“Thoạt đầu, chúng ta thấy ngẫu nhiên, nhưng thực chất chuyện những thanh niên trẻ cướp vàng ngày càng gia tăng và ngày càng xuất hiện nhiều thanh niên dưới vị thành niên là có cái lý lẽ riêng, nguyên nhân riêng của nó”. Đó là ý kiến của ông Trịnh Hòa Bình, Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam khi nói về những vụ án cướp vàng liên tiếp xảy ra ở nước ta trong thời gian gần đây.
Sau vụ thảm án giết người cướp vàng của Lê Văn Luyện ở Bắc Giang, dư luận xã hội tiếp tục những phen kinh hoàng với những thảm án cướp vàng khác ở Thương Tín và gần đây nhất là ở Hưng Yên. Những vụ án này đều có điểm chung ở tính tàn ác, manh động và đều do những thanh niên rất trẻ gây ra.
Nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình |
Trả lời phỏng vấn phóng viên Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng, những thanh niên cướp vàng đều có tính hướng đích chung. Cụ thể, ông khẳng định: "Những người trẻ là những người luôn có khát khao kiếm nhiều tiền, là những người có mong ước lập thân, lập nghiệp mãnh liệt nhất. Hoặc họ cũng có những mục đích kiếm tiền để thực hiện những mục đích nào khác, ví dụ như trả món nợ lớn, hay thực hiện một cú sĩ diện hão….
Và đa số những người trẻ trong thời gian đầu chuyện lập thân, lập nghiệp chưa đi tới đâu, chưa gây dựng được gì, nhưng cũng đã bước đầu “nhập cuộc”, khẳng định mình là những người ăn chơi sôi nổi, khác đời, đặc biệt là chuyện muốn khẳng định đẳng cấp. Có những người sẵn sàng đi cướp để mua sắm đồ cưới, phục vụ cho mục đích của riêng mình.
Nhất là ngày nay, khi thế giới phẳng hơn, những phương tiện truyền thông dẫn sớm những tin này, những bộ phận lớn đưa tin sâu, khai thác vụ việc ở nhiều khía cạnh. Và như vậy, việc đưa tin rõ ràng có tính chất nhấn nhá, trong một số trường hợp là gợi ý cho thấy cuộc sống có nhiều kẽ hở, nhiều chỗ vẫn có thể kiếm chác được mà không phải vất vả lao động,…Cộng thêm bối cảnh nào đó, nhất là gặp điều kiện thuận lợi nào đó, cần có tiền hoặc có cơ hội làm lý trí mờ mắt, mất hướng thì họ sẽ sẵn sàng liều mạng, chà đạp lên đạo lý, đạo đức để thực hiện hành vi tội ác, phục vụ lợi ích của riêng mình.
"Nhớ lại vụ án Lê Văn Luyện khi được mang ra xử ở Bắc Giang, không ít quần chúng tuổi trẻ tung hô hành vi của hắn như hành vi của một vị anh hùng. Về điều này tôi không khẳng định, những người tung hô là những người sẵn sàng xuất hiện những hành vi tội ác nhưng rõ ràng ở đây có sự chia sẻ, đồng cảm với hành vi lệch chuẩn. Khi những giá trị trong cuộc sống bị lệch lạc thì người ta sẵn sàng làm điều ác, điều giả dối khi có cơ hội", ông Bình khẳng định.
Và có thể nhìn nhận rằng hành vi của Lê Văn Luyện có tính chất lây lan trong cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên mà có một nhóm các bạn trẻ ở Quảng Nam tôn thờ, xem Luyện là hình mẫu hướng tới. Mà điều này cho thấy xu hướng hiện nay trong đời sống kinh tế thị trường, nhu cầu tiêu thụ cá nhân lớn, sĩ diện cá nhân lớn thì việc buông lỏng giáo dục đặc biệt truyền thống giáo dục gia đình, truyền thống thẳng lưng mà bước ngẩng cao đầu mà bay không được hâm nóng chính là nguyên nhân sâu xa làm bộ phận lớn giới trẻ làm hành vi xấu, ác, miễn là có tiền.
Về chuyện vì sao người trẻ cướp vàng ngày càng nhiều trong khi hành vi của Lê Văn Luyện bị cả xã hội tẩy chay, ông Bình cho rằng, vì người trẻ là những người có thể chấp nhận mạo hiểm. Một bộ phận nghĩ rằng, dù bị bắt chắc gì đã bị kết mức án cao nhất, mà gây án chắc gì đã bị phát hiện, bị phát hiện chắc gì bắt được, bắt được chắc gì đã điều tra được mất bao nhiêu vàng,…hoặc họ làm theo một biểu tượng mẫu quái dị nào đó.
Nói về biện pháp để giảm thiểu hiện tượng xã hội nhức nhối này, theo ông Bình, việc giáo dục đạo đức, truyền thống cho người trẻ là điều kiện tiên quyết. Bà con chòm xóm, tổ dân phố, người thân nên hướng con em mình tới chuyện lập nghiệp bằng 2 bàn tay. Và nếu làm điều xấu điều ác sẽ bị xã hội tẩy trừ, cuộc sống không thừa nhận,…
Những người lớn cũng cần phải là tấm gương tốt cho con cháu trong nhà. Họ nên là những người làm ăn lương thiện, không đi ngang về tắt, không ăn nên làm ra trên sự bóc lột người khác,… Như vậy sẽ không làm nảy sinh suy nghĩ: cướp vàng, giết người trong tiệm vàng chỉ làm tổn hại 1 vài người…
Ông Bình cho rằng, đối với vấn đề này, truyền thông tham gia một chút vai trò. Bởi vì hầu hết những phương tiện truyền thông hiện nay thông tin rất nhanh có tác dụng cảnh tỉnh xã hội, nhưng lại đưa ra một tác động không mong muốn là cung cấp những kịch bản, kiến thức để tội phạm thực hiện hành vi và tìm ra sở hở, con đường tẩu thoát,…
Ông Bình cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại. Ông cho rằng, nếu cả cộng đồng ta chung tay với nhau tất cả sống lành mạnh thủy chung tôn trọng đạo nghĩa, đề cao sự tôn trọng luật pháp thì tội ác sẽ được tẩy trừ.
(Nguồn Giáo dục VN)