(Tổ Quốc) -Một diễn viên hài của Việt Nam bị khép vào tội tấn công tình dục trẻ em ở nước ngoài vừa được ra tù và trở về nước, không hiểu truyền thông trong nước có thiếu thông tin đến mức phải hân hoan chào đón diễn viên này như thể anh ta vừa lập một chiến tích hay bị oan sai?
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã và đang có những diễn biến ngày một phức tạp và ngày một gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Theo số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm (2011-2015) cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em.
Trong một công bố tại Hội nghị Quốc gia về tình dục, sức khỏe và xã hội lần thứ 3 diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua, với khảo sát từ hơn 1.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có gần 64% học sinh đã bị quấy rối tình dục và tỉ lệ học sinh nữ gặp phải nhiều hơn học sinh nam (71,8% so với 49,6%). Kết quả từ nghiên cứu này đưa ra kết luận “Người quấy rối tình dục là nam phổ biến với mọi học sinh. Nhưng người quấy rối tình dục là nữ thường nhắm vào học sinh nam.
Còn theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: hơn 1000 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm, như vậy trung bình mỗi ngày có tới 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo và gia tăng thông tin về lạm dụng tình dục trẻ em trai.
Khảo sát từ 322 vụ bạo lực tình dục được đưa tin trên báo từ năm 2011 – 2016 cho thấy, 21,2% nạn nhân dưới 10 tuổi, trong đó có những em bé chỉ mới 2 tuổi, 60% nạn nhân từ 11-25 tuổi.
Theo thống kê của Hiệp hội Quốc gia phòng chống bạo hành trẻ em (NSPCC), độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Khi trẻ em là nạn nhân xâm hại tình dục thì hậu quả rất nặng nề, nhất là tổn thương về tâm lý. Nếu nhẹ các em sẽ rơi vào trạng thái luôn lo sợ, thiếu tự tin, ác cảm với người khác giới (hoặc đồng giới), suy nghĩ lệch lạc. Nặng hơn, nhiều em trở nên chai lỳ, bất cần đời, suy nghĩ lệch lạc, nổi loạn… thậm chí có em bị ám ảnh nặng nề không thể tìm được tình yêu chân chính, không tìm được hạnh phúc, cảm thấy bế tắc, mất niềm tin dễ gây ra hành động dại dột.
Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) nghiêm khắc hơn với tội danh này khi có tới 5 điều luật quy định mức phạt với người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em: Điều 142: tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144: tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145: tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi; Điều 146: tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi; Điều 147: tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà người phạm tội cũng sẽ phải chịu khung hình thấp nhất từ 6 tháng cho đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình nếu mức độ nghiêm trọng.
Việc một diễn viên hài của Việt Nam bị khép vào tội xâm hại tình dục trẻ em ở nước ngoài, cho dù anh ta chẳng phải là người đại diện của Việt Nam thì những người ở trong nước cũng cảm thấy nhói lòng và xấu hổ. Chẳng gì thì diễn viên này cũng được nhiều người quen tên, biết mặt trên sân khấu và truyền hình.
Những ngày đầu khi diễn viên này bị bắt tạm giam, nhiều người còn theo dõi, nghe ngóng tin tức để xem sự thực có đúng như thế không. Nhưng khi tội danh của diễn viên này đã được gọi tên và khẳng định thì thay vào đó là sự thất vọng về tư cách diễn viên này, không còn chỗ cho sự bào chữa.
Một diễn viên từng đứng trên sân khấu và truyền hình để nói những điều tốt đẹp và nhân văn trong cuộc sống thế mà đằng sau ống kính, con người thật của anh ta hoàn toàn trái ngược với những gì mắt họ đã thấy, tai họ đã nghe thì niềm tin sẽ dễ dàng đổ vỡ. Nhiều người từng đúc kết, mất tiền là mất ít, mất thời gian là mất nhiều và mất niềm tin là mất hết.
Và thật “hài hước” cho truyền thông nước nhà khi diễn viên này về nước đã nhanh nhạy cập nhật thông tin và những hình ảnh đầu tiên như thể anh ta là một ngôi sao, hoặc cho rằng cái việc ngồi tù ở nước ngoài kia là oan uổng, là “tai qua nạn khỏi”. Tất nhiên, việc về nước và phát ngôn, đăng ảnh trên FB là quyền của diễn viên, nhưng không biết có phải vì “vui quá” sau nhiều tháng ngồi tù mà diễn viên này “quên mất” một lời “xin lỗi” dành cho những người từng theo dõi, quan tâm đến bản thân mình. Xin lỗi và cảm ơn là hành xử thông thường nhất, đơn giản nhất mà tất cả chúng ta đều có thể làm được, không lẽ lời xin lỗi lại quá khó khăn đối với một diễn viên?. Và một lời xin lỗi đơn giản nhất không làm được thì liệu chúng ta có kỳ vọng và tin tưởng lỗi lầm không nhỏ anh ta từng gây ra sẽ được sửa chữa?
Việc truyền thông tỏ ra chào đón trước sự trở về của diễn viên hài này khiến không ít người thất vọng. Sao có thể “hào phóng” sẵn sàng chào đón những người vừa ra tù trở về, bất kể họ có tội gì, có thực sự hối cải, có tái phạm không?
Trái lại, sự trở về của diễn viên này đã xuất hiện một làn sóng phản đối, lên án gay gắt. Một bà mẹ trẻ khi nghe tin diễn viên này về nước đã đăng trên trang cá nhân, nhắc nhở các bà mẹ hãy cẩn thận, cảnh giác nếu có con nhỏ, vì rất có thể con bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo. Điều này cho thấy sự mất niềm tin và thất vọng như thế nào.
Khi sự hài hước trên sân khấu thản nhiên bước xuống đời thường mà không ai nhận ra đấy là vở hài, ai là diễn viên, đâu là thực, đâu là ảo, bao giờ kết thúc thì thật là nguy hại. Truyền thông chỉ có thể làm thỏa mãn độc giả để câu khách mà không nghĩ đến hậu quả đằng sau thì đúng là bi – hài – kịch.
Có những sự im lặng là hèn, nhưng có những sự im lặng là vàng. Lòng bao dung nếu không đặt đúng chỗ sẽ mất đi sự trân quý vốn có.
Nhị Xuân