(Toquoc)- Trong hệ thống giải thưởng văn học của khu vực, các tác phẩm văn học Việt Nam từng được trao những giải thưởng giá trị như Giải thưởng văn học Asean, Giải thưởng văn học các nước khu vực sông Mê-kông. Tuy nhiên với những giải thưởng lớn hơn, các tác phẩm văn học Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trong danh sách tác phẩm xét giải.
(Toquoc)- Trong hệ thống giải thưởng văn học của khu vực, các tác phẩm văn học Việt Nam từng được trao những giải thưởng giá trị như Giải thưởng văn học Asean, Giải thưởng văn học các nước khu vực sông Mê-kông. Tuy nhiên với những giải thưởng lớn hơn, các tác phẩm văn học Việt Nam vẫn chưa xuất hiện trong danh sách tác phẩm xét giải.
Có thể xem xét 3 giải thưởng văn học trong khu vực châu Á sau:
Giải thưởng sông Mê Kông
Năm 2007, Hội nghị nhà văn ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) lần đầu tiên được tổ chức, dựa trên sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam trong cuộc họp các Chủ tịch Hội vào tháng 10/2006 tại TP.HCM. Hội nghị này một mặt thể hiện sự gắn kết của Hội Nhà văn Việt
Giải thưởng Văn học sông Mê Kông lần thứ nhất (2007) được trao cho 12 nhà văn tiêu biểu của 3 nước, trong số đó có 5 nhà văn Việt Nam là Văn Linh, Trần Công Tấn, Bùi Bình Thi, Văn Lê, Nguyễn Quốc Trung (Campuchia đề cử 4 tác giả, Lào đề cử 3 tác giả). Giải thưởng văn học Mêkông lần 2 được tổ chức tại Phnompenh, Việt Nam có 3 tác giả được trao giải là Phạm Sĩ Sáu, Anh Ngọc, Nguyễn Trí Huân, Trịnh Thanh Phong. Giải thưởng văn học Mêkông lần 3 tổ chức tại Viêng Chăn - Lào (3/2010), có 3 nhà văn Việt Nam được nhận giải thường lần này là nhà văn Phạm Quang Đẩu (tiểu thuyết Một ngày là mười năm), nhà văn Nguyễn Chiến Thắng - bút danh Thăng Sắc (Chú Tư con là ai) và nhà văn Ngọc Tự (có tên Lào là Thoong B.C với tập truyện ký Bão rừng).
Giải thưởng văn học sông Mê Kông là một giải thưởng có tính chất hữu nghị, thể hiện tình đoàn kết giao hảo của các nước tham gia hơn về uy tín văn học. Đến nay Giải thưởng văn học sông Mê-kông vẫn chưa dành phần cho các nhà văn trẻ, hơn nữa các tác phẩm đoạt giải vẫn chưa được dịch ra những ngôn ngữ của hai nước đông dương còn lại, để nhà văn của các nước này đều đọc được nhau.
Giải thưởng văn học ASEAN
Giải thưởng văn học ASEAN được Hoàng gia Thái Lan thành lập ra từ năm 1979 theo sáng kiến của Hiệp hội nhà văn Thái Lan, Hội văn bút Thái Lan. Thái Lan đã huy động được một nguồn nhà tài trợ lớn từ ngân hàng Bangkok, Ngân hàng xuất nhập khẩu Thái Lan, công ty Rex Morgan, hãng hàng không quốc tế Thái Lan, tập đoàn Sangsom, tổ chức Im Thompson, Italthai... Ban tổ chức giải thưởng ASEAN bao gồm đại diện Hội Nhà văn và Hội bút nghiệp Thái Lan, cùng các nhà tài trợ và đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN. Giải thưởng văn học ASEAN trở thành giải thưởng vinh danh các nhà văn, nhà thơ đại diện cho các nền văn học trong khu vực Đông Nam Á, được tổ chức hằng năm tại Bangkok, trị giá giải thưởng 1.000 USD. Theo nguyên tắc, “người đoạt giải của mỗi nước do chính nước ấy lựa chọn, dựa trên tác phẩm xuất sắc xuất bản năm trước, chứ không xét theo quá trình đóng góp hoặc toàn bộ sáng tác, có ưu tiên các tác giả trẻ đề cập đến những vấn đề thời đại” (Văn nghệ số 42/2000). Tác phẩm dự xét giải có thể đã đoạt giải trong nước.
Việt Nam cử đại diện tham dự SWA từ năm 1996. Các nhà văn Việt Nam từng đoạt giải thưởng này như: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003) (với tập thơ Ném câu thơ vào gió mà trước đó, năm 2002, tập thơ này cũng đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng), nhà văn quân đội Ðỗ Chu với tập truyện ngắn Một loài chim trên sóng đã đại diện cho các nhà văn Việt Nam nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2004, năm 2005, Inrasara đoạt giải ASEAN với tập thơ Lễ tẩy trần tháng tư, in song ngữ, trước đó tác phẩm cũng từng đoạt giải B Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003. Inrasara là nhà văn dân tộc thiểu số đầu tiên ở Việt Nam nhận giải thưởng này. Sự kiện đó cho thấy đến đây tính chất ngoại vi và trung tâm của văn học đã có dấu hiệu mờ đi, đồng thời khẳng định những đóng góp và vị thế quan trọng của văn học thiểu số vào nền văn học chung. Nhà văn Lê Văn Thảo nhận giải thưởng văn học ASEAN 2006 cho cuốn tiểu thuyết Cơn giông. Sau đó là các tác giả Trần Văn Tuấn (2007), Nguyễn Ngọc Tư (2008), Cao Duy Sơn (2009). Đại diện cho văn học Việt Nam tại Giải thưởng Văn học ASEAN 2010 là tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; trước đó, tác phẩm này đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng thưởng (năm 2009).
Cũng như giải thưởng văn học sông Mê Kông, giải thưởng văn học ASEAN chưa chú ý đến việc dịch giới thiệu đúng nguyên tác tác phẩm đoạt giải của các nhà văn trong khu vực. Theo Bằng Việt ngay cả những nhà văn tên tuổi như Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, cũng chỉ đến với các nhà văn trong khu vực “qua một đoạn trích độ dăm trang”, văn học cổ điển, văn học hiện đại, văn học cách mạng của Việt Nam hầu như không được biết đến hoặc được biết một cách đại khái. Bằng Việt dẫn dụ và giải thích: các bản dịch từ tiếng Việt ra tiếng Anh nói chung đều rất là... "giả cầy", chủ yếu là dịch theo kiểu word by word! Ngay Ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Việt Nam năng lực ngoại ngữ cũng quá yếu. Chẳng hạn, về truyện ngắn, năm 2002 Ban Đối ngoại của Hội đã dịch sai truyện ngắn Chim khách kêu của Nguyễn Kiên; về thơ, năm 2003 Ban Đối ngoại của Hội dịch rất ẩu thơ Bằng Việt, người dịch thơ đã làm sai lệch ý tưởng cấu tứ thơ, ví dụ chữ bếp lửa dịch là cooking fire (lửa nấu ăn). Nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng văn học Việt Nam ở nước ngoài bị bóp méo do công tác dịch. “Người ta không thể hiểu nổi người Việt Nam mình thưởng thức văn học như thế nào mà lại cho tác phẩm như thế là hay!”. Inrasara nhận thấy: chúng ta ít chú ý giới thiệu tác phẩm đoạt giải, những tìm tòi đổi mới trong văn học mà nghiêng về những thông tin hành chính, hình thức, những hội viên này hội viên nọ. Giải thưởng văn học Đông Nam Á có nhìn chung đến nay vẫn chủ yếu thể hiện tinh thần hữu nghị và hội nhập, vẫn dành trao tặng cho các tác giả cao tuổi, còn những tác giả trẻ hầu như chưa có mặt ở những giải thưởng khu vực như vậy. Nhà văn Thái Bá Tân có dịp dự lễ trao giải đã nhận xét rằng trong số các tác giả đoạt giải thưởng văn học ASEAN 2000, nhà văn Việt Nam là người “đẹp lão nhất”.
Giải thưởng văn học ASEAN vẫn chưa có một Hội đồng/Ủy ban xét duyệt chung (do những khó khăn về ngôn ngữ), chưa có sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà văn trong khối thông qua việc dịch và xuất bản tác phẩm của những người đoạt giải. Giải thưởng ASEAN thực chất vẫn là “giải thưởng Hội Nhà văn lần 2” (chọn luân phiên một năm cho thơ, một năm cho văn xuôi) nghĩa là một giải thưởng có tính chất hội nghề nghiệp hơn là giải thưởng của khu vực..
Giải thưởng văn học Man Asian
Man Asian, giải thưởng châu Á đầu tiên được sáng lập năm 2007 bởi tổ chức Man Hong Kong International Literary Festival cùng một số trường đại học ở Hong Kong. Giải thưởng này dành trao tặng cho các tác phẩm hàng đầu của châu Á được viết hoặc đã được dịch sang tiếng Anh. Mỗi năm, Hội đồng Giám khảo uy tín chọn ra một tiểu thuyết duy nhất để tiến hành trao giải, với trị giá giải thưởng là 30.000 USD cho tác giả và người dịch tác phẩm (nếu có) là 5.000 USD (trị giá giải thưởng mới được tăng lên từ năm 2010, trước đó là 10.000USD/3.000USD cho tác giả/người dịch). Trong danh sách đề cử trao giải lần đầu tiên có nhiều tác giả là nữ; các tác phẩm thuộc thể tự truyện (Autofiction) và viết về đề tài đồng tính (Smile as they bow). Nhưng sau cùng, vượt qua 22 tác phẩm, Tôtem sói của Khương Nhung đoạt giải, ở Việt Nam tác phẩm này cũng được nhiều độc giả chú ý và gây ra những tiếng ồn trong giới phê bình. Năm 2008, nhà văn Miguel Syuco (Philipines) với tác phẩm Ilustrado (Người có học) được trao giải thưởng, và “The Boat to Redemption” của Tô Đồng (Trung Quốc- 2009). Năm 2010, nhà văn Trung Quốc Tất Phi Vũ giành được giải này với tác phẩm Three Sisters.
So với các giải thưởng khác trong khu vực, Giải thưởng văn học Man Asian có giá trị cao nhất nhưng tới giờ chưa thấy nhà văn Việt Nam nào xuất hiện trong danh sách các tác phẩm được xét giải.
Vân Khánh