(Tổ Quốc) - CNN đưa tin, HSBC đang đối mặt với những khó khăn khi phải cố gắng làm vừa lòng cả Trung Quốc và phương Tây.
Ngân hàng có trụ sở chính đặt tại London hiện là tâm điểm của những lời chỉ trích từ giới chức phương Tây và các nhà đầu tư, sau khi một quan chức điều hành cấp cao của HSBC tại châu Á tuyên bố ủng hộ cho đạo luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh đang muốn áp dụng đối với Hong Kong.
Trong một thông cáo hôm thứ 3 (9/6), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ trích lập trường của HSBC và cho rằng, thái độ "quỵ lụy" như vậy sẽ không giúp ngân hàng Anh nhận được sự tôn trọng ngay cả từ Bắc Kinh.
Ông Pompeo không phải là chính trị gia duy nhất công kích HSBC sau khi ngân hàng cho đăng tải một bức hình lên mạng xã hội hồi tuần trước. Trong bức ảnh, CEO Peter Wong của HSBC châu Á – Thái Bình Dương đang ký vào một lá đơn thể hiện ủng hộ dành cho đạo luật. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat là một trong số các nhà lập pháp Anh đã bày tỏ sự hoài nghi trước quyết định của HSBC.
Và ngay cả các nhà đầu tư cũng bắt đầu lên tiếng. Trong một thông cáo ngày 10/6, ông David Cumming, người phụ trách đầu tư tại quỹ Aviva Investors – hiện nắm giữ cổ phần của HSBC cho hay, "chúng tôi không thoải mái" khi HSBC và một ngân hàng Anh khác là Standard Chartered ủng hộ đạo luật mà chưa rõ nó sẽ được thực thi trong thực tế ra sao.
"Nếu các công ty đưa ra các tuyên bố chính trị, họ phải chấp nhận các trách nhiệm đi theo đó", ông Cumming nói.
Thậm chí trước khi bức ảnh của CEO Wong được công khai, HSBC đã rơi vào tình huống khó khăn. Cựu Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lương Chấn Anh từng chỉ trích thái độ im lặng của HSBC và yêu cầu ngân hàng phải ủng hộ đạo luật an ninh.
Và giờ đây ngay cả khi HSBC quyết định thể hiện lập trường của mình, dường như nó vẫn chưa hoàn toàn giành được "trái tim" của Bắc Kinh. Cũng trong ngày 9/6, tờ báo Trung Quốc Hoàn Cầu chỉ trích, ngân hàng đang thể hiện "một thái độ nhập nhằng trước đạo luật an ninh Hong Kong". Hoàn Cầu đồng thời đề cập tới một cáo buộc tồn tại từ lâu ở Trung Quốc rằng, HSBC giúp Mỹ trong vụ việc liên quan tới giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Huawei. Hiện đang bị giam giữ tại gia ở Canada để chờ xem có bị dẫn độ sang Mỹ hay không, bà Mạnh phải đối mặt với các tội danh như lừa đảo và vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ dành cho Iran.
Tờ báo còn dẫn lời một số nhà quan sát chỉ ra, HSBC "giờ đây phải đối mặt với một tình huống tiến thoái lưỡng nan thậm chí còn tồi tệ hơn và còn lâu mới thoát khỏi sự trả đũa".
Đáng lưu ý, ngay cả Ngoại trưởng Pompeo cũng cảnh báo, HSBC vẫn đang vấp phải sự lạnh nhạt từ Trung Quốc.
"Hành động phô diễn lòng trung thành dường như không đem lại cho HSBC sự tôn trọng tại Bắc Kinh, nơi vẫn tiếp tục sử dụng hoạt động của ngân hàng tại Trung Quốc như một đòn bẩy chính trị", ông Pompeo nói.
Hôm thứ 4, theo một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mọi người "đều có quyền đưa ra các quyết định độc lập dựa trên lợi ích".
"Với một số người tại Mỹ, có lẽ thế giới chỉ tồn tại hai loại – hoặc là đứng bên cạnh Mỹ và nên công kích Trung Quốc, hoặc họ đã bị Trung Quốc ép buộc", phát ngôn viên Hoa Xuân Anh đáp trả những phát biểu của ngoại trưởng Mỹ. "Những cách nhìn này rất hạn hẹp và lố bịch".
Loạt diễn biến trên đang đẩy HSBC vào thế khó khăn. Ra đời từ hơn 150 năm trước, HSBC hướng tới mục tiêu hoạt động thương mại tài chính giữa châu Á và châu Âu. Năm ngoái, các chi nhánh của HSBC tại Hong Kong và Trung Quốc đã kiếm được số tiền đủ để bù lỗ cho hoạt động của chi nhánh tại Anh cũng như giữ cho công ty sinh lời.
Theo giáo sư Willy Lam từ Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Hong Kong, là một doanh nghiệp Anh, HSBC đối mặt với nguy cơ hứng chịu thêm thiệt hại từ cả Anh và Trung Quốc.
Ông Lam lấy Huawei làm một ví dụ. Gã khổng lồ công nghệ đang cố gắng thuyết phục London để tham gia xây dựng mạng lưới 5G tại Anh. Nếu Huawei bị từ chối, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng cách trừng phạt HSSBC. Từng có tin đồn rằng HSBC là một trong số các công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" có thể bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen.
"Không ngạc nhiên nếu Trung Quốc coi HSBC là một… mục tiêu", ông Lam nói.
Trong khi đó, Washington "đang cố gắng xây dựng một liên minh" chống lại Bắc Kinh. Ông Lam phân tích, việc Ngoại trưởng Pompeo công khai "gọi tên" HSBC phản ánh các căng thẳng đang bị "phóng đại" giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giáo sư của Đại học Hong Kong nhận xét, tình huống hiện tại của HSBC có phần tương tự như cơn bão chính trị đã "nhấn chìm" hãng hàng không Hong Kong Cathay Pacific. Việc một số nhân viên của hãng tham gia vào biểu tình chống chính phủ năm ngoái khiến Bắc Kinh nổi giận. Mặc dù Cathay sau đó đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để "xoa dịu" chính quyền Trung Quốc nhưng hai lãnh đạo hàng đầu của hãng đã phải nộp đơn từ chức.