• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới

Văn hoá 25/11/2023 08:11

(Tổ Quốc) - Thời gian qua, các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã từng bước được phục hồi, bảo tồn và phát huy, qua đó tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, du lịch.

A Lưới là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiều dân tộc cùng chung sống, trong đó có 5 dân tộc chính: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh... đã tạo nên một nền văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc. Đến nay, huyện A Lưới có 2 di sản văn hóa được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Có trên 72 điểm di tích lịch sử phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện.

Trong những năm qua, huyện A Lưới xác định quan điểm bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện là nhiệm vụ chiến lược mang tính lâu dài và là trách nhiệm của toàn xã hội, sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa người dân và đoàn thể, tổ chức xã hội. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, tác động, tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Ảnh 1.

A Lưới có 5 dân tộc chính: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Kinh... đã tạo nên một nền văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc.

Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; du lịch văn hóa - sinh thái nghỉ dưỡng; đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế, giữa bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên bảo tồn, giữ gìn và phát huy các di sản được quốc gia, tỉnh công nhận, các di sản mang đặc trưng tiêu biểu của huyện, tạo nên bản sắc văn hóa vùng cao A Lưới.

Sau thời gian thực hiện Đề án "Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2014 - 2020", các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện đã từng bước được phục hồi, bảo tồn và phát huy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển văn hóa, du lịch. Các lễ hội, văn hóa ẩm thực, các thể loại dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, điểm di tích lịch sử được bảo vệ, tôn tạo và phát huy... Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường, giao lưu và hợp tác về văn hóa được mở rộng.

Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 8/10/2021 về "Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2023 tầm nhìn đến năm 2030" của Huyện ủy A Lưới cũng xác định mục tiêu tăng cường bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, cấp quốc gia, cấp tỉnh đang có nguy cơ mai một trước sự tác động của nền kinh tế thị trường. Phát huy bản sắc văn hóa riêng có của các dân tộc thiểu số huyện A Lưới gắn với phương châm "văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội".

Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Ảnh 2.

Dệt Dèng là nghề truyền thống của dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới đến nay đã được bảo tồn, tạo sinh kế cho nhiều người dân trên địa bàn.

Cụ thể, đến năm 2025, về văn hóa vật thể phấn đấu 50% số xã có nhà văn hóa truyền thống (Moong, Roong, Gươl), gắn với bảo tồn không gian làng văn hóa truyền thống, kiến trúc, các loại hoa văn, họa tiết trang trí; Xây dựng Làng văn hóa du lịch các dân tộc A Lưới; Nâng cấp di tích địa điểm chứng tích chiến tranh hóa học tại Sân bay A So từ di tích cấp quốc gia thành di tích cấp quốc gia đặc biệt; Phấn đấu từ 1-2 điểm di tích được nâng cấp từ di tích cấp tỉnh thành di tích cấp quốc gia, từ 2-3 di tích được công nhận xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh; 100% xã dân tộc thiểu số bảo tồn, gìn giữ và phát huy các kiến trúc nhà mồ truyền thống; Xây dựng từ 3-4 mô hình bảo tồn các nghề truyền thống.

Về văn hóa phi vật thể, sẽ tổ chức tái hiện lễ hội Ariêu Car, Ariêu A Da tại các Ngày hội văn hóa do Trung ương, tỉnh, huyện tổ chức. Đề nghị công nhận lễ hội Ariêu Car là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; 100% xã khôi phục, bảo tồn không gian làng văn hóa truyền thống; 100% ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát huy; 100% các lễ hội tiêu biểu được quy trình hóa; sưu tầm và bảo tồn tên làng, tên sông, tên núi, các địa danh, tục ngữ, ca dao, dân ca, dân nhạc, dân vũ, câu đố, truyện cổ tích của các dân tộc thiểu số biên tập, biên soạn, in ấn, xuất bản bằng song ngữ Pa Cô - Việt, Tà Ôi - Việt và Cơ Tu - Việt. Về văn hóa ẩm thực, hoàn thành cẩm nang ẩm thực truyền thống các dân tộc A Lưới...

UBND huyện A Lưới cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Huyện uỷ, HĐND huyện và Đề án số 07/ĐA-UBND của UBND huyện A Lưới về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong thời gian qua, huyện cũng đã triển khai thực hiện các công tác liên kết, hợp tác và quảng bá xúc tiến du lịch. Cụ thể, địa phương đã thực hiện việc quảng bá, xúc tiến du lịch tại các hội chợ, chợ phiên vùng cao. Giới thiệu, kết nối với nhiều công ty du lịch lữ hành. Một số đơn vị lữ hành đã hình thành tour cho khách lựa chọn, trải nghiệm và dần dần hình thành tuyến du lịch qua đường Hồ Chí Minh…

Tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới - Ảnh 3.

Du lịch cộng đồng là một thế mạnh của huyện A Lưới.

Bên cạnh đó, A Lưới cũng đã chú trọng đến việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, tạo được mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa tăng trưởng kinh tế với các mục tiêu về văn hóa, môi trường cảnh quan, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở A Lưới hiện nay đã và đang được người dân bảo tồn và phát huy, thông qua các dịp lễ hội, liên hoan ẩm thực cùng với những hoạt động phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng và tại một số điểm du lịch sinh thái như: thác A Nôr, suối Pâr Le, Hồng Hạ, A Roàng 2...

Nhiều chuyến khảo sát, tọa đàm kích cầu và kết nối du lịch được huyện tổ chức. Các hoạt động quảng bá cũng được lồng ghép vào các chương trình, sự kiện văn hóa, lễ hội như: tái hiện lễ hội A Da Koonh, nghi thức dâng Dèng; quảng bá ẩm thực tại ngày hội vùng cao hay tại Festival Huế, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam… qua đó đã tạo sức lan tỏa đến với mọi miền đất nước.

Trong thời gian tới, huyện A Lưới sẽ tiếp tục gắn công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và di sản văn hóa với phát triển loại hình du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái bằng cách thường xuyên hợp tác, kết nối với các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành; tăng cường truyền thông trên các nền tảng; xây dựng và phát triển các chương trình tour hợp lý; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với các điểm di tích lịch sử./.

Thế Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ