(Tổ Quốc) -Câu chuyện về người tài xế nghèo bẻ lái cứu hai nữ sinh, chịu thiệt thòi về mình, sau đó phải đối mặt với số tiền đền hàng trăm triệu đồng. Rồi bỗng nhiên một đại gia chuyển tiền nhận đền hộ… đã khiến nhiều người thấy mình cần phải sống đẹp hơn.
Ngay khi hành động bẻ lái cứu người bất chấp nguy hiểm cho bản thân của tài xế được lan truyền, nhiều người đã cảm phục và gọi tài xế là người hùng. Trong giây phút hiểm nguy đó, nếu không có sự quyết đoán, dũng cảm và cả chấp nhận những rủi ro cho bản thân thì hẳn người tài xế đã khó cứu được tính mạng hai nữ sinh. Bản năng đẹp đẽ, lương thiện của con người đã được hiển hiện bằng những hành động cụ thể đã khiến nhiều người cảm kích, trân trọng.
Nhưng đằng sau đó, sau những tán dương, người tài xế phải đối diện thực tại hiển hiện trước mắt với số tiền khoảng 240 triều phải đền cho vài chiếc xe bị va chạm trong tình huống bất khả kháng, không có sự lựa chọn. Với một người có cuộc sống không dư dả như tài xế thì số tiền này không hề nhỏ, và rất có thể trở thành gánh nặng cho chính anh và gia đình.
![]() |
Rất có thể câu chuyện người tài xế anh hùng kia sẽ trở thành một chủ đề để người ta dễ đắn đo, suy tính khi đã bình tâm và không tự đặt mình vào hoàn cảnh đó. Và chắc rằng những suy nghĩ có vẻ thành thực, thực dụng đó không dễ để nói ra, viết ra hoặc công khai.
Lâu nay, những câu chuyện chưa rõ hư thực bao nhiêu phần trăm về sự vô cảm của người tham gia giao thông như: đền mạng người chết còn rẻ hơn mạng người sống lay lắt, đền người rẻ hơn đền của… khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ về một sự lạnh lùng, tàn nhẫn giữa con người với con người. Để rồi khi những tai nạn giao thông thương tâm xảy ra nỗi đau đớn tột cùng chỉ có thể được bào chữa rằng đó là số phận.
Vậy nhưng giữa lúc câu chuyện người tài xế bị rơi vào khoảng lặng với nhiều tranh luận nên cứu mình hay cứu người thì cộng đồng bắt đầu có những chia sẻ vật chất nhằm giúp đỡ người tài xế. Đáng chú ý, sự xuất hiện đúng lúc của một doanh nhân với tuyên bố sẽ chi trả toàn bộ số tiền tài xế phải đền, đồng thời cũng sẽ trả lương cho tài xế trong thời gian bị thu bằng lái. Những tuyên bố đi kèm hành động cẩn trọng và nhanh chóng này đã tạo ra một hiệu ứng tốt với tốc độ lan truyền khá lớn trong cộng đồng mạng. Phải khẳng định, đối với một doanh nhân, hoặc có thể với một “đại gia” nào đó thì số tiền 240 triệu không phải là quá lớn và chắc chắn nhiều người có thể hành động tương tự như vị doanh nhân này. Nhưng đúng như người ta vẫn nói “Của cho không quý, quý ở cách cho”.
Đáng chú ý, trước sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, người tài xế này cũng không tham, không nhân cơ hội này để trục lợi từ lòng hảo tâm của mọi người. Khi đã nhận gần 310 triệu đồng - thừa với số tiền dự tính phải bồi thường, vợ tài xế này đã đề nghị mọi người dừng lại việc gửi tiền ủng hộ để chia sẻ cho những mảnh đời, hoàn cảnh khó khăn khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu như không có sự xuất hiện của doanh nhân này thì rất có thể sẽ có sự xuất hiện của doanh nhân khác, hoặc sức mạnh từ cộng đồng “tích tiểu thành đại” thì không quá khó để có được số tiền tương tự giúp đỡ người tài xế. Vậy nhưng hành động đầy tính sẻ chia, hào sảng của một người đứng ra giúp đỡ nó khiến nhiều người không chỉ vui mà còn cảm động. Nó khiến người ta tin về những điều tốt đẹp, tử tế trong cuộc sống vẫn còn hiện hữu. Tự mỗi người bỗng dưng nhìn lại mình và thúc giục hãy sống tốt, cần phải sống tốt. Và điều tốt đẹp này không phải hô hào, cổ vũ mà như một phản xạ không có bất cứ điều kiện nào đi kèm.
Chia sẻ về lý do sẵn sàng đền tiền hộ người tài xế, vị doanh nhân kia đã trả lời báo chí rằng: Tôi chỉ muốn những tài xế biết rằng, nếu họ hành động đúng, cứu mạng người thì họ sẽ không bao giờ bị xã hội bỏ rơi. Luôn luôn sẽ có người trong xã hội đứng ra bảo vệ lẽ phải.
Lời chia sẻ không hoa mĩ nhưng đầy cao cả và thấm đẫm tình người.
Hành động đúng, sự tử tế sẽ luôn được trân trọng và không bị bỏ rơi.
Cuộc sống thường ngày con người phải đối diện với vô vàn những nguy cơ và sự đối mặt cả chủ quan và khách quan mang lại. Câu chuyện người tài xế bẻ lái cứu người chấp nhận rủi ro, thiệt thòi về mình như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, dù chưa đi đến hồi kết nhưng đã có hậu.