(Tổ Quốc) - Trong giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh, các hội nhóm tương trợ, giúp đỡ nhau mang đến những bữa cơm đầy đủ cho người khó khăn, hoàn cảnh. Tiêu biểu trong đó có "Hà Nội giúp nhau mùa dịch" do anh Nguyễn Phan Huy Khôi và các đồng sự khởi xướng.
- 09.11.2021 2 cha con sống trên xe buýt xuyên mùa dịch: 'Con cứ hỏi sao không về nhà là đau thắt lòng'
- 14.10.2021 Cặp vợ chồng cưu mang 100 con chó, mèo bị chủ F0 bỏ rơi mùa dịch: ‘Chúng tôi không sinh con để chu toàn cho tụi nhỏ’
- 04.10.2021 Đi lại giữa các tỉnh, thành mùa dịch: Những lưu ý quan trọng chị em nhất định phải biết
Hà Nội cùng cả nước và thế giới đã phải trải qua 2 đợt dịch Covid-19 lịch sử đầy khó khăn, vất vả, gian khổ và ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, đến nay nước ta và Hà Nội nói riêng đang dần trong trạng thái "bình thường mới".
"Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng"
Cùng với việc ghi nhận công sức của các cơ quan, ban ngành, các lực lượng chức năng, người Hà Nội sẽ không quên sự chung tay của nhóm "Hà Nội giúp nhau mùa dịch". Đây là nhóm tự phát được anh Nguyễn Phan Huy Khôi, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp Việt Nam (Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) khởi xướng.
Đặc biệt tham gia vào Ban quản trị nhóm cộng đồng này có rất nhiều thành phần như: đại diện chính quyền, an ninh, nhà báo, bác sĩ, các nhà hảo tâm, chuyên gia…
Một đoạn chia sẻ của người sáng lập Hà Nội giúp nhau mùa dịch
Anh Khôi vẫn bồi hồi nhớ lại từ thời gian đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới bùng phát, trên mạng xã hội và xung quanh rất xôn xao, khiến bản thân và người quen đều rất căng thẳng hoang mang.
Cũng là chủ một doanh nghiệp tư nhân, anh Khôi nhận thấy chính hàng trăm nhân viên của mình cũng gặp phải nhiều khó khăn.
"Trong tôi lúc ấy tự thấy mình may mắn hơn nhiều người, giai đoạn ấy cũng cảm thấy ổn định cuộc sống, chưa nghĩ gì nhiều. Tự thôi thúc bản thân và muốn chia sẻ, mình có ăn thì chia cho người không có", anh Khôi nói.
Lúc đầu, anh Khôi chỉ tạo ra nhóm nhỏ để cộng đồng chia sẻ thông tin, kiến thức về phòng chống dịch, động viên cho nhau, vì lúc ấy cũng có nhiều tin giả mạo gây hoang mang dư luận.
Bên cạnh đó, anh Khôi cũng gọi về quê hỏi thăm thì được biết dù phải giãn cách nhưng mọi người ổn hơn thành phố vì luôn sẵn có rau, lương thực, thực phẩm do tự trồng cấy được nên đỡ khó khăn.
"Bản thân đang sống ở Thủ đô nên nhận thấy mình phải có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, gìn giữ nét đẹp truyền thống tương thân tương ái của người Hà Nội. Trong khi Nhà nước và các lực lượng chức năng đang dành mọi quyết tâm vào phòng chống dịch. Khi dịch bùng phát mạnh, tôi thấy có người nghèo đô thị, nghĩ rằng ở đô thị thì không thể ra vỉa hè mà đào đất lên tìm củ quả hay là kiếm con tôm, con cua con cá dễ dàng được", anh Khôi nói.
Sau đó, anh Khôi tiếp tục trao đổi với bạn bè trong đó có rất nhiều nhà báo là những người nắm nhiều thông tin, người đàn ông thành đạt bắt đầu triển khai mô hình hỗ trợ cho bà con.
"Ai cần cứ đến lấy"
Nghĩ làm thế nào để tạo ra được kênh hỗ trợ thực phẩm cho người nghèo, người vô gia cư và các hoàn cảnh đang gặp khó khăn thực sự, đồng thời không làm phức tạp tình hình chống dịch của địa phương. Trong khi lúc ấy rất nhiều hoạt động từ thiện, nhiều nhóm hội chia sẻ một cách tự phát, anh Khôi cùng nhóm bạn triển khai chương trình phát quà ở một số điểm tập trung nhiều hoàn cảnh và đặt sẵn trên bàn trước tấm biển ghi nội dung:"Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn hãy lấy 1 gói mỗi ngày".
Theo anh Khôi, thời gian đầu chi phí hoạt động hoàn toàn là tiền từ công ty và cá nhân bỏ ra mua quà để hỗ trợ bà con. Sau thời điểm này, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và lan rộng, việc đảm bảo công tác phòng chống dịch cần phải nghiêm ngặt hơn và mọi người không thể ra đường, anh Khôi cùng các cộng tác khởi xướng nhóm "Hà Nội giúp nhau mùa dịch" với quy mô lớn.
Rất ấn tượng, nhóm này quy tụ được đông đảo các thành phần có uy tín như; bác sĩ, nhà báo, doanh nhân thành đạt, chuyên gia, cán bộ an ninh và một số lãnh đạo các phường, xã tham gia vào Ban quản trị.
Chính vì vậy, "Hà Nội giúp nhau mùa dịch" nhận được nhiều sự chung tay giúp đỡ, chia sẻ của mọi người cùng hưởng ứng. Đồng thời, đây cũng là kênh rất quan trọng giúp cho người dân có thông tin tránh hoang mang lo sợ không cần thiết. Bởi lẽ, trong hội nhóm có các bác sĩ tư vấn về y tế, an ninh theo dõi nắm tình hình về trật tự, các nhà báo truyền tải thông tin chính xác, các mạnh thường quân sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp…
Do nắm được nhiều thông tin và có ý tưởng, anh Khôi cùng các cộng tác viên đã làm việc trực tiếp với chính quyền các địa phương, cụ thể đến tận 17 quận huyện và hơn 60 xã, phường.
"Thông qua các cảnh sát khu vực, Hội phụ nữ, tổ dân phố rà soát các hoàn cảnh đang gặp khó khăn ở địa phương đó và lập danh sách để triển khai hỗ trợ thực phẩm. Các phần quà được chuyển từ tổng kho đến các Hội Chữ thập đỏ, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên trao tận tay người cần", anh Khôi chia sẻ.
Theo anh Khôi, chỉ sau ít ngày thông qua hoạt động của nhóm có rất nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm, các công ty theo dõi đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia đóng góp.
Đáng ghi nhận, "Hà Nội giúp nhau mùa dịch" cũng là kênh cộng tác với chính quyền rà soát hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm, tránh được các điểm bà con tập trung lây lan dịch bệnh… cũng hạn chế được tình trạng nơi thì thừa, nơi thì thiếu.
Kết thúc câu chuyện sau 2 năm nhìn lại, chia sẻ với chúng tôi, người khởi xướng chương trình "Hà Nội giúp nhau mùa dịch" nhận thấy, tình người thật trân quý.
Hàng ngày, từng giờ trong nhóm nhận được sự tương tác, dù đó là thời điểm rất khó khăn nhưng mọi người đoàn kết chia sẻ hơi ấm, hỗ trợ cho nhau.
"Rất nhiều câu chuyện cảm động, có trường hợp gần đến ngày sinh con mà không có lương thực, chị đăng tải lên nhóm. Sau đó chính quyền vào cuộc lập tức, xác minh thông tin và có phản hồi chính xác, thế là mọi người cùng hỗ trợ thuốc men, thực phẩm tận nơi. Hoặc, có những nhóm công nhân mắc kẹt không có điều kiện về quê, không còn lương thực… không thể kể hết, nhưng ước tính nhóm đã phân phối được hơn 300 tấn nhu yếu phẩm", anh Khôi nhớ lại.
Anh Nguyễn Phan Huy Khôi sinh năm 1982, Thạc sĩ Khoa học Chính trị, là cán bộ Đoàn, doanh nhân, giảng viên Đại học có nhiều hoạt động gắn liền với phong trào thanh niên khởi nghiệp, tham gia nhiều chương trình chia sẻ kiến thức, hướng nghiệp, khởi nghiệp, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên.
Hiện anh Nguyễn Phan Huy Khôi đang là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Việt Nam, trực thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Ủy viên Hội đồng Khoa học & Đào tạo ngành Quản trị thông tin, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Từ tháng 6/2020, anh Nguyễn Phan Huy Khôi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, nhận nhiệm vụ thúc đẩy hoạt động hướng nghiệp, khởi nghiệp trong lĩnh vực thể thao điện tử - kinh tế số, cũng như tham gia vào công tác chuẩn bị các nội dung thi đấu thể thao điện tử trong khuôn khổ SEA Games 31.
Doanh nhân Nguyễn Phan Huy Khôi cũng đang là cổ đông lớn và giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Cổ phần Truyền hình tương tác Việt Nam (VTVlive), đơn vị thành viên của Tổng Công ty Truyền hình Cáp, Đài Truyền hình Việt Nam.