(Tổ Quốc)- Người cầm bút trẻ có trách nhiệm công dân hay không? Trách nhiệm ấy được thể hiện, lập ngôn như thế nào hay chỉ là một thế hệ viết với bản năng, viết như một sự mô phỏng, viết như những tiếng than thở ở góc khuất chứ không trở thành tiếng nói của thời đại.
Từ trách nhiệm công dân…
Văn chương nghệ thuật đã tự vượt ra khỏi những thực thể cũ để hình thành một thực thể độc lập. Thực thể ấy là gì? Đó là thứ văn chương tuân thủ các nguyên tắc thẩm mỹ, tư tưởng nghệ thuật thay vì đảm nhận vai trò “hành chức” như “ngôn chí”, “tải đảo”, thoát khỏi nguyên hộp của tín ngưỡng, ca vũ… đặc trưng nghệ thuật ấy cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, văn học cũng không đứng ngoài những biến chuyển của đời sống tâm hồn con người khi mỗi số phận cá nhân bị chi phối bởi các sự kiện lịch sử, thời đại tạo ra những bi kịch của thời đại. Việc vị hôn quân Lê Tương Dực đồng ý để Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài vốn là một sự kiện lịch sử, chính trị thuần túy, nhưng bi kịch của nghệ thuật và cuộc sống lại là mối quan tâm của văn chương. Gác lại một bên những khoảng cách của lịch sử, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vẫn tìm thấy mối dây liên hệ ở thế kỉ XX này. Vậy giữa nhà văn và thời đại, ngoài mối quan hệ của sự tồn tại, ngoài sự hình hành, hun đúc còn mối quan hệ nào để người viết luôn cất tiếng nói cảnh tỉnh, thúc giục hay giãi bày?
Hình như từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây vẫn luôn có sự đồng hành, chia sẻ đó. Mỗi thời đại, thời điểm lịch sử tiến hóa về mặt nhận thức của nhân loại lại hình thành một vị thế nhà văn khác nhau. Ngay cả khi hệ tư tưởng Nho giáo đã bắt rễ cả ngàn năm bị rạn vỡ, người con của một dân tộc thuộc địa, người dân của một đất nước nô lệ vẫn mạnh mẽ cất lên tiếng nói về thứ trách nhiệm cao cả ấy của người cầm bút: “Trong một bài bút chiến với nhóm Tự Lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng viết: “các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời”. “Chí hướng” mà nhà văn nhắc đến dẫu là một sự đồng thuận trong cách phản ánh “sự thật ở đời” như thế nào, có mâu thuẫn với quan niệm mang hơi hướng “tiểu thuyết” với các nhà văn tự lực văn đoàn hay không thì cũng đều là sự ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm của một cây bút nước Nam, của người dân hay nhà văn - chiến sĩ, hay công dân sau này.
Những cây bút trẻ tại Hội nghị những người viết văn trẻ Toàn quốc 2016 (ảnh baogialai)
… đến trách nhiệm của người viết trẻ
Trước đây, khi bàn về văn học đổi mới, văn học của nền kinh tế thị trường hay văn học đầu thế kỉ XXI? (những tên gọi khác nhau đều dùng để chỉ một giai đoạn lịch sử), đã có nhà nghiên cứu cho rằng cần nhận diện được nhân vật điển hình. Câu hỏi đó không phải là không có lý lẽ khi chúng ta vẫn nhận ra sự mơ hồ nào đó trong giai đoạn văn học này ở một số điểm: Các tiêu chí đánh giá về người viết, sự phản ánh, quan điểm nghệ thuật, thị hiếu tiếp nhận dường như không có sự tương đồng với thời đại trước. Cũng ở góc nhìn ấy, đôi khi giải thưởng văn học vẫn là sự nối dài của hồi quang lịch sử, níu kéo một thói quen tiếp nhận chứ chưa nhận diện được một giá trị mới. Cũng vẫn tiếp tục ở góc nhìn đó, nhiều tác giả trẻ chỉ như những đốm lửa nhỏ thay vì một vầng mặt trời mới. Trong khi, ở một góc độ khác, văn chương vẫn được độc giả ở mọi lứa tuổi say mê như các sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh… Vậy người cầm bút trẻ có trách nhiệm công dân hay không? Trách nhiệm ấy được thể hiện, lập ngôn như thế nào hay chỉ là một thế hệ viết với bản năng, viết như một sự mô phỏng, viết như những tiếng than thở ở góc khuất chứ không trở thành tiếng nói của thời đại.
Để trả lời câu hỏi này, ta cần xác định lại từ một điểm xuất phát, đó là vị thế của nhà văn trong thời đại mới.
Trước hết, đó là sự thay đổi vị thế nhà văn, sự thay đổi mang tính tất yếu khi người viết được trở về đúng vị trí trong một hoàn cảnh chính trị, xã hội mới với tên gọi nhà văn công dân. Điều này xảy ra với cả những nhà văn chiến sĩ như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Chí Trung… Nhà văn không còn là người tuyên truyền của thời đại mà sớm trở về với sứ mệnh công dân và văn chương hướng đạo cho người đọc bằng những tư tưởng sâu sắc, nhân văn và những sẻ chia thuyết phục người đọc. Dĩ nhiên, các nhà văn chống Mỹ không thể gánh vác cả công việc của thế hệ sau và thời đại, bạn đọc đều đòi hỏi nhà văn của các thế hệ 8X, 9X tự cất lên tiếng nói của thời đại mình, tiếng nói ấy là trách nhiệm của người công dân. Tiếng nói ấy dường như đã cất lên nhưng chưa “tròn vành rõ tiếng” bởi chính những người viết trẻ đã ý thức sâu sắc cái tôi, cá tính, đặc trưng nghệ thuật nhưng chưa ý thức đầy đủ được việc phải có một cách viết, cách thể hiện riêng. Không ít bài thơ viết theo hình thức mới, nhưng cái mới đó là sự ly khai, phản ứng với cái cũ chứ chưa phải một hình thức thức thơ mới với những quan điểm rõ ràng. Truyện ngắn của các cây bút trẻ vẫn đang là những khám phá trên nhưng công thức đã khá cũ. Rõ ràng, người đọc chưa thể kì vọng trong một sớm, một chiều những đổi thay ấy trở thành dấu mốc quan trọng, nhưng có lẽ ý thức, trách nhiệm công dân với chính thế hệ, thời đại, kỉ nguyên văn minh sẽ là một kim chỉ nam đúng đắn cho người viết hôm nay.
Phương Mai