(Tổ Quốc) - Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xác định khoảng 100 hoạt động cụ thể về văn hóa, thể thao và du lịch trực tiếp hoặc hướng đến phục vụ công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong giai đoạn 2022- 2026.
Kết luận số 12 -KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới đã xác định rõ việc đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng của công tác NVNONN. Nhận thức rõ được ưu tiên này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 20/1/2022 đã ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 12-KL/TW về công tác NVNONN trong tình hình mới giai đoạn 2022-2026. Kế hoạch này đã xác định rõ bốn nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trong công tác về NVNONN.
Nhanh chóng xác định rõ bốn nhiệm vụ trọng tâm
Trước hết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú, đồng thời tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín như Triển lãm thế giới EXPO, Thế vận hội Olympic, liên hoan phim quốc tế quy mô, hội chợ du lịch quốc tế và các sự kiện thể thao quốc tế lớn.
Tại sự kiện EXPO 2020 Dubai, Nhà Triển lãm Việt Nam, với phong cách trưng bày gần gũi, mang tính kể chuyện với nhiều tương tác đã vinh dự được Tổ chức Triển lãm Quốc tế (BIE) và Ban Tổ chức EXPO 2020 Dubai trao Giải Đồng cho Nhà Triển lãm thuê có diễn giải chủ đề xuất sắc nhất tại Lễ trao giải tổng kết EXPO 2020. Trong khuôn khổ sự kiện này, Việt Nam đã tổ chức thành công Ngày Quốc gia Việt Nam với một loạt hoạt động phong phú như chương trình thời trang và nghệ thuật quy mô lớn "Dòng chảy bất tận", Tuần phim Việt Nam đầu tiên tại khu vực Trung Đông, chương trình giao thương "Gặp gỡ Việt Nam: Đất nước của cơ hội", triển lãm tranh thần đồng hội họa Xèo Chu, trao tặng Kỷ lục thế giới cho cà phê robusta Việt Nam…
Thông qua các hoạt động trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp phần hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời vận động cộng đồng tích cực tham gia, đóng góp và phát huy vai trò trong các hoạt động này để từ đó khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm đối với đất nước trong mỗi kiều bào, làm cho kiều bào, nhất là thế hệ trẻ hướng về quê hương, đất nước.
Tiếp đó, trên cơ sở nhu cầu, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc triển khai đầu tư, xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam trong các địa bàn quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga và một số địa bàn trọng điểm khác.
Cho tới nay, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Viêng Chăn (Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Paris (Cộng hòa Pháp) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý đã phát huy rất tốt các hoạt động tổ chức, tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá văn hoá, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ở nước ngoài; xúc tiến du lịch, hỗ trợ các hoạt động thể thao; phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, tăng cường hiểu biết của nhân dân quốc gia tiếp nhận với Việt Nam; thông tin tình hình kinh tế-xã hội, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng mối quan hệ giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Tổ quốc.
Thêm vào đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức của công tác tuyên truyền, thông tin đối ngoại về tình hình, chính sách phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch của đất nước tới cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài; đồng thời khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch ở trong và ngoài nước, cũng như các hoạt động về nguồn khác.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn tạo cơ hội và khuyến khích các nghệ sĩ Việt kiều tham gia vào các chương trình nghệ thuật trong và ngoài nước để họ có thể đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Nghệ sĩ Việt kiều Đức Tuấn Lê (tổng đạo diễn của 2 chương trình kịch xiếc nổi tiếng Làng tôi và À Ố show) từng giành nhiều vinh quang cùng xiếc mà đỉnh cao là giải Nghệ sĩ xuất sắc (Exellence Award) đã chia sẻ với báo chí: "Những thành quả cao nhất của một nghệ sĩ xiếc, tôi đều đã làm được. Khi mình đã đạt được, mình phải có trách nhiệm với nghệ thuật của Việt Nam, góp phần tạo động lực cho những người trẻ làm việc với tôi hoặc tự sáng tạo ra những điều mới mẻ để đóng góp cho đất nước".
Hay biên đạo người Pháp gốc Việt - Linh Rateau - Giám đốc Trung tâm Dạy nhảy Dance Center tại TP HCM, cũng từng bày tỏ với truyền thông: "Khi ở Paris, tôi cảm thấy mình không được tự do thoải mái. Nhưng khi ở Việt Nam, tôi nhận ra nếu làm việc chăm chỉ, mọi hy vọng đều có thể trở thành hiện thực".
Cụ thể hóa thành hành động
Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã xác định được khoảng 100 hoạt động cụ thể về văn hóa, thể thao và du lịch trực tiếp hoặc hướng đến phục vụ công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn 2022- 2026. Những hoạt động này sẽ có sự phối hợp với các bộ, ngành và đối tác nước ngoài ký kết, thực hiện các văn kiện hợp tác quốc tế về văn hóa, nghệ thuật tạo khuôn khổ pháp lý để triển khai hiệu quả các hoạt động văn hóa đối ngoại, trong đó có hướng đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò chủ trì và điều phối tổ chức các chương trình Tuần/Ngày văn hóa Việt Nam, các hoạt động văn hóa Việt Nam tại nhiều quốc gia, trong đó dành sự quan tâm đặc biệt đến các nước có quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với Việt Nam, nhân kỷ niệm năm tròn, năm chẵn quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước.
Riêng trong năm 2022, nhiều chương trình văn hóa đối ngoại đã Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch lên kế hoạch chuẩn bị cụ thể và kỹ lưỡng như Tuần Văn hóa Việt Nam tại Lào, Campuchia, Ấn Độ, Tây Ban Nha và các sự kiện như Lễ hội Du lịch-Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc năm 2022 và sự kiện Văn hóa Việt Nam tại Áo năm 2022 kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Áo….
Các chương trình này và nhiều sự kiện khác trong giai đoạn tiếp theo đều có sự phối hợp của nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc, truyền thống, cổ điển kết hợp đương đại, triển lãm tranh/ảnh, trưng bày bảo tàng, trình chiếu phim Việt Nam, trình diễn thời trang, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Việt... hướng đến tạo được sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng quốc tế, cũng như cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.
Một nội dung khác cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch hết sức quan tâm đó là hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, triển khai việc dạy và học tiếng Việt với thế hệ trẻ trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với vai trò là đơn vị quản lý và điều hành trực tiếp các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch cho rằng các Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, hiện tại là ở Lào và Pháp, có thể đóng góp rất lớn cho công tác giữ gìn tiếng Việt và bản sắc văn hóa dân tộc cho con em kiều bào.
Được biết, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào và Pháp đã lập kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như chương trình giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam, Tết Trung thu; Liên hoan nghệ thuật Việt Nam; Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam; Tuần Phim Việt Nam, mở các lớp học về văn hóa nghệ thuật, võ thuật cổ truyền Việt Nam…trong giai đoạn từ nay đến năm 2026.
Các hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều hướng đến góp phần khích lệ, tăng cường gắn kết giữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với cội nguồn dân tộc, tạo niềm tin của kiều bào đối với sự phát triển kinh tế đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy tình cảm gắn bó với quê hương, hướng về Tổ quốc.
Bên cạnh đó, các Trung tâm sẽ phối hợp, tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam tại nước ngoài và công dân nước sở tại, tạo thành cầu nối quan trọng về hợp tác văn hóa không chỉ tại Pháp và Lào, mà còn mở rộng ra nhiều địa bàn lân cận, góp phần hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, là điểm đến tin cậy cho kiều bào đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài.
Đặc biệt, nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang trong kế hoạch triển khai nâng cấp, mở rộng hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ra toàn khu vực châu Âu.
5 nhiệm vụ trong thời gian tới
Một là, tiếp tục đẩy mạnh, phát huy những thành tựu đã đạt được thời gian qua, đồng thời không ngừng nghiên cứu các giải pháp nâng cao hơn nữa sự kết nối với cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài nhằm thực hiện tốt chính sách cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam.
Hai là, tận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, xây dựng những kênh thông tin internet, truyền hình kỹ thuật số kết nối Kiều bào với quê hương, trong đó văn hoá, du lịch, thể thao là công cụ, nội dung.
Ba là, tìm kiếm, đề xuất những cá nhân là Kiều bào tham gia vào công tác xúc tiến quảng bá văn hoá, du lịch Việt Nam tại nước ngoài, thu hút đầu tư và du lịch.
Bốn là, tạo hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi để Kiều bào có thông tin, đem khả năng và trình độ của mình đóng góp cho quê hương ở lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.
Năm là, tăng cường đầu tư, dành ưu tiên cấp kinh phí cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.