(Tổ Quốc) - Buổi nói chuyện về nhà báo Nhật Bản Takano Isao – "Nhân chứng quả cảm"; người đã hy sinh tại Lạng Sơn trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 đã khiến nhiều người bồi hồi xúc động.
Nhà báo Takano Isao sinh năm 1943 tại Kobe, ông sang Việt Nam với vai trò là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản. Takano đã nỗ lực tìm mọi cách để có mặt sớm nhất ở Lạng Sơn khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra. Trong cơn mưa đạn của cuộc chiến, Takano đã quả cảm lao lên chụp ảnh và bị trúng đạn. Ông ngã xuống vào ngày 7/3/1979.
Toàn cảnh buổi nói chuyện. Ảnh: Ngọc Tùng
Trong 36 năm của cuộc đời, Takano đã dành trọn 12 năm gắn bó với Việt Nam. Bước chân của ông đã trải khắp đất nước, từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Những bài báo, hình ảnh còn hơi nóng chiến trường của Takano đã góp phần giúp cho nhân dân yêu hòa bình trên thế giới hiểu rõ bản chất cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979.
"Sự hi sinh của Takano Isao đã góp phần đem lại sự hòa bình, phát triển thịnh vượng cho đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Chúng tôi tự hào và biết ơn vì những người đã hy sinh cho Tổ quốc. Họ mãi mãi ở trong trái tim và khối óc của những người yêu chuộng hòa bình" - GS. TS Phạm Quang Minh hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH QGHN) chia sẻ.
Giáo sư Goro Nakamura tại buổi nói chuyện
"Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta" – lời nhắn nhủ cuối cùng của Takano Isao trước khi ngã xuống không chỉ bộc lộ một trái tim chân thành, một dũng khí quyết liệt mà còn vang vọng như một bài học lớn đáng cảm phục về nhân cách và lẽ sống của một nhà báo, một trí thức thời hiện đại - PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG) cho biết.
Sự ra đi của Takano Isao là sự mất mát nhưng cũng là niềm cảm hứng lớn cho những người Việt Nam yêu quý nhà báo. Bài thơ Gửi Emi Takano của nhà thơ Anh Ngọc, bài hát Takano- nhân chứng quả cảm của nhạc sĩ Phó Đức Phương, bộ phim tài liệu Hoa đưa hương nơi đất anh nằm của báo Lạng Sơn là bằng chứng về sự kính trọng và biết ơn của người Việt Nam đối với nhà báo Nhật này. Người dân Lạng Sơn đã dựng bia tưởng niệm nhà báo với hình một ngọn bút vươn cao bất khuất thể hiện cho nhân cách cao đẹp của anh, đã góp phần tô thắm lý tưởng đấu tranh cho công lý và sự dấn thân quên mình của người làm báo chân chính.
Ngày 8/3 khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN) đã phối hợp cùng người thân của nhà báo Takano, đặc biệt là giáo sư Goro Nakamura tổ chức buổi nói chuyện tưởng nhớ nhà báo Takano Isao tại khoa Việt Nam học và Tiếng Việt- nơi Takano Isao đã học tập và làm việc trong 4 năm.