(Tổ Quốc) - “TAND Tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 1 bức tượng đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng này nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TAND Tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, TAND Tối cao không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các tòa án khác”.
Đó là thông tin được ông Ngô Tiến Hùng, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại cuộc họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TAND Tối cao qua các thời kỳ vào chiều 28/4 tại Hà Nội.
Thông tin trên báo Bảo vệ pháp luật, phát biểu tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố Chánh án TAND Tối cao qua các thời kỳ. Theo Chánh án TAND Tối cao, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa để tri ân và tôn vinh những cống hiến to lớn cho đất nước, cho dân tộc của các bậc tiền nhân, đặc biệt là những công trạng trong lĩnh vực xét xử và tư pháp.
Đồng thời, hướng đến xây dựng một hình tượng lịch sử, đại diện cho hoạt động xét xử của Việt Nam.
Việc xây dựng công trình tượng vua Lý Thái Tông vừa thể hiện tình cảm, lòng thành kính; vừa là nguyện vọng, mong ước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống TAND với các bậc tiền nhân. Thông qua đó, khơi dậy niềm tự hào, giáo dục truyền thống cho các thế hệ về giá trị lịch sử và truyền thống vẻ vang của TAND.
Theo báo cáo của TAND tối cao, quá trình lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu, TAND tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam. Việc lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam đã được triển khai thực hiện trong suốt gần hai năm qua.
TAND tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa như: GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS.TS Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, PGS.TS Vũ Văn Quân, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ,… đã thảo luận cho ý kiến đối với các công trình nghiên cứu công phu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu.
Tại Hội thảo, TAND tối cao đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, TAND Tối cao đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức trong hệ thống TAND đối với các nhân vật lịch sử. Kết quả, 82% ý kiến đã lựa chọn vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.
TAND Tối cao đã ban hành văn bản xin ý kiến các cơ quan ban ngành Trung ương.
Thông tin trên báo Dân Trí, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn TAND Tối cao Ngô Tiến Hùng cho biết, TAND Tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 1 bức tượng đặt tại Quảng trường Công lý - Trụ sở mới của TAND Tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thiết kế và kinh phí xây dựng tượng này nằm trong gói dự án xây dựng trụ sở TAND Tối cao đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
"Hiện nay, TAND Tối cao không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các tòa án khác", ông Ngô Tiến Hùng cho biết tại cuộc họp.
Cũng tại phiên họp, Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thuyết minh ý tưởng đối với các mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông và các cố Chánh án TAND tối cao qua các thời kỳ. Đồng thời, nghe các thành viên Hội đồng nghệ thuật thảo luận, góp ý đối với các mẫu phác thảo này.