(Tổ Quốc) - Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm này vẫn diễn ra với hình thức ngày càng tinh vi hơn.
Ngày 30-6, Tạp chí Công Thương phối hợp với đơn vị chức năng đã tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ thương hiệu trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ".
Dự Tọa đàm có ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương); Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam; bà Bùi Thị Thu Hiền, Đại diện Bộ phận Pháp lý, Công ty TNHH URC Việt Nam.
Tại Tọa đàm, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh những vấn đề quan trọng: Hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền trí tuệ ngày càng phức tạp, tinh vi; Sản phẩm bị làm giả, làm nhái đủ mọi chủng loại; Tiêu thụ hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn giao dịch thương mại điện tử phức tạp; và Thương hiệu bị làm giả, làm nhái gây xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp.
"Có thể nói sau hai năm 2021 - 2022 dịch Covid đã đi qua, và trong vòng một năm trở lại đây, cụ thể từ giữa 2022, vấn đề liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bắt đầu sôi động trở lại. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường lực lượng QLTT thấy rằng sự nhức nhối của hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền trí tuệ đang ngày càng phức tạp và tinh vi", ông Trần Hữu Linh đánh giá và thông tin, riêng 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan QLTT đã kiểm tra gần 3.000 vụ liên quan đến hàng giả và xử phạt gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, những vụ việc đó, theo ông Linh, vẫn chưa đủ minh họa hết được vấn nạn hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại đầu tiên chính là đối với người tiêu dùng. Và ở góc độ doanh nghiệp cũng rất bị thiệt hại. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI thì làm ảnh hưởng, mất lòng tin của những đối tượng này mà chúng ta đều biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa rất quan trọng trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay. Việc hàng giả quá nhiều ở trong nội địa khiến các nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thương hiệu bị làm giả, làm nhái và nguy hiểm nhất là làm xói mòn sức sản xuất của doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với hàng giả, hàng giả vừa rẻ, người dân thì vẫn thỏa hiệp trong việc mua hàng giả.
Ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Tiến Lập đánh giá hiệu lực của những chế tài để bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Và trong trường hợp doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì có thể thực hiện những biện pháp như thế nào để bảo vệ cho thương hiệu của mình?
Theo luật sư Nguyễn Tiến Lập, quan trọng là năng lực thực thi, cơ chế thực thi. "Chúng ta có một hệ thống luật đã có trên thực tế nhưng về cơ chế thực thi nếu chỉ trông cậy vào cơ quan nhà nước rất khó và không bao giờ chúng ta giải quyết được vấn đề. Thế thì các lực lượng khác tham gia như thế nào? Như ông Trần Hữu Linh vừa đưa ra một ví dụ là các tập đoàn lớn của nước ngoài sở hữu các thương hiệu nổi tiếng thì họ hợp tác với cơ quan Nhà nước, tức là tạo ra một cơ chế "hợp tác công - tư", không phải đầu tư công - tư theo Luật Đầu tư theo đối tác công tư nhưng rõ ràng là hợp tác công - tư trong thực thi pháp luật để giải quyết những vấn đề thiết thực, là lợi ích của cả nhà nước, người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp thì cần phải có hợp tác, hợp tác song phương như vậy.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa tìm ra một cơ chế hợp tác. Tôi không dám nói từ "ỷ lại", nhưng họ chỉ trông cậy một chiều, tức là khi có vụ việc thì khiếu nại đến các cơ quan chức năng, nhưng hợp tác ban đầu là khâu phòng ngừa và tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhất giữa hai bên vô cùng quan trọng" - luật sư Nguyễn Tiến Lập cho biết.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập nhấn mạnh, các thiết chế khác nữa là các tổ chức xã hội, ví dụ như các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng là nơi người tiêu dùng có thể trông cậy được, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam tôi nghĩ có lẽ cũng có nhưng mà chưa hoạt động mạnh lắm, đấy là một kênh. Ngoài ra là các tổ chức luật sư, tư vấn.
Ở góc độ đại diện doanh nghiệp, bà Bùi Thị Thu Hiền chia sẻ quan điểm, phương pháp mà URC đã thực hiện để bảo vệ thương hiệu trước những tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, đối với việc bảo hộ thương hiệu, URC đã và đang thực hiện nhiều hành động để bảo vệ thương hiệu và phòng chống tình trạng hàng nhái, hàng giả, như thông qua phối hợp với các cơ quan chức năng để làm sao để phòng ngừa, ngăn chặn. URC có những đề xuất đến các cơ quan chức năng để xử lý các hành vi vi phạm nếu có. Ngoài ra, URC cũng thực hiện hướng dẫn nhận diện thương hiệu cho các đại lý, các nhà phân phối cũng như người tiêu dùng và luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan tới logo, nhãn hiệu của các sản phẩm của công ty. gười tiêu dùng có thể nhận dạng được những thương hiệu của công ty thông qua các kênh truyền thông chính thức như website hoặc hotline của công ty...