưởng thoáng, nhưng tổng bài toán, như tôi đã nói là với tổng mức khoán 320 triệu đồng/năm thì ta chỉ mất một nửa. Như vậy cả Nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi”.

Theo ông Thắng, mức khoán đưa ra cần phù hợp với đối tượng. Và khi đã đưa vào Quyết định thì sức sống của Quyết định đó phải có thời gian.

"Nếu ta quy định giá mức khoán là 12.000 đồng/km thì nếu sang năm giá xăng, dầu tăng thì lại phải sửa Nghị định. Tất nhiên điều này còn phải tiếp tục nghiên cứu xem chốt phương án nào”, ông Thắng nói thêm.

Về mức khoán kinh phí 6.500.000 đồng/tháng, đại diện Bộ Tài chính cho hay: “Đây là kiểm chứng từ thực tiễn. Bộ Tài chính vừa rồi khoán đồng chí cao thì 10.000 triệu đồng/tháng, thấp thì hơn 2-3 triệu đồng/tháng. Vậy thì trước mắt chúng ta đưa ra con số tính bình quân, cũng có tính nhẩm khoảng cách từ cơ quan đến nhà riêng. Cũng bí mật đi tìm hiểu để đưa ra mức 6.500.000 đồng tương đối phù hợp…”.

Đối với hướng xử lý xe ô tô dôi dư, tờ trình dự thảo của Bộ Tài chính đưa ra ba lựa chọn:

Một là, bán chỉ định cho một số chức danh trong trường hợp chức danh đang sử dụng xe có đề xuất mua lại.

Hai là, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức hoặc thay thế xe cũ.

Ba là, bán đấu giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và pháp luật về đấu giá.

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe theo quy định, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn xác định số lượng xe được trang bị, số lượng xe dôi dư gửi báo cáo về Bộ Tài chính chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Các cơ quan này cũng được yêu cầu hoàn thành việc xử lý xe dôi dư theo quy định và gửi kết quả về Bộ Tài chính chậm nhất 12 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Về phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe, theo dự thảo, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, tập đoàn có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động./.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ