• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tám hãng phim “kiện” CGV tỉ lệ ăn chia: Trước tiên vẫn là hòa giải

Văn hoá 07/07/2016 06:55

(Tổ Quốc) - Tám đơn vị điện ảnh cho biết, mong muốn trước tiên của họ là cùng CGV thỏa thuận .

Ngày 25/5/2016, 8 đơn vị  điện ảnh đã gửi thư đến các cơ quan chức năng về việc CGV cạnh tranh không lành mạnh và được dư luận hiểu là đơn khởi kiện. Tuy nhiên, ngày 6/7, 8 đơn vị này cho biết, đó chưa phải là đơn kiện mà chỉ là tâm thư để các cơ quan chức năng hiểu thực trạng hiện nay của lĩnh vực phát hành phim ở nước ta.

Không để lớn ép bé

Tám đơn vị gồm: Công ty TNHH BHD, Công ty Cổ phần phim Thiên Nhân, Công ty ER, Công ty TNHH Truyền thông Vàng, Công ty TNHH Truyền thông Bạch Kim M.V.P, Công ty Vietnam Artist Agency và Công ty TNHH Hãng phim tư nhân Đỗ Gia (Minh Dofilm). Đơn vị bị "tố" là Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (CGV).

Đại diện 8 đơn vị điện ảnh: Gửi tâm thư mong muốn các cơ quan chức năng hiểu thực trạng cạnh tranh điện ảnh hiện nay

Theo tâm thư của 8 đơn vị điện ảnh này thì dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).

CGV hiện sở hữu 40% hệ thống rạp chiếu trong nước, giữ vị trí thống lĩnh thị trường phát hành phim tại Việt Nam. Theo đại diện của các đơn vị điện ảnh trên thì các nhà  phát hành phim trong nước không còn cách nào khác đã phải chịu sự áp đặt của CGV do số lượng rạp của đơn vị này quá lớn, nếu không đồng ý tỷ lệ này thì phim sẽ không được chiếu ở 40% tổng số rạp.

Cũng theo 8 đơn vị điện ảnh này, sự chênh lệch tỷ lệ giữa nhà sản xuất và nhà phát hành phim như hiện nay là rất bất hợp lý, chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được tỷ lệ lớn hơn nhà sản xuất- phát hành. Bởi chính nhà sản xuất- phát hành mới là người bỏ ra chi phí làm phim, marketing… Các đơn vị này cũng khẳng định: CGV đang tiến hành việc áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch như nhau, điều này là bất bình đẳng trong cạnh tranh, có dấu hiệu vi phạm khoản 4 điều 11, mục 2 chương II Luật Cạnh tranh.

Bộ VHTTDL ủng hộ các doanh nghiệp làm đúng Luật

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trong buổi gặp gỡ đại diện 8 đơn vị điện ảnh đã viết tâm thư gửi Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan về việc 8 đơn vị điện ảnh này bị Công ty TNHH CJ CGV cạnh tranh không lành mạnh, áp đặt tỉ lệ ăn chia bất hợp lý. Theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp Việt Nam phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau trong sự nghiệp phát triển điện ảnh.

Phát triển điện ảnh Việt Nam phải có sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết: “Bộ VHTTDL ủng hộ việc cạnh tranh lành mạnh, các doanh nghiệp làm đúng Luật. Sự nghiệp phát triển điện ảnh Việt Nam phải có sự nỗ lực của các đơn vị điện ảnh trong nước. Vì vậy, Bộ mong muốn các đơn vị điện ảnh Việt Nam đoàn kết, tạo nên sức mạnh thực lực. Phát triển điện ảnh Việt Nam về lâu dài là vì người dân, vì cộng đồng và không dựa vào doanh nghiệp nước ngoài”.

Theo Thứ trưởng, cần nghiên cứu xem các doanh nghiệp Việt Nam đang đúng gì, CGV sai gì và tiến tới “ngồi lại” thỏa thuận cùng nhau trước khi nghĩ đến vấn đề khởi kiện.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh- Giám đốc BHD cho biết: “Việc 8 đơn vị cùng gửi thư lên Bộ VHTTDL và các cơ quan chức năng mới là tâm thư của chúng tôi để các cơ quan nhà nước hiểu thực tế đang có tình trạng không công bằng diễn ra chứ chưa phải là kiện cáo, khiếu nại. Bản thân chúng tôi cũng không muốn kiện cáo, chúng tôi muốn các cơ quan nhà nước có thể làm “trọng tài” để có thể có thỏa thuận hợp lý với CGV”.

Thứ trưởng Vương Duy Biên cho biết: “Bộ VHTTDL sẽ có cuộc làm việc với đại diện CGV để có ý kiến về vấn đề này trong thời gian tới”.

Năm 2010, Megastar- khi chưa được CJ CGV đổi tên thành CGV, cũng từng bị 6 đơn vị điện ảnh trong nước kiện vì “Áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý” (Khoản 2, Điều 13 - Luật Cạnh tranh ban hành năm 2005) và “Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ” (Khoản 5, Điều 13 - Luật Cạnh tranh). Megastar đã áp đặt các điều kiện khác như: buộc lấy kèm phim, buộc chiếu phim ở phòng lớn nhất và vào các giờ chiếu do Megastar chỉ định. Sau đó, nhận thấy có khả năng sẽ thua kiện, Megastar đã chủ động ký thỏa thuận với “nguyên đơn”.

Bài, ảnh: Hà An

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ