• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng cường thực thi pháp luật lĩnh vực Điện ảnh

Thời sự 13/10/2022 11:05

(Tổ Quốc) - Điện ảnh là ngành nghệ thuật non trẻ nhưng luôn nhận được mối quan tâm của toàn xã hội và là ngành đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật có được hệ thống luật. Đến năm 2022, Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã tạo nền tảng xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường.

Điện ảnh là ngành nghệ thuật non trẻ so với các ngành nghệ thuật truyền thống khác, nhưng điện ảnh luôn nhận được mối quan tâm của toàn xã hội. Ngay từ những ngày đất nước còn trải qua cuộc chiến chống thực dân Pháp, ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147/SL quyết định thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Điện ảnh cũng là ngành đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật có được hệ thống luật đó là Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Luật Điện ảnh năm 2022 là nền tảng xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại

Theo Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, sau 16 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh năm 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh năm 2009 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách mới của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số và cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Ngày 15/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng xây dựng nền điện ảnh Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường trong bối cảnh nhập quốc tế sâu rộng và sự phát triển bùng nổ của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Giải pháp tăng cường thực thi pháp luật lĩnh vực Điện ảnh - Ảnh 1.

Các vị đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 15/6.

Luật Điện ảnh năm 2022 gồm 8 chương, 50 điều. Luật đã kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều và quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Trong đó, có những điểm mới cơ bản, đáng chú ý như về khái niệm, Luật mới bổ sung thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh", "Phân loại phim", "Phim Việt Nam", "Trường quay" và "Địa điểm chiếu phim công cộng". Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim" đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những hình ảnh động, loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn, được Luật Điện ảnh xác định là phim và không được xác định là phim.

Bên cạnh đó, về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, Luật đã quy định chi tiết, cụ thể những nội dung và hành vi bị cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật. Đồng thời, bỏ đi một số hành vi quy định không rõ ràng, khó xác định ra khỏi nội dung bị cấm.

Về phát hành phim, Luật loại bỏ quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim. Đối với việc nhập khẩu phim, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phim phải cam kết bằng văn bản gửi Bộ VHTTDL về nội dung phim nhập khẩu không vi phạm quy định của Luật Điện ảnh.

Bên cạnh đó, về phổ biến phim, Luật quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng như đáp ứng điều kiện để tự thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ VHTTDL trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng, thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiếp nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.

Giải pháp tăng cường thực thi pháp luật lĩnh vực điện ảnh

Theo Cục Điện ảnh, để thực hiện hiệu quả Luật Điện ảnh năm 2022, cần xây dựng kế hoạch kịp thời, đồng bộ, thống nhất triển khai thực hiện Luật. Trong đó, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Điện ảnh đến toàn thể người dân, cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp Luật về điện ảnh và những quy định pháp luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương trong việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Điện ảnh trên phạm vi cả nước.

Giải pháp tăng cường thực thi pháp luật lĩnh vực Điện ảnh - Ảnh 2.

Phim "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm" - một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam.

Biên soạn, in ấn, xuất bản tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Điện ảnh năm 2022 nhằm phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các sự kiện văn hóa, giáo dục; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Điện ảnh với nội dung, hình thức phù hợp đến tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân để hiểu rõ và thực hiện Luật.

Phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập huấn nội dung quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia hoạt động điện ảnh.

Bên cạnh đó, theo Cục Điện ảnh, cần tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật và quy định hiện hành có liên quan đến Luật Điện ảnh năm 2022, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Điện ảnh năm 2022.

Xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh năm 2022

Ngoài ra, cần chú trọng đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý, ứng dụng kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sử dụng trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật hiện đại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động quản lý nhà nước đảm bảo yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp. Đồng thời, thực hiện kiểm tra định kỳ và kiểm tra xác suất, đột xuất việc thi hành Luật Điện ảnh năm 2022.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ