• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tân Sơn bảo tồn giá trị văn hóa Mường

Văn hoá 26/09/2023 21:40

(Tổ Quốc) - Huyện Tân Sơn nỗ lực trong công tác bảo tồn kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng của đồng bào dân tộc Mường.

Tân Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Phú Thọ. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 83,5% dân số của huyện. Trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 75,2% dân số toàn huyện và chiếm 29,52% dân tộc Mường trong toàn tỉnh.

Đồng bào Mường nơi đây còn lưu giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú, giàu bản sắc. Trong đó còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Hát Ví, hát Rang, Đâm đuống, Chạm ống, nghề truyền thống dệt thổ cẩm, tiếng nói, chữ viết…

Tân Sơn bảo tồn giá trị văn hóa Mường  - Ảnh 1.

Học viên lớp truyền dạy hát Rang, hát Ví, Chàm đuống huyện Tân Sơn tổ chức năm 2023 thực hành trình diễn Chàm đuống.

Để bảo tồn giá trị văn hóa Mường huyện Tân Sơn đã có nhiều giải pháp giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống như: Sưu tầm, lưu giữ các làn điệu dân ca cổ, chữ viết, tổ chức mở các lớp truyền dạy, khuyến khích sinh hoạt các đội văn nghệ quần chúng ở các khu dân cư. Đến nay, toàn huyện có 17 đội văn nghệ quần chúng, 145 CLB hát Ví, hát Rang và Chàm đuống; 26 CLB múa chuông và sinh tiền, 1 CLB múa và thổi khèn, đồng thời chỉ đạo các xã gìn giữ bảo tồn các nhà sàn truyền thống người dân tộc Mường. Đồng thời đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan môi trường, không gian văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng ở các xã Xuân Sơn, Long Cốc, Đồng Sơn.

Tân Sơn bảo tồn giá trị văn hóa Mường  - Ảnh 2.

Trình diễn Cồng chiêng người Mường của đội văn nghệ xã Xuân Sơn.

Ông Trần Văn Giang Trưởng phòng VHTT huyện Tân Sơn cho biết: "Để đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc Mường, UBND huyện Tân Sơn đã ban hành Kế hoạch bảo tồn và phát triển một số loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tân Sơn đã triển khai các hoạt động như sưu tầm các làn điệu hát Ví, hát Rang, phục dựng làm phim tài liệu ghi lại các nghi thức phong tục gắn với hát Ví, hát Rang như rước vía lúa, hát mừng nhà mới, đi hỏi vợ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa của các dân tộc; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu các di sản văn hóa đến công chúng".

Tân Sơn bảo tồn giá trị văn hóa Mường  - Ảnh 3.

Trình diễn Chàm đuống người Mường của đội văn nghệ xã Xuân Sơn.

Với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn giá trị phi vật thể văn hóa Mường huyện Tân Sơn đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp và hiệu quả. Các câu lạc bộ đã phát huy và quảng bá những giá trị bản sắc dân tộc qua hoạt động trình diễn dân gian như hát Ví, hát Rang, Cồng chiêng, Chàm Đuống... trong sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt từ những người đồng bào vùng sâu, vùng xa sống khép mình bước đầu đã quen với việc trình diễn trước cộng đồng và khách du lịch. Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mường ở Tân Sơn không chỉ có ý nghĩa nâng cao nhận thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu mà còn tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Huyện Tân Sơn được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái tự nhiên phong phú đa dạng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Chủ trương bảo tồn văn hóa Mường phù hợp với mục tiêu phát huy vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững của địa phương.

Vy Liên

NỔI BẬT TRANG CHỦ