• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng cường thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đảm bảo số lượng, điều kiện cơ sở vật chất

Văn hoá 09/11/2024 18:58

(Tổ Quốc) - Việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp của địa phương trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Trong giai đoạn tới đây, nhiều tỉnh trên cả nước đặt mục tiêu đảm bảo 100% thôn, bản có nhà văn hóa đạt chuẩn.

Đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương chính sách kịp thời nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần chăm lo đời sống, văn hóa, tinh thần cho nhân dân, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang cho biết, thực tiễn cho thấy thiết chế văn hóa, thể thao đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đảm bảo số lượng, điều kiện cơ sở vật chất - Ảnh 1.

Thực tiễn cho thấy thiết chế văn hóa, thể thao đóng vai trò quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, thể thao (Ảnh: Việt Hùng)

Trong đó, các thiết chế văn hóa góp phần bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, trường học làm cho đời sống tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân các dân tộc thêm phong phú. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa tạo điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu sáng tạo, học tập, trao đổi, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập TDTT của các tầng lớp nhân dân.

Qua nhiều năm, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, xã hội ở địa phương; là cơ sở vật chất, công cụ trực tiếp và đắc lực của cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới.

Lấy ví dụ về thực trạng thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh Hà Giang, bà Nguyễn Thị Hoài cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 7 thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó gồm 6 thiết chế thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý và 1 thiết chế thuộc Tinh đoàn quản lý.

Theo thống kê, có 11/11 huyện thị có Trung tâm Văn hóa, thể thao và Du lịch, đạt 100%; 168/193 xã có nhà văn hóa xã (hội trường trung tâm), đạt tỷ lệ 87%, trong đó đạt chuẩn chiếm 40%; 1.859/2.071 thôn, bản, tổ dân phố có Nhà văn hóa - khu thể thao thôn và tương đương, đạt 90,3%, trong đó đạt chuẩn chiếm 45%;

"Trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã quan tâm, chú trọng công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để đâu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, gắn với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất, Quy hoạch đô thị, khu và được thực hiện lồng ghép trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bố trí quỹ đất xây dựng tại vị trí trung tâm, nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thường xuyên đến sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao và vui chơi giải trí... Một số công trình thiết chế văn hóa của tỉnh đã được đầu tư, bàn giao đưa vào sử dụng và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân" – bà Nguyễn Thị Hoài cho biết.

Đảm bảo quỹ đất xây dựng thiết chế

Việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao các cấp của địa phương trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó, việc bố trí quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, đặc biệt là các thôn, xã ở vùng núi cao theo quy định rất khó khăn. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở không đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhân dân.

Tăng cường thiết chế văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Đảm bảo số lượng, điều kiện cơ sở vật chất - Ảnh 2.

Việc bố trí, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở sẽ đáp ứng được nhu cầu hoạt động của nhân dân không chỉ ở mức hưởng thụ văn hóa, mà còn tạo điều kiện về tự chủ tài chính

Bà Nguyễn Thị Hoài nhận định, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trước khi có quy hoạch, được xây dựng chưa đồng bộ, nhiều nơi ở vị trí không thuận lợi, không phù hợp với đặc điểm của nơi sinh hoạt cộng đồng.

Tương tự tỉnh Hà Giang, tỉnh Lào Cai cũng gặp không ít khó khăn trong công tác xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao thôn, bản. Ông Vũ Đình Trọng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Lào Cai (Sở VHTT tỉnh Lào Cai) cho biết: "Việc đảm bảo tiêu chí Nhà văn hóa có đủ diện tích cũng như các công trình sân bãi phục vụ nhu cầu hoạt động TDTT của cộng đồng dân cư trên địa bàn các xã còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các xã vùng cao biên giới, do công tác quy hoạch, tạo đất, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa còn hạn chế".

Theo thống kê, toàn tỉnh Lào Cai còn 41/1.365 thôn, bản, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa (chủ yếu ở những nơi đô thị như thị xã Sa Pa, không có quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa); có trên 500 nhà văn hóa cộng đồng có diện tích nhỏ hẹp, không phù hợp với quy mô dân số cư trú/ thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.

"Để giải quyết những vướng mắc trên, hiện UBND tỉnh Lào Cai đang giao Sở VHTT tỉnh rà soát, tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng nhà văn hóa cộng đông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030, dự kiến ban hành vào năm 2025 để đảm bảo 100% thôn, bản có nhà văn hóa đạt chuẩn" – ông Vũ Đình Trọng cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Hoài, việc quy hoạch, đầu tư cơ sở vật chất, kĩ thuật phải bảo đảm thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tầm chiến lược, dài hạn; ưu tiên quỹ đất tại các địa điểm thuận lợi và các nguồn lực để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phù hợp với phân bố dân cư, nhằm thuận lợi phục vụ nhân dân khai thác và sử dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao quy mô, gắn với việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của thời đại. Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện chuyên dùng; thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu; cải tạo, nâng cấp thiết chế văn hóa, thể thao các cấp hiện có.

"Hiện nay, quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong đó đã xây dựng Phương án Phát triển Văn hóa thể dục thể thao tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Hàng năm các huyện, thành phố đều đưa nội dung bố trí sử dụng quỹ đất vào xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đảm bảo theo quy định hiện hành" – bà Nguyễn Thị Hoài nói.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ