• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tâm tư gửi gắm Hội thảo văn hóa năm 2022

Thời sự 17/12/2022 08:08

(Tổ Quốc) - Ngày 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh sẽ diễn ra Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Hội thảo nhằm tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn. 

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).

Củng cố quyết tâm, thêm hành động cụ thể

Trước Hội thảo quan trọng này, nhiều ĐBQH đã bày tỏ, với sự vào cuộc đầy khẩn trương, trách nhiệm của Quốc hội và các cơ quan liên quan, những ý kiến tâm huyết sẽ được sớm dẫn chuyển thành chính sách cụ thể, đưa văn hóa phát triển xứng tầm với những lợi thế, tiềm năng vốn có.

Tâm tư gửi gắm Hội thảo văn hóa năm 2022  - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội thảo văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” tổ chức vào một thời điểm hết sức có ý nghĩa khi chúng ta đang nỗ lực triển khai tinh thần kết luận Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, là dịp để chúng ta củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, phù hợp hơn với bối cảnh mới. Các chủ đề của hội thảo đề cập đến 3 vấn đề quan trọng nhất đối với sự phát triển văn hóa là thể chế, chính sách và nguồn lực.

Đây là những chủ đề hết sức phù hợp, đặc biệt là đối với vai trò của Quốc hội như là một trong những cơ quan tổ chức chính. Theo ĐB Bùi Hoài Sơn, Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, sẽ là nơi triển khai phù hợp những kết luận từ chính hội thảo này. 

"Chúng ta đã rất thành công trong công cuộc đổi mới về chính trị, đổi mới về kinh tế, giờ đây chúng ta rất cần có một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hóa, để từ đó chúng ta nâng cao hơn nữa chất lượng phát triển của đất nước, để văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển chung của xã hội" - ĐB Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. 

Tâm tư gửi gắm Hội thảo văn hóa năm 2022  - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế)

ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) bày tỏ kỳ vọng, tại Hội thảo văn hóa năm 2022 sắp diễn ra, các cơ quan chức năng, đại biểu, chuyên gia sẽ nhìn lại một cách nghiêm túc các thể chế, chính sách về văn hóa đã thực hiện trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các cơ quan sẽ có sự rà soát kỹ lưỡng những thể chế hiện hành từ luật cho đến văn bản dưới luật, các Thông tư, nghị định hướng dẫn, kể cả các hương ước, quy ước, nội quy của từng cơ quan, đơn vị. 

"Việc rà soát này là bước để xem xét lại những nội dung nào không còn phù hợp nữa thì phải có sự điều chỉnh, bổ túc kịp thời nhằm góp phần thực hiện được các mục tiêu, giải pháp đã được đưa ra đối việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021" - Đại biểu nhấn mạnh.

Gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp

Theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp), Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam.

Tâm tư gửi gắm Hội thảo văn hóa năm 2022  - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân, đã luôn chú trọng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, tăng cường hoạt động giám sát, thông qua các quyết định quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Do đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” trong bối cảnh hiện nay là vô cùng thiết thực.

Vị ĐB này cho rằng, chủ đề của Hội thảo phản ánh rất rõ nét 3 nội dung cốt lõi đang đặt ra cho đất nước. Đây là 3 trụ cột đặc biệt quan trọng để chấn hưng văn hóa dân tộc trong bối cảnh chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và trước sự phát triển chưa từng có của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.

Với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”, theo ĐBQH Nguyễn Hải Anh, Hội thảo Văn hóa 2022 sẽ là một đóng góp hết sức quan trọng trong tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đặc biệt là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần đưa văn hóa Việt Nam tiếp tục kiên cường, vững vàng vươn lên đồng hành cùng đất nước, hình thành những giá trị mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giao lưu, quảng bá, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm sâu sắc hơn những giá trị văn hóa của dân tộc và đóng góp tích cực vào việc xây dựng những giá trị văn hóa nhân loại.

ĐB cũng kỳ vọng, Hội thảo sẽ gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa….

Quan tâm hơn nữa nguồn nhân lực văn hóa tại địa phương

Bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ dành nhiều thời gian để bàn luận vấn đề phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa ở địa phương, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) nêu vấn đề, chất lượng chung của đội ngũ nhân lực ngành văn hóa tại các địa phương hiện nay vẫn còn yếu. Khối lượng công việc của một cán bộ văn hóa xã rất nhiều, lên tới 17 lĩnh vực phụ trách, từ quản lý di tích, nếp sống văn minh, phong trào văn hóa….

Tâm tư gửi gắm Hội thảo văn hóa năm 2022  - Ảnh 4.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)

Tuy nhiên, việc xem xét, bố trí còn chưa thực sự phù hợp. Có nhiều nơi lãnh đạo không thực sự quan tâm tới việc đào tạo nhân lực về văn hóa mà bố trí người trái chuyên môn làm văn hóa, ví dụ có huyện cử Giám đốc Trung tâm y tế sang làm Giám đốc Trung tâm văn hóa.

Có nơi thì muốn bố trí người đúng chuyên môn nhưng lại không có ai phù hợp. Có những nơi lại bố trí các cán bộ diện dôi dư, không sắp xếp được vị trí do không đủ thời gian tiếp tục tái cử ở nơi khác về phụ trách văn hóa.

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu về văn hóa như hiện nay, nhiều cán bộ văn hóa vẫn còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ, tin học, chưa năng động, linh hoạt trong quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa...

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp phát triển văn hóa và quá trình phát triển đất nước, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp cơ bản về đào tạo nguồn nhân lực, bố trí kinh phí địa phương cho  văn hóa, đẩy mạnh việc phát huy các giá trị văn hóa.

Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho văn hóa

Quan tâm về nguồn lực cho văn hóa, ĐBQH Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn trước, đầu tư cho văn hóa chủ yếu thực hiện thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm nhưng luôn ở mức thấp.

Theo ĐB Phan Viết Lượng, trong khi năm 2022, Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2025 và các dự án thành phần về văn hóa thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được Chính phủ phê duyệt với số kinh phí hạn chế nhưng đến nay chưa được giao dự toán, cấp vốn thực hiện hoặc chưa được giải ngân. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển văn hóa, dẫn đến nhiều di sản, di tích văn hóa lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Tâm tư gửi gắm Hội thảo văn hóa năm 2022  - Ảnh 3.

ĐBQH Phan Viết Lượng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

Để phát triển văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, chương trình đã ban hành. Trong đó, cần ưu tiên các chính sách, giải pháp xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; xây dựng môi trường con người văn hóa và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; sớm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa theo Nghị quyết 572 ngày 18/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn Sơn La) bày tỏ mong muốn, để triển khai thực hiện hiệu quả kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh hơn, quan tâm tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm, đảm bảo thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

"Đó là tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, xây dựng phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước" - ĐB Hoàng Thị Đôi đề nghị.



Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ