• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Văn hoá 08/04/2020 18:48

(Tổ Quốc) - Tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Sở VHTTDL Bến Tre tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch; Đầu tư, phát huy giá trị di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu là tin văn hóa tại các tỉnh Nam Bộ vừa qua.

Tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã, sau khi Kế hoạch liên ngành số 34/KHLN-STTTT-SVHTTDL-BĐT ngày 24/10/2013 ban hành, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Bưu điện Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp triển khai, thực hiện tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020 và đạt được một số kết quả nhất định.

Tăng cường tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: Sở VHTT Bà Rịa - Vũng Tàu

Cụ thể, công tác thông tin, tuyên truyền các quy định hiện hành về hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã chủ yếu trao đổi, ban hành các văn bản quản lý giữa các cơ quan, doanh nghiệp như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Bưu điện Tỉnh và các đơn vị trực thuộc. Ngoài ra công tác thông tin, tuyên truyền còn được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp lồng ghép vào chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan mình như: Chương trình phối hợp công tác 430/CTr-BVHTTDL-BTTTT ngày 04/02/2013, Kế hoạch liên ngành số 34/KHLN-STTTT-SVHTTDL-BĐT ngày 24/10/2013,…triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, giá trị mang lại của việc phục vụ sách, báo.

Công tác khảo sát, kiểm tra tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã phục vụ sách, báo được cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện, cụ thể: từ ngày 25/3/2014 đến ngày 28/3/2014 và ngày 26/10/2015 đến ngày 27/10/2015, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Bưu Điện Tỉnh tiến hành khảo sát thực tế 14/25 điểm Bưu điện-Văn hóa xã nhằm đánh giá, lựa chọn các điểm Bưu điện-Văn hóa xã đảm bảo các tiêu chí về trang bị tủ trưng bày sách, báo, bàn, ghế phục vụ độc giả.

Số lượng điểm Bưu điện-Văn hóa xã được lựa chọn để tổ chức phục vụ sách, báo là 08 điểm, cụ thể: điểm Bưu điện-Văn hóa xã Quảng Thành, Nghĩa Thành, Xà Bang, Láng Lớn thuộc huyện Châu Đức; xã Xuyên Mộc, Hòa Hội thuộc huyện Xuyên Mộc; xã Phước Hội thuộc huyện Đất Đỏ; xã Châu Pha thuộc thị xã Phú Mỹ.

Đến nay tổng số sách được Thư viện Tỉnh luân chuyển đến các điểm Bưu điện-Văn hóa xã là 7.800 bản (thông qua bưu điện các huyện), cụ thể: định kỳ luân chuyển 04 tháng/lần (03 đợt/năm); số lượng khoảng 100 bản/điểm/đợt; số lượt độc giả đến đọc, mượn sách, báo khoảng 23.400 lượt (theo báo cáo của Thư viện Tỉnh).

Phần lớn nhân viên phụ trách tủ sách, báo áp dụng hình thức quản lý sách, báo bằng sổ theo dõi để phân loại, bảo quản, tránh tình trạng mất mát, thất thoát; bố trí, sắp xếp sách, báo khoa học, hợp lý, dễ nhìn, tạo thuận lợi quản lý, sử dụng của độc giả.

Hầu hết tủ sách, báo hoạt động trong giờ hành chính; số lượng độc giả sử dụng sách, báo chủ yếu theo kiểu truyền thống là đọc tại chỗ hoặc mượn về nhà. Tuy nhiên để làm phong phú đầu sách, báo, tăng hiệu quả hoạt động tủ sách, báo, phục vụ tốt hơn cho độc giả, Bưu điện Tỉnh và Thư viện Tỉnh xây dựng Quy chế số 009/QC-TVT-BĐT ngày 07/01/2015 về luân chuyển sách tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã.

Các đầu sách, báo có nội dung chủ yếu là cung cấp kiến thức, kỹ năng về chính sách xã hội, văn học nghệ thuật, kỹ thuật nông nghiệp, lịch sử, địa lý, khoa học phổ thông, pháp luật, sách thiếu nhi,…Với sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao, Bưu điện Tỉnh, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, phối hợp chặt chẽ, triển khai kịp thời việc luân chuyển, phục vụ, quản lý, sử dụng sách, báo tại các điểm Bưu điện-Văn hóa xã.

Qua 06 năm thực hiện Chương trình, với sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai xây dựng, duy trì hoạt động phục vụ sách, báo theo quy định hiện hành từ Thư viện đến các điểm Bưu điện-Văn hóa xã, để phục vụ, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, duy trì văn hóa đọc góp phần nâng cao đời sống dân trí cho một bộ phận người dân. Kết quả đạt được là Bưu điện-Văn hóa xã đã từng bước trở thành điểm cung cấp thông tin, văn hóa ở địa phương là hướng đi đúng và phù hợp với thực tiễn, đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng.

Sở VHTTDL Bến Tre tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch Covid - 19

Thời gian qua, các cơ quan truyền thông và các đơn vị thông tin tuyên truyền đã tích cực vào cuộc tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19. Công tác truyền thông hiện đang được tập trung, với mục tiêu cao nhất là giúp người dân nắm bắt thông tin và nâng cao ý thức về phòng chống dịch Covid-19.

Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TP. Bến Tre cho biết, thực hiện theo tinh thần chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các công văn của tỉnh, UBND TP. Bến Tre, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TP. Bến Tre đã thống nhất tăng thời lượng phát sóng trên hệ thống truyền thanh thành phố và các xã, phường. Cụ thể, từ ngày 31-3 đến hết 15-4-2020, các đài truyền thanh sẽ tăng cường phát sóng chương trình đặc biệt phòng chống dịch Covid-19 (riêng chương trình phát thanh hàng ngày vẫn giữ nguyên). Thời lượng phát sóng vào các thời điểm: lúc 9 giờ, 11 giờ, 15 giờ, 17 giờ, 19 giờ, 21 giờ hàng ngày (thời lượng từ 5 - 10 phút). Nội dung thông tin về biện pháp phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế; thông tin phản ánh toàn diện các hoạt động phòng chống dịch bệnh diễn ra trên địa bàn để nhân dân nắm bắt.

Đài truyền thanh các huyện cũng tăng cường phát sóng. Điển hình như Đài truyền thanh huyện Bình Đại phát sóng mỗi ngày 3 buổi (sáng, trưa, chiều), mỗi buổi 30 phút, trong đó, 25 phút tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Ngoài những nội nhung theo chỉ đạo của trên, đài còn cập nhật thông tin tình hình bà con ở khu cách ly, sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ của các lực lượng y tế và các ngành liên quan, các mạnh thường quân để nhân dân trong huyện nắm bắt, an tâm.

Công tác tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 còn được thực hiện qua hình thức cổ động trực quan: băng-rôn, pa-nô, xe phóng thanh… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cũng hướng dẫn các đơn vị trực thuộc sở, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố về việc chủ động tham khảo, lựa chọn các mẫu tranh phù hợp để in, treo dán tại các nơi công cộng, trụ sở làm việc, trên các cụm pa-nô theo tình hình thực tế của địa phương.

Nhiều địa phương đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo đóng trên địa bàn thực hiện xã hội hóa sử dụng các mẫu tranh tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 in, treo trên các bảng quảng báo tấm lớn đang có tại địa phương; ưu tiên bố trí các điểm treo tại các vị trí trung tâm để người dân trên địa bàn dễ dàng tiếp nhận thông tin. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (tên gọi mới của Trung tâm Văn hóa tỉnh Bến Tre Tresau hợp nhất), cập nhật thông tin thường xuyên để thực hiện các audio gửi về cho hệ thống huyện, thành phố để phát thanh. Đồng thời, tuyên truyền lưu động đến các khu vực tập trung nhiều người trên địa bàn TP. Bến Tre để tuyên truyền các nội dung có liên quan đến dịch Covid-19.

Từ những nỗ lực trong công tác tuyên truyền của các đơn vị chức năng, các địa phương, người dân được tiếp cận nhanh với các thông tin về dịch Covid-19, qua đó góp phần nâng cao ý thức cộng đồng trong việc chấp hành chủ trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cùng động viên, giúp đỡ để cùng vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh.

Đầu tư, phát huy giá trị di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu

Bạc Liêu là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với ý chí quật cường không bao giờ khuất phục trước kẻ thù nhưng cũng thấm đẫm tính nhân văn khi hai lần giành chính quyền không nổ súng. Được sống trong hòa bình hôm nay, người Bạc Liêu luôn khắc ghi công lao của thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh anh dũng cho quê hương và cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác đầu tư, phát huy giá trị các "địa chỉ đỏ".

Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết, cơ quan này đã làm tờ trình xin chủ trương tu bổ di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Tiêu biểu là xây dựng mới nhà thắp hương; sơn lại cột, đòn tay giả gỗ các căn nhà lá; xử lý chống mối, chống thấm mái nhà trưng bày; lắp đặt hệ thống camera quan sát… Theo Ban Quản lý di tích tỉnh, việc đầu tư và tu sửa các hạng mục sẽ góp phần nâng tầm giá trị cho di tích, đáp ứng các điều kiện để lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu là di tích quốc gia đặc biệt.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX cũng đã xem xét thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, lắp đặt thiết bị phòng cháy, chữa cháy và chống sét di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (xã Long Điền, huyện Đông Hải) và Di tích lịch sử Nọc Nạng (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai). Mục đích thực hiện dự án là trang bị tốt các điều kiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chống sét để giữ gìn, bảo tồn giá trị hai di tích lịch sử quốc gia này, cũng như đảm bảo an toàn trong phục vụ khách tham quan. Dự án giao cho Sở VHTTDL làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư (dự kiến) là 915 triệu đồng, thời gian thực hiện từ năm 2020 - 2021.

Việc tỉnh Bạc Liêu dành sự quan tâm và nguồn lực đầu tư tu bổ các di tích nói chung, di tích lịch sử quốc gia nói riêng là hành động thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn", sự trân trọng và tri ân công lao to lớn của lớp người đi trước. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng, lịch sử vẻ vang của quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nằm sâu trong ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã được xây dựng khá quy mô với nhiều công trình tái hiện lại cuộc sống và quá trình làm việc của các đồng chí Xứ ủy Nam bộ, sau đó là Trung ương Cục miền Nam (thời kháng chiến chống Pháp), và cuối cùng là Tỉnh ủy Bạc Liêu (thời chống Mỹ).

Khu căn cứ Tỉnh ủy ngày nay là di tích lịch sử, mỗi năm đón hàng ngàn lượt đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về thăm viếng. Những phần quà cũng theo đó mà đến với các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng. Đó cũng là cách mà các thế hệ thể hiện sự biết ơn của mình đối với lịch sử vẻ vang của quê hương.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ