• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tản mạn tiêu chí đăng tải sáng tác của báo chí văn nghệ địa phương

29/06/2017 08:26

(Tổ Quốc) - Những văn nghệ sĩ đang sinh hoạt ở các Hội, Liên hiệp các hội VHNT địa phương, vốn không có nhiều diễn đàn đăng tải thì việc được công bố những “đứa con tinh thần” của mình mất nhiều thời gian và công sức.

Sáng tác vốn là hoạt động âm thầm của mỗi cá nhân. Người viết bằng cảm quan, ấn tượng và cách thể hiện của mình để tạo ra những sáng tác mới mẻ. Tuy nhiên, khi sáng tác đã hoàn thành, nhu cầu được công bố thông qua “kênh” văn học, nghệ thuật là rất cần thiết.

Trên 63 tỉnh, thành phố hiện đang có các tổ chức Hội, Liên hiệp Hội VHNT. Thậm chí, một số tỉnh còn chi hội, phân hội VHNT tại các huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh). Mỗi tổ chức hội này thường có một ấn phẩm đăng tải các sáng tác văn học, nghệ thuật, sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép, trao đổi… của hội viên và người viết trong và ngoài tỉnh. Đây có thể coi là là diễn đàn quan trọng nhất để công bố những sáng tác mới của người viết. Tuy nhiên, lâu nay vẫn tồn tại những băn khoăn từ cả phía người viết, người biên tập. Có lẽ giữa họ chưa tìm được tiếng nói chung để giúp nâng cao chất lượng sáng tác - một mục tiêu quan trọng thường được nêu trong các Báo cáo đề ra phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kì mới, trong các hội thảo nâng cao chất lượng báo/tạp chí.

Một số tờ báo văn nghệ (ảnh TL)

Tiêu chí chất lượng

Có lẽ, rất nhiều BTV của các báo/tạp chí VHNT địa phương đều có tâm sự chung về một vấn đề khá nhạy cảm khi biên tập, lựa chọn in ấn chính là cái “ngưỡng” chất lượng của tác phẩm. Trước việc các số báo/tạp chí ra đều đặn hàng kì, những người biên tập luôn muốn có một số lượng bài lớn để lấp đầy các trang in. Nhưng, điều băn khoăn là dù số lượng bản thảo gửi đến tòa soạn không hề ít nhưng sáng tác đạt được ngưỡng của Ban biên tập thì lại không nhiều. Bởi thế mới có tình trạng có hội viên gửi đến chục bài thơ, năm, sáu truyện ngắn đến tòa soạn trong một tháng mà những BTV vẫn đỏ mắt đốt đuốc tìm bài. Dần dà, cái “ngưỡng” chất lượng ấy trở thành rào cản giữa người viết và người biên tập. Người làm thơ, viết truyện thường cho rằng: cái “ngưỡng” đó quá cao, như thế thì không ai muốn viết, muốn gửi tác phẩm. Trong khi người làm công tác biên tập không thể “nhắm mắt” đưa một sáng tác dưới “ngưỡng” chất lượng ấy lên trang báo. Hẳn là, đã từng có các cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa đôi bên nhưng vẫn khó tìm ra được tiếng nói chung. Vậy, suy cho cùng, cái “ngưỡng” ấy là gì? Chúng ta hãy nghe những ý kiến khách quan nhất.

Tác giả Việt Hùng trong bài viết Sắc thái riêng của các tạp chí văn nghệ địa phương (Tạp chí Sông Hương, số 304, tháng 6 năm 2014 cho rằng: “Mỗi một tạp chí văn nghệ đều có cách chọn lọc bài vở theo một hệ thống tiêu chuẩn mà trong đó có những nét riêng biệt của mình, tạm gọi đó là cái “gu” của mỗi tạp chí. Từng tạp chí đều có quyền phát huy cái “gu” ấy. Có như thế mới tạo nên sắc thái của tờ báo; và điều ấy nó phải đem đến cái hay, cái đẹp cho độc giả, đồng thời không bị lạc lõng, vẫn hòa nhập được vào tiếng nói chung, vào tính thẩm mỹ chung của văn học nghệ thuật Việt Nam.” Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng: “Cùng với các giải thưởng là các tạp chí Văn nghệ địa phương kém chất lượng, in vài ba trăm bản, dăm bảy trăm bản chủ yếu để tặng biếu, ngay người địa phương cũng chẳng biết có sự tồn tại của nó. Trừ một số rất ít còn cố theo kịp văn chương chuyên nghiệp, đa số rơi vào thảm cảnh nghiệp dư hóa văn chương, chất lượng sáng tác không vượt qua sáng tác báo tường, loại báo dành cho văn nghệ quần chúng. Thậm chí người ta đã nhầm Văn nghệ địa phương là văn nghệ quần chúng, hoạt động theo lối văn nghệ quần chúng.” (Văn hóa Nghệ An). Với hai xu thế lựa chọn khác nhau của các báo/tạp chí văn nghệ địa phương, có thể thấy rằng, cái “gu”, cái “ngưỡng” ấy chính là tiêu chí định lượng, là thứ “điểm sàn” quyết định đến chất lượng tờ báo. Mỗi một báo/tạp chí có quan điểm về “ngưỡng” chất lượng khác nhau nhưng nhất thiết không thể để chất lượng tạp chí rơi xuống mức phong trào.

Cách tiếp cận của người viết

Sở dĩ, chúng tôi không nêu ra quan niệm nghệ thuật, quan điểm hay cách nhìn của người viết về các báo/tạp chí là bởi lâu nay, cách tiếp cận vấn đề này của nhiều người viết đang… rất có vấn đề. Đôi khi, họ không phải là những người thiếu đam mê, thiếu năng lực sáng tạo mà bởi cách tiếp cận không đúng.

Nếu như ở các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh… ít nhiều cần đến trình độ nhạc lý, hình họa, giải phẫu hay thiết bị, vật tư thì với loại hình văn học, nhiều người lầm tưởng có cây bút, trang giấy là đủ thành nhà văn. Một người có hứng thú với đề tài cuộc sống trong xã hội có thể viết ra những bài có vần, có xuống dòng và đọc trong các cộng đồng hoàn toàn mơ hồ về văn chương. Sau nhưng lần thể hiện không gặp phải sự phản biện, góp ý nào đó, họ tự tin rằng đó là sáng tác và có công chúng. Họ quên mất rằng, chất lượng tờ báo cũng chính là bộ mặt của tổ chức hội, là danh dự của chính bản thân các thành viên. Việc chỉ được in một tác phẩm trên trang báo danh tiếng có giá tri hơn gấp nhiều lần việc có đến cả chục bài báo trên một ấn phẩm kém chất lượng. Hơn hết, họ cần tiếp cận vấn đề một cách cụ thể hơn, phải thấy được cái “ngưỡng” chất lượng ấy không phải điều gì cao siêu mà chính là những bài viết đã được đăng tải của bạn văn, của chính bản thân mình. Nếu như bài viết mới nhất của mình không được sử dụng có nghĩa là chất lượng đã kém hơn chính bạn bè và bài viết trước đây của mình. Chất lượng của tờ báo/tạp chí văn nghệ phụ thuộc chính vào người viết, vào sự nhìn nhận đúng đắn và có khát vọng vươn lên của chính họ.

Kiến Văn

NỔI BẬT TRANG CHỦ